Giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền - Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên

Năm 2017, sản xuất thủy sản của Việt Nam có nhiều khởi sắc. Với những kết quả nổi bật đã đạt được trong năm qua, năm 2018, ngành Thủy sản Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi với những dự báo nhiều triển vọng khả quan, tuy nhiên thách thức, khó khăn vẫn là khá lớn. Để ngành Thủy sản Việt Nam phát triển ổn định và bền vững, trong thời gian tới cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng ngành Thủy sản Việt Nam năm 2017

Những năm gần đây, ngành Thủy sản Việt Nam đã đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu để đạt được kết quả ấn tượng, đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia. Cụ thể, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành Thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,54%, do sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc so với năm 2016, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Sản lượng thuỷ sản năm 2017 đạt 7.225,0 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm 2016, trong đó cá đạt 5.192,4 nghìn tấn, tăng 4,8% so với năm 2016; tôm đạt 887,5 nghìn tấn, tăng 8,8% so với năm 2016.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2017 đạt 3.835,7 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm 2016, trong đó cá đạt 2.694,3 nghìn tấn, tăng 4,2% so với năm 2016; tôm đạt 723,8 nghìn tấn, tăng 10,3% so với năm 2016. Sản lượng cá tra năm 2017 đạt 1.251,3 nghìn tấn, tăng 5% so với năm 2016; sản lượng tôm sú đạt 254,9 nghìn tấn, tăng 4,4% so với năm 2016; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 432,3 nghìn tấn, tăng 14,3% so với năm 2016.

Sản lượng thủy sản khai thác của cả nước năm 2017 đạt 3.389,3 nghìn tấn, tăng 5,1% so với năm 2016, trong đó cá đạt 2.498,1 nghìn tấn, tăng 5,4%, tôm đạt 163,7 nghìn tấn, tăng 2,6%. Sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 3.191,2 nghìn tấn, tăng 5,1%, trong đó cá đạt 2.363,8 nghìn tấn, tăng 5,4%, tôm đạt 150,2 nghìn tấn, tăng 2,8%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2017 đạt trên 8,3 tỷ USD, tăng gần 19% so với năm 2016. Đóng góp lớn nhất vào xuất khẩu thủy sản vẫn là mặt hàng tôm với mức tăng trưởng trên 21%, giá trị xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD. Tiếp đến là mặt hàng cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, dù gặp khó khăn ở nhiều thị trường lớn nhưng tổng cộng vẫn tăng gần 4% so với năm 2016. Xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc đều có khả năng chạm mức gần 600 triệu USD, tăng lần lượt 16% và 42% so với năm 2016.

Đáng chú ý, trong xuất khẩu thủy sản năm 2017, Trung Quốc đã vượt Mỹ trong top thị trường nhập khẩu cá tra và tôm của Việt Nam. Với mức tăng 37% trong năm 2017 và giá trị nhập khẩu lên đến 420 triệu USD, Trung Quốc đang dẫn đầu các thị trường mua cá tra và là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 sau Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản với giá trị 677 triệu USD, tăng trên 60% so với năm 2016.

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2017, ngành Thủy sản Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Đó là sự cạnh tranh nguyên liệu tôm từ nước ngoài như: Ecuador, Ấn Độ, cũng như nguồn tôm, cá tuyết, cá nheo nguyên liệu của Mỹ, đến các rào cản kỹ thuật của các nhà nhập khẩu, việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong quá trình đánh bắt, khai thác...

Nguyên liệu thiếu ổn định là một hạn chế lớn của thủy sản Việt Nam trong thời gian qua. Có thời điểm giá cá tra nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao (giữa 2017) nhưng người nuôi cũng không đủ nguồn cá để cung cấp; đồng thời, khi đối mặt với những yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu, nguồn nguyên liệu đủ tiêu chuẩn ASC, BAP, HACCP và những yêu cầu khác theo Đạo luật Farmbill của Mỹ cũng không nhiều như thị trường mong đợi. Nhiều DN chế biến xuất khẩu thủy sản cũng gặp khó khăn khi nguyên liệu cá ngừ, nhuyễn thể hai mảnh vỏ như nghêu, sò huyết được chứng nhận MSC lại không đủ phục vụ cho chế biến.

Bên cạnh đó, những rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn môi trường đã gây thiệt hại không ít đến ngành chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ngay từ đầu năm 2017, con tôm Việt Nam gặp khó khăn chính từ thị trường Australia vì Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia ban bố lệnh cấm nhập khẩu tôm chưa nấu chín vào Australia. Với lệnh cấm này kéo dài trong 6 tháng đầu năm 2017 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Cho đến khi lệnh cấm này được dỡ bỏ và có hiệu lực từ ngày 6/7/2017 thì việc xuất khẩu tôm vào thị trường Australia mới khởi sắc trở lại. Cùng với đó, ngành cá tra cũng phải đối mặt với thuế chống bán phá giá của Mỹ. Mỹ là thị trường chiếm 20% giá trị xuất khẩu của cá tra Việt Nam, nhưng cũng là nơi có khả năng sản xuất cá da trơn tương tự như cá tra là cá nheo và cá tuyết.

Triển vọng năm 2018

Năm 2018, ngành Thủy sản đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị thủy sản đạt từ 5,3% - 5,8%; Tổng sản lượng thủy sản đạt từ 7 - 7,5 triệu tấn. Trong đó, nuôi tôm các loại là 750 nghìn tấn, tăng 3,6%; sản lượng cá tra đạt 1,3 triệu tấn, tăng 3,9% so với năm 2017. Mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2018 là 9 tỷ USD. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các DN và người nuôi, từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến thì không chỉ hoàn thành kế hoạch mà ngành Thủy sản còn được kỳ vọng sẽ tạo nên cột mốc mới.

Giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam - Ảnh 1

Từ khó khăn và thuận lợi trong năm 2017, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ sản phẩm tôm và sự linh hoạt xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự báo, xuất khẩu thủy sản năm 2018 sẽ đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với năm 2017.

Bên cạnh những thuận lợi, năm 2018, dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thử thách đối với ngành Thủy sản Việt Nam. Châu Âu đã áp dụng “thẻ vàng” đối với thuỷ sản Việt Nam, kiểm tra gắt gao truy xuất nguồn gốc đối với hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Song song với đó là quy định chống khai thác thủy, hải sản bất hợp pháp từ Mỹ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Từ phía cơ quan quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo, mặc dù đang có những lợi thế nhưng năm 2018, ngành Thủy sản vẫn đối mặt với nhiều thách thức, không thể chủ quan. Trong đó, diễn biến thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục khó lường và khốc liệt; những vấn đề từ chính khâu nuôi, chế biến như dư lượng kháng sinh, tạp chất trong sản phẩm; cùng với việc các thị trường xuất khẩu vẫn còn đó những rủi ro về thuế, các chương trình thanh tra, vấn đề thẻ vàng của Ủy ban châu Âu về khai thác bất hợp pháp...

Một số giải pháp phát triển bền vững ngành Thủy sản Việt Nam

Để ngành Thủy sản Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 và công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Trên thế giới, công nghệ 4.0 đã và đang được thúc đẩy áp dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp- thủy sản tại các nước như: Israel, châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan... và tạo ra những giá trị vượt trội trong sản xuất như giải phóng sức lao động, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cảm biến nhanh để thích ứng với những thay đổi của thời tiết, môi trường...

Tại Việt Nam, công nghệ 4.0 đã được nghiên cứu, ứng dụng và thúc đẩy trong những năm gần đây và tạo ra những giá trị rõ rệt cho ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ trên tại Việt Nam với tỷ lệ thực tế chưa cao và còn diễn ra manh mún, nhỏ lẻ.

Nhiều người dân nuôi trồng thủy sản còn từ chối sử dụng công nghệ cao vì vốn đầu tư lớn. Vì vậy, thời gian tới, cần tăng cường các hoạt động khuyến khích, tư vấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) lẫn người nuôi thủy sản để họ thay đổi cách sản xuất, áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao, giảm thiểu thất thoát trong quá trình nuôi cũng như gia tăng chất lượng ngày càng tốt hơn. 

Thứ hai, tuân thủ nghiêm các quy định đánh bắt thủy sản. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất thủy sản, phù hợp với quy định của thị trường trong và ngoài nước, các tổ chức, cá nhân tham gia đánh bắt thủy sản cần phải thực thi đúng Luật Thủy sản. Đặc biệt là không vi phạm vùng biển nước ngoài, không đánh bắt các loài thủy sản bị cấm...

Các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định đánh bắt, quản lý tốt hoạt động đánh bắt thủy sản để đảm bảo không làm cạn kiệt nguồn lợi này bằng việc giảm dần tàu làm nghề kéo lưới, tổ chức lại khai thác vùng biển xa bờ, ven bờ theo mô hình khai thác theo tổ, đội và các mô hình quản lý khai thác có sự tham gia của cộng đồng...

Thứ ba, nâng cao chất lượng môi trường nước.Hiện nay, chất lượng nguồn nước cung cấp cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản đang bị suy giảm nghiêm trọng so với những năm trước đây, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng nuôi. Để đảm bảo chất lượng nuôi trồng thủy sản, cần nâng cao chất lượng môi trường nước. Người nuôi trồng thủy sản cần áp dụng một số công nghệ trong xử lý nước và trong quá trình nuôi như: Công nghệ lọc sinh học để loại bỏ chất rắn dạng lơ lửng và các khí độc hòa tan trong nước.

Áp dụng công nghệ Biofloc nhằm loại bỏ các chất dinh dưỡng dư thừa để nâng cao chất lượng nước thông qua chuyển hóa vào sinh khối vi khuẩn dị dưỡng, đồng thời sử dụng biofloc làm thức ăn cho các đối tượng thủy sản. Hay nuôi kết hợp với một số loài rong biển có giá trị kinh tế có khả năng làm giảm hàm lượng các chất hữu cơ và khí độc hòa tan trong nước. Nuôi kết hợp với hải sâm hoặc với một số loài cá ăn thực vật và mùn bã hữu cơ như cá măng, cá đối, cá rô phi sẽ có tác dụng tích cực trong việc hạn chế lượng chất thải hữu cơ tích tụ trong ao nuôi.

Đối với cơ quan nhà nước, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và tổ chức quản lý, giám sát cộng đồng để quản lý môi trường và áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm đối với các cơ sở sản xuất không tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ môi trường để giảm thiểu tình trạng xả thải tùy tiện của các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Thứ tư, phát triển thị trường và xúc tiến thương mại. Cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến thương mại để củng cố và phát triển các thị trường truyền thống, các thị trường lớn (EU, Nhật Bản, Mỹ) và phát triển mở rộng các thị trường Đông Âu, Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc… Đồng thời, phát triển, mở rộng thị trường nội địa phục vụ du lịch, các đô thị, khu dân cư lớn.

Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thủy sản ở các thị trường trọng điểm (triển lãm, hội chợ, tuyên truyền, quảng cáo). Xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng cho một số sản phẩm thủy sản chủ lực phục vụ xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và quy cách sản phẩm thủy sản của các nước nhập khẩu.

Thứ năm, tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhà nước ngành Thủy sản từ Trung ương đến địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành Thủy sản. Hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, điều kiện trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thủy sản làm cơ sở quản lý và xã hội hóa một số khâu trong công tác quản lý nhà nước về thủy sản.

Nhân rộng các mô hình quản lý nhà nước có sự tham gia của cộng đồng, khuyến khích các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ; giữa DN chế biến tiêu thụ và người sản xuất nguyên liệu; sự phối hợp hiệu quả giữa nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp...         

Tài liệu tham khảo:

1. Doãn Thị Mai Hương (2017), Phát triển bền vững thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 1, tháng 9/2017;

2. Thủ tướng Chính phủ (2010), Quyết định số 1690/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020;

3. Xuất khẩu thủy sản 2018: Triển vọng đạt kỷ lục mới, http://baochinhphu.vn;

4. http://bnews.vn.