Thực trạng sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp xây dựng niêm yết

ThS. Nguyễn Đình Hoàn - Học viện Tài chính

Đối với các doanh nghiệp xây dựng niêm yết, nhu cầu về nguồn lực tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối lớn. Các doanh nghiệp xây dựng luôn phải đa dạng hoá nguồn huy động cũng như sử dụng nhiều kênh huy động nhằm đáp ứng nhu cầu vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý. Chính vì thế, việc sử dụng hiệu quả vốn kinh doanh, trong đó sử dụng hiệu quả vốn lưu động là một việc làm rất cần thiết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Vốn lưu động là một trong hai bộ phận quan trọng cấu thành nên vốn của doanh nghiệp (DN). Do đó, hiệu quả sử dụng vốn lưu động là một thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của DN nói riêng cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN nói chung.

Để có cái nhìn toàn diện về hiệu quả sử dụng vốn lưu động của các DN xây dựng (DNXD) niêm yết bài viết tập trung nghiên cứu 78 DNXD niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (giai đoạn từ 2010 - 2014) với các chỉ tiêu tài chính cơ bản sử dụng để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn lưu động, là số vòng quay vốn lưu động, số ngày một vòng quay vốn lưu động.

Số vòng quay vốn lưu động

Từ bảng 1 và hình 1 có thể thấy, hiệu quả sử dụng vốn lưu động của các DNXD niêm yết có xu hướng giảm trong giai đoạn 2010-2014, số vòng quay vốn lưu động năm 2014 là 0,87 vòng giảm 0,66 vòng, tương ứng với tỷ lệ giảm 26,27% so với năm 2010 (năm 2010 là 1,18 vòng).

Các DNXD có vốn lưu động trung bình chiếm từ 65%- 67% tổng vốn kinh doanh, do đó việc giảm hiệu suất sử dụng vốn lưu động đã làm ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả sử dụng vốn nói riêng và hiệu quả kinh doanh nói chung của DNXD niêm yết. Xét theo quy mô vốn, giữa các nhóm DNXD niêm yết đều có cùng xu hướng biến động giảm hoặc không đổi liên tục trong các năm 2010- 2014 (chỉ có nhóm DN có quy mô vốn dưới 300 tỷ đồng tăng nhẹ năm 2013).

 

Thực trạng sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp xây dựng niêm yết - Ảnh 1

Giữa các nhóm DN cũng không có sự khác biệt lớn ở chỉ tiêu này (các chỉ tiêu xung quanh con số 1 vòng) cho thấy tốc độ luân chuyển vốn lưu động chậm hơn các năm trước.

Chỉ tiêu số ngày một vòng quay vốn lưu động

Số ngày một vòng quay vốn lưu động của các DNXD niêm yết tăng lên cùng với sự giảm đi của số vòng quay vốn lưu động. Năm 2010 một vòng quay vốn lưu động cần 305 ngày thì đến năm 2014 đã tăng lên là 413 ngày, tăng 108 ngày/vòng tương ứng tỷ lệ tăng 35% so với năm 2010.

Sự gia tăng của số ngày luân chuyển vốn lưu động cho thấy, khả năng chuyển hoá vốn lưu động của các DNXD niêm yết trong những năm qua đi xuống. Nếu như ở DN có quy mô vốn dưới 300 tỷ đồng năm 2010 chỉ cần 340 ngày để thực hiện một vòng luân chuyển vốn lưu động, thì sang năm 2014 con số này tăng lên 365 ngày.

Tuy nhiên, mức tăng ở các DN có quy mô vốn dưới 300 tỷ đồng chưa đáng kể so với các DN có quy mô vốn từ 300 đến 700 tỷ đồng khi cùng thời gian đó số ngày một vòng quay vốn lưu động đã tăng từ 288 lên 374 ngày (tăng 86 ngày), còn tại DN có quy mô vốn trên 700 tỷ đồng tăng tới 127 ngày trong giai đoạn 2010- 2014.

Dựa vào các chỉ tiêu tài chính trên có thể thấy, hiệu quả sử dụng vốn lưu động của các DNXD niêm yết đã thấp lại có xu hướng giảm. Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động của các DNXD niêm yết góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh doanh của các DNXD niêm yết nói chung bài viết đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, chú trọng và tăng cường công tác dự báo nhu cầu vốn lưu động đặc biệt là vốn bằng tiền ở từng thời kỳ để có giải pháp huy động hiệu quả.

Vốn bằng tiền là một bộ phận quan trọng của vốn lưu động. Chính vì vậy, trong thời gian tới các DNXD niêm yết cần chú ý hơn công tác dự báo nhu cầu tiền mặt cần thiết trong từng thời kỳ. Do thời điểm thu tiền và chi tiền không phải lúc nào cũng trùng khớp với nhau nên thực tế các DNXD niêm yết thường xảy ra tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt vốn bằng tiền tại các thời điểm khác nhau.

Mặt khác, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản trị vốn bằng tiền, bên cạnh việc duy trì khả năng thanh toán một cách kịp thời và hiệu quả nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra liên tục thông suốt, thì mục tiêu gia tăng hiệu quả khai thác nguồn tiền nhàn rỗi và bộ phận tiền gửi tại ngân hàng cũng cần được DN đặc biệt chú ý. Do đó, DN cần tính toán mức dự trữ bằng tiền một cách hợp lý, để tiết giảm chi phí lãi vay.

Thực trạng sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp xây dựng niêm yết - Ảnh 2

Như vậy, tăng cường công tác quản trị vốn bằng tiền là một nhiệm vụ quan trọng của các DNXD niêm yết hiện nay. Quản trị tốt vốn bằng tiền một mặt sẽ duy trì và đảm bào khả năng thanh toán cũng như giảm thiểu rủi ro tài chính; mặt khác, sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn bằng tiền nói riêng cũng như hiệu quả sử dụng vốn lưu động nói chung.

Thứ hai, xây dựng chính sách bán hàng hợp lý trên cở sỡ dữ liệu khách hàng đầy đủ và tin cậy.

Lĩnh vực xây dựng là lĩnh vực đặc thù. Số lượng khách hàng tuy ít nhưng doanh thu trên một khách hàng là rất lớn. Với các DN khác khi mất một, hai khách hàng hoặc một vài khách hàng không thanh toán theo đúng tiến độ thì mức độ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN không nhiều.

Tuy nhiên, đối với DNXD thì chỉ một vài khách hàng từ bỏ hoặc không thiện trí thanh toán có thể gây ra thiệt hại nặng nề thậm chí đẩy DN vào tình trạng phá sản. Chính vì thế, xây dựng chính sách bán hàng hợp lý là một việc làm rất cần thiết.

Thứ ba, đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm, giải phóng hàng tồn kho.

Đối với các DNXD niêm yết thì hàng tồn kho có một vị trí vai trò rất quan trọng trong cơ cấu tài sản. Chính vì thế, quản trị tốt hàng tồn kho là một trong những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN.

Thực trạng sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp xây dựng niêm yết - Ảnh 3

Số dư bình quân về hàng tồn kho của các DNXD niêm yết trong giai đoạn 2010- 2014 gia tăng rất nhiều. Điều này cho thấy một lượng lớn vốn lưu động của DN đang tồn đọng. Chính điều này đã tác động tiêu cực đến tốc độ quay vòng của hàng tồn kho cũng như hiệu quả sử dụng vốn lưu động.

Thời gian tới, các DNXD niêm yết cần thực hiện việc phân loại hàng tồn kho. Đồng thời cũng cần đẩy nhanh tiến độ tại các dự án có triển vọng thanh toán tốt để hoàn thành, nghiệm thu theo tiến độ để hiện thực hoá doanh thu từ hàng tồn kho.  

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Dần (2011), Kinh tế học vi mô I, NXB Tài chính, Hà Nội;

2. Bùi Văn Vần, Vũ Văn Ninh (2013), Tài chính DN, NXB Tài chính, Hà Nội;

3. Báo cáo tài chính của 78 DNXD niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.