Nhu cầu vàng miếng suy giảm, cơ hội cho ngành sản xuất, mỹ nghệ?

PV.

Nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, trong khi đó tiền gửi bằng VND trong hệ thống gia tăng. Nhờ đó, nguồn lực vàng trong dân đã bước đầu được chuyển hóa thành tiền để sẵn sàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời mở ra cơ hội phát triển cho ngành sản xuất trang sức, mỹ nghệ.

Sau khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP được ban hành, nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm.
Sau khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP được ban hành, nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn cho phép Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được chấm dứt hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng tại các địa điểm được phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Lý giải về động thái này, một chuyên gia về vàng cho biết, có thể kinh doanh vàng miếng không còn hấp dẫn đối với các ngân hàng và các doanh nghiệp kinh doanh vàng khi nhu cầu vàng trong nước đang rất yếu.

Trong báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, với việc triển khai thực hiện chính sách chấm dứt huy động, cho vay vốn bằng vàng và các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm.

Từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm; Cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng. Doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm đến 70% so với năm 2013; các doanh nghiệp chủ yếu mua ròng vàng miếng từ khách hàng cá nhân.

Thị trường không xuất hiện các "cơn sốt" vàng miếng. Mấy năm nay đã không còn tái xuất hiện cảnh người dân đổ xô đi mua vàng mỗi khi giá vàng biến động, vì thế giá vàng trong nước cũng chỉ biến động trong biên độ khá nhỏ ngay cả trong thời điểm giá vàng thế giới biến động mạnh.

Ngoài ra, cũng không còn tình trạng đầu cơ, làm giá diễn ra trong thời gian dài gây bất ổn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô như giai đoạn trước đây. Trong khi đó, số liệu tiền gửi VND từ năm 2014 đến nay liên tục tăng, với tốc độ tăng hàng năm quanh mức 16-20%.

Trước đây, người dân thường có xu hướng nắm giữ vàng để tích lũy và bảo toàn giá trị mỗi khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt khá, hiệu quả của hoạt động kinh doanh  ngày càng tốt hơn, lạm phát ở mức thấp khiến cho việc nắm giữ vàng không có lợi bằng các kênh đầu tư khác.

Bên cạnh đó, hiện nay các ngân hàng đã không còn được huy động vàng, thậm chí người có vàng phải trả phí để ngân hàng giữ hộ. Do vậy, việc tích trữ vàng miếng vừa sinh lợi ít vừa rủi ro cao do bảo quản, mất trộm...

Theo các chuyên gia kinh tế, với việc nhu cầu vàng miếng suy giảm, bản thân nền kinh tế không bị tiêu tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, một phần nguồn lực vàng được chuyển hóa phục vụ nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Thực tế cũng cho thấy, thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ cũng tự cân đối, hiện nay nhu cầu vàng nguyên liệu chủ yếu chỉ dùng để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các sản phẩm trang sức liên tục được các doanh nghiệp kinh doanh vàng giới thiệu ra thị trường. 

Được biết, hiện nay, bản thân các doanh nghiệp đều chủ động mua vàng nguyên liệu trên thị trường để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thay vì phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng nguyên liệu như giai đoạn trước đây (trung bình mỗi năm nhu cầu vàng nguyên liệu cho sản xuất trang sức, mỹ nghệ khoảng 10-15 tấn). 

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho rằng việc "các doanh nghiệp kinh doanh vàng phát triển vàng trang sức là một xu hướng tích cực”. Thực tế cũng cho thấy, xu hướng này có thể thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất trang sức, mỹ nghệ phát triển, mang lại lơi nhuận cao cho doanh nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động cũng như đóng góp cho ngân sách hiệu quả hơn.