Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2019

Hiện nay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không còn là một khái niệm mới đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các hoạt động về trách nhiệm xã hội tại phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ được hiểu là các khoản đóng góp từ thiện, chia sẻ cộng đồng hoặc là công tác xã hội tự nguyện của doanh nghiệp. Bài viết làm rõ vai trò thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam và gợi mở một số đề xuất để nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.

Các hoạt động về trách nhiệm xã  hội tại phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ được hiểu là các khoản đóng góp từ thiện, chia sẻ cộng đồng hoặc là công tác xã hội tự nguyện. Nguồn: Internet.
Các hoạt động về trách nhiệm xã hội tại phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ được hiểu là các khoản đóng góp từ thiện, chia sẻ cộng đồng hoặc là công tác xã hội tự nguyện. Nguồn: Internet.

Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam

Ở Việt Nam, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN) vẫn được xem là một hành động giải quyết các vấn đề xã hội vì các mục đích từ thiện và nhân đạo. Trong khi đó, trách nhiệm xã hội nhìn chung phải được hiểu là cách thức mà một DN đạt được sự cân bằng hoặc kết hợp những yêu cầu về kinh tế, môi trường và xã hội; đồng thời, đáp ứng những kỳ vọng của các cổ đông và các bên đối tác. Cách thức mà DN tương tác với các cổ đông, người lao động, khách hàng, nhà cung cấp, chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và các đối tác khác luôn được coi là một đặc điểm then chốt của khái niệm trách nhiệm xã hội DN. DN thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ khẳng định thương hiệu của mình trong xã hội. Do đó, đồng hành vào sự phát triển chung của đất nước không chỉ là trách nhiệm mà còn là lợi ích cho DN, từ đó, tạo ra giá trị nhân văn, văn hóa DN cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Trong quy chế và tiêu chí xét thưởng của Giải thưởng trách nhiệm xã hội DN từ năm 2009 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, bên cạnh việc thực hiện trách nhiệm xã hội DN ở 2 lĩnh vực lao động và môi trường còn đặt thêm tiêu chí “hoạt động kinh doanh có hiệu quả kinh tế”. Việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội DN chính là đầu tư cho chiến lược kinh doanh dài hạn và tăng trưởng bền vững của DN.

Những năm gần đây, ở Việt Nam đã có không ít DN chủ động thực hiện trách nhiệm xã hội, nhờ đó đã tạo dựng được thương hiệu. Từ năm 2005, Việt Nam đã có giải thưởng "trách nhiệm xã hội DN hướng tới sự phát triển bền vững" được tổ chức bởi VCCI, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương cùng các hiệp hội tổ chức tôn vinh các DN thực hiện tốt công tác trách nhiệm xã hội trong bối cảnh hội nhập.

Trách nhiệm xã hội DN du nhập vào Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư của các công ty đa quốc gia. Do đó, hoạt động trách nhiệm xã hội thường được các công ty này thực hiện bởi các bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực văn hóa kinh doanh và được thực hiện có bài bản, đạt hiệu quả cao. Điển hình như: Chương trình cùng nhau làm sạch trái đất của Công ty Ajinomoto Việt Nam; Chương trình giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ em tại các tỉnh miền núi của Công ty Unilever; Chương trình khôi phục thị lực cho trẻ em nghèo của Western Union...

Các công ty trong nước tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội chủ yếu đến từ các công ty xuất khẩu, là đối tượng tiếp cận trực tiếp đến trách nhiệm xã hội. Hầu hết các đơn hàng đến từ châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản đều yêu cầu các công ty Việt Nam áp dụng chế độ lao động tốt (tiêu chuẩn SA8000 đối với các DN dệt may) hay đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (đối với các DN nông nghiệp và thủy sản). Trong khi đó, các DN nước ngoài hợp tác kinh doanh với các DN Việt còn yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị công ty tốt (đối với các công ty tài chính và ngân hàng). Lao động trong nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng ngày càng được quan tâm bảo vệ quyền lợi.

Không ít doanh nghiệp chưa hiểu rõ hết vai trò quan trọng cũng như lợi ích từ việc thực hiện trách nhiệm xã hội mang lại nên đã thực hiện chưa nghiêm túc trách nhiệm xã hội của mình. Điều đó thể hiện ở các hành vi gian lận trong kinh doanh, sản xuất hàng kém chất lượng, cố ý gây ô nhiễm môi trường để tối đa hóa lợi nhuận...

Thực tế cho thấy, qua rà soát, đánh giá các điều khoản trong thỏa ước lao động tập thể của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang thực hiện yêu cầu thành lập thư viện thỏa ước điện tử của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có tới 80% thỏa ước trên địa bàn tỉnh này có từ 3 - 5 nội dung có lợi cho người lao động nằm ngoài các quy định bắt buộc của pháp luật lao động. Một số DN thực hiện nghiêm việc ký mới, ký lại hoặc bổ sung phụ lục phát sinh với điều khoản có lợi cho người lao động, như: Công ty TNHH Nichirin Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang) có điều khoản cho phép công nhân nghỉ giữa ca để giảm căng thẳng; Công ty TNHH Việt Pan Pacific (TP. Bắc Giang) khen thưởng lao động tích cực theo tuần, theo tháng; Công ty TNHH Haem Vina (Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, Bắc Giang) phát vitamin cho công nhân nữ có thai và ứng trước tiền lương 6 tháng nghỉ thai sản cho lao động nữ sinh con để bảo đảm chi phí sinh hoạt…

Tuy nhiên, thực tế còn không ít DN chưa hiểu rõ hết vai trò quan trọng cũng như lợi ích từ việc thực hiện trách nhiệm xã hội mang lại nên đã thực hiện chưa nghiêm túc trách nhiệm xã hội của mình. Điều đó thể hiện ở các hành vi gian lận trong kinh doanh, sản xuất hàng kém chất lượng, cố ý gây ô nhiễm môi trường để tối đa hóa lợi nhuận...

Đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bên cạnh những thành công kể trên, trách nhiệm xã hội trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập, nổi bật là: Chất lượng chưa tương xứng với số lượng; các dự án FDI có công nghệ trung bình so với thế giới (80%), một phần đáng kể có công nghệ lạc hậu (14%) và chỉ có 6% có công nghệ cao. Ngay cả trong trường hợp như Nokia, Samsung... các công đoạn sản xuất tại Việt Nam phần lớn đều ở công đoạn cuối, tức là chỉ lắp ráp, không đòi hỏi lao động chất lượng cao và công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, do nhiều dự án FDI đưa vào dây chuyền công nghệ lạc hậu, chưa tự giác trong việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, nên có tác động tiêu cực đến môi trường như: Công ty Vedan tại Đồng Nai, Công ty Tung Kuang tại Hải Dương, Công ty Long Tech tại Bắc Ninh và mới đây là Công ty Fomosa Đài Loan tại Hà Tĩnh... Đồng thời, việc các DN FDI khai thác bừa bãi thiếu quy hoạch các tài nguyên khoáng sản từ dầu khí đến than đá, quặng… đã và đang gây tổn thất lớn nguồn tài nguyên không tái tạo được của Việt Nam.

Nhiều dự án FDI vẫn xảy ra tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, tranh chấp lao động, với hàng ngàn cuộc đình công đòi quyền lợi về lương, thưởng, thời gian làm thêm, nghỉ giữa giờ và các chế độ phúc lợi khác giữa những lao động và người sử dụng lao động... Đặc biệt, tình trạng lao động trong khu vực DN FDI bị thất nghiệp sau tuổi 35 đang trở thành xu hướng gia tăng đáng báo động về trách nhiệm xã hội của DN đối với lao động và áp lực an sinh xã hội từ khu vực DN FDI…

Giải pháp nâng cao thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Trên cơ sở đánh giá thực trạng thực hiện trách nhiệm xã hội của DN trong thời gian qua, để nâng cao ý thức thực hiện trách nhiệm xã hội của DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, bài viết gợi mở một số nhóm giải pháp sau:

Về phía doanh nghiệp

Một là, thành lập đội chuyên trách về trách nhiệm xã hội. Thực tế thường gặp ở các công ty Việt Nam là các hoạt động trách nhiệm xã hội DN thường không được thực hiện một cách nhất quán và thường xuyên. Lý do căn bản là trong DN không có đơn vị chuyên trách về trách nhiệm xã hội DN. Vì vậy, để nâng cao hiện trách nhiệm xã hội của DN, cần thành lập đội chuyên trách về trách nhiệm xã hội DN.

Theo đó, đội chuyên trách này cần có quy mô và thành phần phù hợp với cơ cấu tổ chức của DN, bao gồm các bộ phận liên đới đến vấn đề trọng tâm về trách nhiệm xã hội DN đã lựa chọn. Mặt khác, trong đội chuyên trách, các thành viên cũng cần có hiểu biết chung về trách nhiệm xã hội DN, có thể thuê thêm chuyên gia bên ngoài tham gia với tư cách là thành viên kiêm nhiệm để tư vấn cho đội chuyên trách và công ty về những vấn đề trách nhiệm xã hội DN được coi là điểm nóng cần giải quyết ngay.

Việc thành lập đội chuyên trách có thể phát sinh chi phí cho DN nhưng đây là việc làm cần thiết đối với DN khi ở giai đoạn bắt đầu thực thi trách nhiệm xã hội DN, khi mà những nguyên tắc, quy chuẩn về trách nhiệm xã hội DN chưa được người lao động hiểu rõ, khi mà những hoạt động trách nhiệm xã hội DN chưa được thực hiện một cách có hệ thống. Sau này, khi các hoạt động của công ty đã đi vào nề nếp, khi người lao động đã có nhận thức tốt và chủ động thực thi các hoạt động trách nhiệm xã hội DN thì các thành viên của đội chuyên trách có thể trở về hoạt động tại các bộ phận của mình. 

Hai là, lập kế hoạch chiến lược về trách nhiệm xã hội DN. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, DN nên lập kế hoạch chiến lược về trách nhiệm xã hội DN, vì chỉ khi có chiến lược, DN mới xác định rõ mục tiêu cũng như con đường để thực hiện trách nhiệm xã hội  một cách chủ động và mang tính lâu dài. Trong công tác lập kế hoạch chiến lược, ban quản trị công ty với sự giúp sức của đội chuyên trách về trách nhiệm xã hội  có thể thực hiện một số bước sau: Xác định tầm nhìn về trách nhiệm xã hội  của DN; Phân tích thực trạng trách nhiệm xã hội DN và các yếu tố môi trường tác động để xác định thứ tự ưu tiên của các vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội DN, những điều kiện về nguồn lực dành cho việc thực hiện trách nhiệm xã hội DN; Đề xuất một số giải pháp tổng thể để thực hiện trách nhiệm xã hội DN.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước

Tăng cường tuyên truyền đối với các DN về nghĩa vụ và lợi ích của việc thực hiện trách nhiệm xã hội DN. Việc tuyên truyền có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức, như qua các phương tiện thông tin đại chúng, các đợt tập huấn bắt buộc cho lãnh đạo các DN, các hội nghị, hội thảo khoa học... Hơn nữa, việc tuyên truyền này cần được mở rộng đến cả các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô... Đồng thời, nội dung của việc thực hiện trách nhiệm xã hội DN, các thông tin cập nhật về các bộ quy tắc ứng xử, các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội liên quan phải được phổ biến đầy đủ và rõ ràng đến các DN.

Phân định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể liên quan trong việc hoạch định chính sách, thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, xử lý sai phạm của các DN đối với các vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội DN nói chung, trách nhiệm đối với thị trường, người tiêu dùng và việc bảo vệ môi trường nói riêng. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các chủ thể khác có liên quan cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi trách nhiệm xã hội của DN chỉ được coi trọng và trở nên cấp thiết khi có cơ chế giám sát đồng bộ, có sự kết hợp giữa chính quyền và các lực lượng dân sự trong xã hội, đặc biệt là các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông, báo chí.

Bên cạnh đó, cần ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN thực hiện trách nhiệm xã hội. Cần có các biện pháp đủ mạnh để xử lý vi phạm của các DN trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, nhất là đối với các DN sản xuất các mặt hàng nông sản, thực phẩm không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng và gây ô nhiễm môi trường; Đồng thời, cần tăng cường các hình thức khuyến khích, động viên, khen thưởng đối với các DN tự giác và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, như giải thưởng trách nhiệm xã hội, thương hiệu "xanh", cấp chứng chỉ cho các DN bảo đảm các yêu cầu liên quan đến các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội trong các bộ quy tắc ứng xử được áp dụng...         

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Đình Cung, Lưu Minh Đức, “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Một số vấn đề lý luận, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam”,
    Tạp chí Quản lý kinh tế, số 4/2008;
  2. Nguyễn Đình Tài (2009), Tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng và đối với môi trường ở Việt Nam vì sự phát triển
    bền vững”- Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ;
  3. Trần Anh Phương, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và thực tiễn
    vận dụng ở Việt Nam hiện nay, Tap chí Triết học, số 8 (219), tháng 8/2009;
  4. Phạm Nguyễn Vinh (2018), Hiểu đầy đủ về trách nhiệm xã hội của
    doanh nghiệp.