Vai trò động lực của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam

PGS., TS. Trần Kim Chung, Tô Ngọc Phan - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã đóng góp phần lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Doanh nghiệp tư nhân đóng góp 43,22% GDP và 39% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra nhiều việc làm trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều yếu tố gây khó khăn, hạn chế vai trò động lực của kinh tế tư nhân, do đó cần thực hiện một số giải pháp để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành nền tảng của mô hình phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Sự phát triển về thể chế đối với kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam

Kể từ khi đổi mới đến nay, thể chế đối với kinh tế tư nhân của nước ta đã có những bước phát triển rõ rệt. Đáng chú ý nhất là sự thay đổi quan điểm về vai trò kinh tế tư nhân trong văn kiện Đảng. Giai đoạn trước đổi mới, Việt Nam thực hiện nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Nhà nước quyết định tất cả các hoạt động kinh tế, phân bổ đầu vào và phân bố đầu ra. Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tập thể vẫn là hai loại hình sở hữu chính trong nền kinh tế. Sự tồn tại của sở hữu tư nhân và cá thể vì thế bị kìm hãm phát triển do quan điểm thời điểm đó sở hữu tư nhân là nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản.

Giai đoạn sau đổi mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991, Đảng đã xác định: “Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế quốc dân”. Đến năm 2000, nhiều văn bản pháp lý đã được thông qua như Luật Đất đai (1988), Luật Công ty, Luật DN tư nhân (1990), Luật Phá sản DN (1993), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công ty, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DN tư nhân (1994), thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho việc vận hành của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực tư nhân vẫn rất chậm (Hakkala và Kokko, 2007).

Hình 1: Đóng góp của Doanh nghiệp tư nhân vào phát triển kinh tế - xã hội
Hình 1: Đóng góp của Doanh nghiệp tư nhân  vào phát triển kinh tế - xã hội
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017)

Kể từ năm 2000, khi Luật DN (1999) ra đời, đã quy định rõ quyền của nhà nước, cán bộ, các nhà đầu tư cũng như DN. Một điểm rất đáng lưu ý khác là quyền tự do kinh doanh được công nhận. Những chuyển biến tư duy quan trọng này đã góp phần làm tăng mạnh số DN đăng ký mới.

Tuy vậy, phải đến Luật DN 2005 mới điều chỉnh tất cả các DN không kể loại hình sở hữu, tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn giữa DNNN (trước đó vẫn được điều chỉnh bởi Luật DN nhà nước), DN nước ngoài (trước đó do Luật Đầu tư nước ngoài điều chỉnh) và các loại hình DN khác như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, DN tư nhân (DNTN) trong nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần từ DNNN, DN của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chuyển đổi thành.

Tiếp đó, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khẳng định: “Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Vai trò của kinh tế tư nhân được nâng lên, là nòng cốt của nền kinh tế, bên cạnh kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, thay vì chỉ là một trong những động lực của nền kinh tế như trước đây.

Thực trạng vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam

Từ chỗ bị kìm hãm, không cho phát triển, đến nay, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Góp phần lớn vào phát triển kinh tế - xã hội

Kinh tế tư nhân có vai trò ngày càng quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh tái cấu trúc, điều chỉnh phạm vi hoạt động của DNNN. DNTN đóng góp 43,22% GDP và 39% vốn đầu tư cho toàn bộ nền kinh tế (Cục Phát triển DN, 2017).

Dù vậy, kinh tế tư nhân vẫn còn có thể cải thiện, phát triển hơn nữa để đóng góp nhiều hơn cho kinh tế Việt Nam. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân vẫn còn hạn chế, một phần nguyên nhân đến từ khối DNTN. Tỷ suất lợi nhuận của các DNTN khá thấp. Tốc độ tăng doanh thu của DNTN cũng giảm mạnh từ 34% giai đoạn 2007 - 2011 xuống còn 10% giai đoạn 2012 - 2015.

Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân còn chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong đầu tư phát triển toàn xã hội.Kinh tế tư nhân có xu hướng vượt khu vực kinh tế nhà nước để trở thành thành phần kinh tế thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội lớn nhất. Vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực kinh tế tư nhân tăng đều đặn xấp xỉ 10% hàng năm.

Thúc đẩy thành lập mới DN

Kể từ khi Luật DN 1999 ra đời tháo gỡ những vướng mắc cho DN, số lượng DN đăng ký thành lập mới đã tăng mạnh. Năm 2017, đánh dấu sự tăng trưởng nhanh về số lượng DN thành lập mới với khoảng 126.859 DN. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân tăng 9,8 tỷ đồng (tăng 24,3% so với cùng kỳ 2016). Lũy kế hiện nay có khoảng 688 nghìn DN đang hoạt động. Bên cạnh những bước tiến về số lượng, mức độ ổn định hoạt động vẫn cần tiếp tục nâng cao. 

Hình 3: Kinh tế tư nhân trong mô hình kinh tế Việt Nam
Hình 3: Kinh tế tư nhân trong mô hình kinh tế Việt Nam
Nguồn: Trần Kim Chung (2016)

Hiện nay, phần lớn DN tại Việt Nam là DN nhỏ và vừa (DNNVV) dù xét theo tiêu chuẩn là vốn hay lao động. Quy mô vốn và lao động bình quân của DNTN chỉ khoảng 24-25 tỷ đồng/DN và 18-20 lao động/DN (Cục Phát triển DN, 2017). Đây là những cản trở không nhỏ để các DNTN mở rộng hoạt động kinh doanh, tận dụng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô.

Động lực giải quyết vấn đề tạo việc làm

Kinh tế tư nhân góp phần giải quyết một trong những thách thức lớn của Việt Nam là tình trạng dư thừa lao động do quá trình tư nhân hóa và di cư của của người lao động từ các vùng nông thôn ra thành thị. Nếu như trước đây khu vực kinh tế nhà nước tạo ra nhiều việc làm nhất thì đến năm 2016, vị trí này thuộc về khu vực kinh tế tư nhân (chưa tính tới hộ cá thể, tập thể). Trong toàn bộ khu vực DN, kinh tế tư nhân tạo ra khoảng 62% việc làm (Vu, 2016). Tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2017, số DN đăng ký mới đăng ký thêm 1.065.015 lao động.

Một số khó khăn tác động tới vai trò động lực của kinh tế tư nhân

Thứ nhất, vấn đề năng lực nội tại của kinh tế tư nhân. Khu vực này thiếu hụt lao động có kỹ năng, năng suất lao động còn thấp. Cách thức quản trị hiện nay của nhiều DN còn theo kiểu gia đình, ít tiếp cận quản trị hiện đại, thông lệ quốc tế. Tình trạng DN thành công dựa vào quan hệ không lành mạnh với giới hoạch định chính sách, khai thác lợi thế đất đai, tài nguyên… ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Hệ quả là DN khu vực tư nhân kém chịu sức ép cạnh tranh.

Thứ hai, kinh tế tư nhân hạn chế đầu tư vào công nghệ, dẫn tới trình độ sản xuất, kỹ thuật chỉ ở mức thấp. Điều này bắt nguồn từ thực tế nhiều DNTN không có đủ năng lực tài chính để đầu tư vào tài sản cố định, máy móc công nghệ để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tài sản cố định bình quân của một DNTN nhỏ chỉ duy trì ở mức 7-8 tỷ đồng/ DN và không có cải thiện đáng kể trong suốt giai đoạn 2011 - 2015 (Cục Phát triển DN, 2017).

Thứ ba, việc tiếp cận tín dụng của DN khu vực tư nhân còn nhiều khó khăn. Chỉ có 40% trong tổng số DN đang hoạt động có khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng (Cục Phát triển DN, 2017). Nhiều DN khó đáp ứng quy định cho vay của các tổ chức tín dụng do chưa minh bạch, rõ ràng về tình hình tài chính của mình.

Thứ tư, các yếu tố khách quan từ thể chế, chính sách còn tồn tại cũng cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân: (i) Thủ tục hành chính còn phức tạp; liên thông giải quyết thủ tục cho DN còn bất cập; còn những điểm không thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, làm chậm quá trình đầu tư phát triển của kinh tế tư nhân; (ii) Tồn tại nhiều rào cản điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo thống kê sơ bộ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (tháng 06/2017), có hơn 3.500 điều kiện kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Nhiều ngành nghề, điều kiện đầu tư kinh doanh không đáp ứng tiêu chí về sự cần thiết quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư. Các điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định chung chung, không rõ ràng. Điều này tạo ra rào cản gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh và tác động bất lợi đến DNNVV; (iii) Thị trường, cơ hội đầu tư chưa có cơ chế để khai thác triệt để. Tỷ lệ các gói thầu chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi áp dụng đấu thầu qua mạng chỉ chiếm lần lượt 5,7% và 4,4% trong khi quy định tối thiểu là 20% và 10% (Cục Phát triển DN, 2017). Ngoài ra, một số ngành nghề vẫn do DNNN nắm giữ và việc quản lý chất lượng hàng hóa từ nước ngoài chưa hiệu quả dẫn tới sức ép cả trong và ngoài nước về cơ hội kinh doanh cho DN khu vực tư nhân.

Thứ năm, khả năng tiếp cận đất đai hạn chế. Thủ tục giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tốn thời gian, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của DN. Phương pháp tính giá đất, thủ tục cấp phép, thông tin quy hoạch còn gây nhiều bức xúc, cản trở tốc độ thu hồi và bàn giao đất sạch cho các nhà đầu tư. Mặt khác, giá cho thuê đất cao... cũng hạn chế khả năng tiếp cận đất đai sản xuất, kinh doanh của nhiều DN khu vực tư nhân.

Thứ sáu, chi phí kinh doanh cao làm giảm khả năng cạnh tranh. Chi phí vận tải cao (chi phí vận chuyển 1 container từ Cảng Hải Phòng về Hà Nội gấp 3 lần chi phí từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam). Chi phí nhân sự cũng là một gánh nặng lớn. Bên cạnh đó, tốc độ tăng lương tối thiểu thời gian qua từ 8-12% nhưng tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4-5%.

Hình 2: Số vốn và số lượng doanh nghiệp thành lập mới
Hình 2: Số vốn và số lượng doanh nghiệp thành lập mới
Nguồn: Tác giả tổng hợp số liệu từ Cục Phát triển doanh nghiệp

Ngoài ra, về trung hạn và dài hạn, kinh tế tư nhân còn có khả năng chịu ảnh hưởng từ những rủi ro vi mô (việc thực thi hợp đồng, chính sách thuế, lao động…), những rủi ro vĩ mô khác. Đặc biệt, việc thiếu vốn, năng lực con người, hạ tầng yếu kém và thất bại thị trường do thiếu đổi mới sáng tạo, thiếu cạnh tranh sẽ hạn chế rất lớn đến kinh tế tư nhân.

Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực phát triển kinh tế

Có thể khẳng định đến năm 2020, tầm nhìn 2030 - 2035, với vai trò ngày càng tăng, kinh tế tư nhân  sẽ đóng vai trò nòng cốt cho nền kinh tế. Đây sẽ là khu vực tiếp nhận ảnh hưởng trực tiếp từ những thay đổi trong thể chế, chính sách, và là nơi biểu hiện rõ nhất những sự phát triển của nền kinh tế.

Kinh tế tư nhân cần được đặt trong trung tâm của các yếu tố ảnh hưởng dài hạn đến tăng trưởng. Cần phát triển đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường khác. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nâng cao chất lượng các yếu tố nền tảng như hiệu quả sử dụng tài nguyên, chất lượng nguồn nhân lực, thể chế sẽ là việc làm thiết yếu để kinh tế tư nhân phát triển đúng với tiềm năng và mục tiêu đề ra.

Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực phát triển kinh tế Việt Nam, các giải pháp cần tập trung thực hiện gồm:

Một là, nâng cao năng lực nội tại của DN. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho DN, đổi mới mô hình quản trị phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh tế tư nhân nâng cao trình độ khoa học công nghệ, hợp tác, chuyển giao công nghệ sạch từ các nền kinh tế phát triển.

Hai là, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân. Cần xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý. Song hành cùng với đó, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo… để mở rộng kênh hỗ trợ vốn cho DN.

Ba là, đảm bảo thông suốt, thống nhất các quy định, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. 

Bốn là, mở rộng cơ hội kinh doanh cho tất cả các thành phần kinh tế. Cần sớm hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035, thúc đẩy sản xuất và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam. Ngoài ra, cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực mua sắm công, thu hẹp các lĩnh vực mà DNNN nắm giữ để mở thêm dư địa thị trường cho khu vực tư nhân tham gia.

Năm là, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phương pháp định giá đất và khả năng tiếp cận đất đai cho DN. 

Sáu là, có các giải pháp quyết liệt nhằm giảm chi phí kinh doanh cho DN (rà soát các khoản phí có liên quan trực tiếp đến chi phí của DN để xem xét giảm mức phí, tạo thuận lợi cho DN giảm chi phí đầu vào...)

Bảy là, hoàn thiện hệ thống thông tin thu thuế điện tử để thu thuế đúng, đủ, nhất là với hộ kinh doanh lớn.

Tám là, đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng kiểm tra trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của DN.

Chín là, ưu tiên giải quyết các vấn đề ngắn hạn ảnh hưởng đến kinh tế tư nhân (đất đai, tiếp cận tín dụng và bộ máy hành chính) nhưng đồng thời, lưu ý đến cả các giải pháp cho những điểm nghẽn trung hạn (tính ổn định của chính sách vĩ mô, nhất là lạm phát, tỷ giá và lãi suất, hiệu quả thực thi hợp đồng) và dài hạn (nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, thể chế - môi trường cạnh tranh bình đẳng, và ứng dụng khoa học công nghệ).

Ngoài ra, để kinh tế tư nhân thực sự là động lực của nền kinh tế, ngoài việc hoàn thiện thể chế liên quan đến vấn đề này, việc triển khai trong thực tiễn các quyết sách của Đảng và Nhà nước là rất quan trọng. Hơn nữa, nhận thức xã hội về vai trò động lực của nền kinh tế cũng đóng một phần hết sức quan trọng. Chỉ khi ba khía cạnh này đồng thuận với nhau, khu vực tư nhân mới thực sự trở thành động lực của nền kinh tế. 

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Kinh tế Trung ương (2017), Chẩn đoán tăng trưởng Việt Nam 2017 – Điểm nghẽn và giải pháp đột phá phát triển kinh tế tư nhân;

2. Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017), Định hướng chính sách hỗ trợ và phát triển DN;

3. Nguyễn Thanh Tuyền & Nguyễn Lê Anh (2015), Mối quan hệ hữu cơ giữa thể chế, cơ chế, chính sách, cơ chế điều hành và hành vi ứng xử. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, 22 (32), 3-9;

4. Trần Quang Tuyến & Vũ Văn Hưởng (2017), Sự phát triển của khu vực DN tư nhân trong nước ở Việt Nam: Những rào cản phát triển. Tạp chí Quản lý kinh tế, 82, 27-35;

5. Doan, T., Nguyen, S., Vu, H., Tran, T. & Lim, S. (2016), Does rising import competition harm local firm productivity in less advanced economies? Evidence from the Vietnam’s manufacturing sector. The Journal of International Trade and Economic Development, 25 (1), 23-46;

6. Hakkala, K. & Kokko, A. (2007), The state and the private sector in Vietnam. Stockholm, Sweden: The European Institute of Japanese Studies;

7. Riedel, J. & Tran, C. S. (1997), The emerging private sector and the industrialization of Vietnam;

8. Vu, L. T. (2016), The private sector to be driver of Vietnam’s economy. (Truy cập ngày 18/12/2017), từ http://www.vir.com.vn/the-private-sector-to-be-driver-of-vietnams-economy.html.