Thành công từ cách đi riêng

Cẩm Tú

(Tài chính) Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng giảm, nhiều ngân hàng loay hoay với bài toán giải ngân, đầu tư vào trái phiếu chính phủ thì Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) bằng cách đi riêng của mình vẫn phát đi nhiều tín hiệu khá tích cực…

TPBank đang nghiên cứu tung ra nhiều gói sản phẩm tín dụng cá nhân. Nguồn: internet
TPBank đang nghiên cứu tung ra nhiều gói sản phẩm tín dụng cá nhân. Nguồn: internet
Năm 2014, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của TPBank được Ngân hàng Nhà nước ấn định ở mức 13%. Mức tăng trưởng được giao trên của TPBank được đánh giá là “đã được chọn mặt đặt niềm tin” từ phía Ngân hàng Nhà nước và đặc biệt là từ sự chấm điểm “thăng hạng” của khách hàng dành cho TPBank trong khi rất nhiều ngân hàng bị khống chế ở mức thấp hơn.

Có được niềm tin trên phải kể đến những thành công của TPBank trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là việc thực hiện tái cơ cấu đã về đích trước hạn trong năm 2013. Đến 31/12/2013, TPBank đạt 362 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 15% so với chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013 đề ra. Đặc biệt vốn huy động dân cư năm 2013 đã tăng trên 160% so với cùng kỳ năm 2012; tăng trưởng tín dụng tăng trên 190% so với 2012, nợ xấu giảm xuống dưới 2%; số lượng khách hàng của TPBank tăng hơn 3 lần. Ngày 10/12/2013, TPBank chính thức ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới, đánh dấu việc hoàn thành tái cơ cấu. Để chuẩn bị cho lộ trình phát triển lâu dài, TPBank đã tuyển dụng hơn 500 nhân sự chất lượng cao, hệ thống mạng lưới ngân hàng khang trang chuyên nghiệp hơn, chất lượng dịch vụ cải thiện, được khách hàng đánh giá cao.

Với mức tăng trưởng tín dụng 13% được giao trong năm 2014, nhưng chỉ qua hai tháng đầu năm TPBank đã đạt tới 7,83%. Kế quả này mang lại từ việc TPBank không ngừng đẩy mạnh cho vay, tìm kiếm khách hàng tốt, sẵn sàng cạnh tranh về lãi suất và chất lượng tín dụng nhưng không hạ chuẩn tín dụng… hướng đến phục vụ khách hàng tốt hơn.

Điển hình, TPBank vừa triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể vay tới 90% giá trị hợp đồng bằng USD hoặc VND; lãi suất từ 8%/ năm đối với VND hoặc 3,8%/năm đối với USD trong 3 tháng đầu tiên. Sau thời gian ưu đãi, TPBank tiếp tục áp dụng mức lãi suất dựa trên lãi suất tiết kiệm và biên độ lãi vay thấp.

Không dừng lại, TPBank đang nghiên cứu tung ra nhiều gói sản phẩm tín dụng cá nhân như ưu đãi khách hàng mua, sửa chữa nhà cửa, mua ô tô, vay tiêu dùng. Đồng thời, TPBank không ngừng mở rộng cơ sở khách hàng cá nhân, xúc tiến làm việc với các doanh nghiệp lớn như: MobiFone, FPT… để cung cấp các sản phẩm tín dụng cho cán bộ nhân viên.

Quan điểm phục vụ khách hàng của TPBank được Tổng giám đốc Nguyễn Hừng cho biết: “Tinh giản tối đa mọi thủ tục, cam kết xử lý hồ sơ và giải ngân nhanh chóng. Đặc biệt, không quá quan trọng tài sản đảm bảo, khách hàng chỉ cần có dòng tiền lành mạnh, sản xuất kinh doanh có hiệu quả thực sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tại TPBank.

Cũng trong xu hướng chung, hai tháng đầu năm, TPBank dành một tỷ trọng nhất định để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và lọt vào top 6 thành viên tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, theo Ông Hưng, đây không phải mục tiêu ưu tiên, TPBank chỉ đầu tư vào trái phiếu chính phủ ở mức hợp lý, đủ cho dự trữ thanh khoản chứ không coi đây là kênh đầu tư sinh lời…

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 3 - 2014