Tránh “lệch pha” trong cấp phép

Theo Đầu tư

Tình trạng “lệch pha” trong cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài giữa Việt Nam và nước sở tại đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đang đầu tư 3 dự án ở Lào và 3 dự án ở Campuchia, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) rất kỳ vọng vào những kết quả tích cực của việc đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, ông Dương Thanh Hòa, Phó tổng giám đốc TKV, vẫn không khỏi băn khoăn khi luôn có sự “lệch pha” trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư giữa Việt Nam và nước sở tại.

“Lào và Campuchia cấp rất nhanh, nhưng có khi phải 1 năm sau, phía Việt Nam mới cấp giấy chứng nhận đầu tư. Vậy 1 năm đó, chúng tôi phải làm gì? Phải giải thích thế nào với phía nước ngoài? Nếu phía Việt Nam không cấp phép, thì không chuyển tiền sang được. Và như vậy, cũng không có khả năng triển khai dự án”, ông Hòa đặt hàng loạt câu hỏi và cho biết, ở cả Lào và Campuchia, ngay khi được cấp phép, doanh nghiệp phải nộp rất nhiều khoản tiền, như phí bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, đào tạo chuyển nghề nghiệp.

Đồng tình với các quy định khá thông thoáng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính khi đầu tư ra nước ngoài tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2008/NĐ-CP về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, nhưng ông Hòa vẫn hoài nghi về khả năng triển khai trong thực tế. Theo ông Hòa, các mốc thời gian quy định trong Dự thảo, như trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư…, có thể chỉ phù hợp với các dự án đơn giản. “Một quý đã là quá tốt đối với chúng tôi”, ông Hòa nói và cho rằng, quan trọng hơn cả trong câu chuyện này là giải quyết “độ vênh” trong cấp phép giữa Việt Nam và nước sở tại.

“Chính phủ nên nghiên cứu kỹ luật pháp của các nước để trao đổi với họ, thảo luận xem hai bên nên hợp tác theo thể thức nào, để không vuột mất cơ hội và tránh được rủi ro”, ông Hòa đề xuất.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên chuyện “lệch pha” trong cấp phép đầu tư được nhắc tới. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, luôn có sự chênh lệch số liệu về dự án đầu tư ra nước ngoài giữa Lào và Việt Nam. “Có dự án Việt Nam cấp, nhưng Lào lại không cấp, hoặc ngược lại. Nên chăng, trong thủ tục đầu tư ra nước ngoài phải có quy định về sự chấp thuận của nước tiếp nhận đầu tư? Không thể để tình trạng một giấy chứng nhận đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp lại bị bỏ lửng như vậy”, vị chuyên gia này nói.

Đồng quan điểm, ông Đặng Thanh Sơn (Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel) cũng cho rằng, nên có văn bản xác nhận của cơ quan nước sở tại về việc cho phép tiến hành dự án đầu tư, rồi phía Việt Nam cấp phép, thì sẽ rõ ràng và chặt chẽ hơn. “Cứ để như hiện nay, quả bóng bị đẩy đi đẩy lại, thì người cuối cùng chịu thiệt vẫn là doanh nghiệp”, ông Sơn nói và cho rằng, hiện vẫn còn khá nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư ra nước ngoài cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung.

“Phải thấy rằng, khung pháp lý lỏng sẽ tạo ra các điểm yếu. Có thể một số doanh nghiệp không biết thì làm sai, một số doanh nghiệp biết thì trục lợi. Vấn đề mấu chốt là, phải sửa đổi khung pháp lý, để làm sao kích thích đầu tư ra nước ngoài tốt hơn nữa”, ông Sơn nói.

Ông Dương Thanh Hòa - Phó tổng giám đốc TKV

Khi làm thủ tục đầu tư, có quy định về việc xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Nếu chỉ là doanh nghiệp đơn thuần, việc xác nhận là không khó, nhưng với tập đoàn kinh tế thì lại quá mất thời gian. Việc đầu tư ra nước ngoài là từ công ty mẹ, nhưng khi xác nhận nghĩa vụ với Nhà nước, lại phải xác nhận hết tất cả các đơn vị thành viên. Chúng tôi có hàng trăm đơn vị thành viên, nên việc xác nhận này rất khó. Không phải không làm được, mà là mất quá nhiều thời gian, có khi mất cả tháng mới xong. Đối tượng xác nhận như thế có đúng không? Tôi cho rằng, ai là chủ đầu tư, thì mới phải xác nhận.

Ông Nguyễn Thăng Long - Công ty cổ phần Điện Việt - Lào

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Với những dự án nhỏ, thì đơn giản, nhưng với dự án lớn, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, có thể phải mất cả chục triệu USD. Vì thế, nhiều khi chúng tôi phải mang... trộm tiền ra nước ngoài, trong khi hoàn toàn không phải làm như vậy. Dù Dự thảo sửa đổi có điều khoản về việc chuyển vốn ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng quy định chung chung thế, thì các cơ quan khác như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chắc chắn không cho phép doanh nghiệp mang tiền ra khỏi Việt Nam. Nên có chính sách, cơ sở pháp lý, ví dụ có biên bản ghi nhớ giữa các bên về việc chuyển tiền hợp lệ cho công tác chuẩn bị đầu tư, thì mới giải quyết được khó khăn này.

Ông Đặng Thanh Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel

Điều 13, điểm đ, Dự thảo Nghị định sửa đổi yêu cầu doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư đối với dự án có nhu cầu thuê đất. Tôi cho rằng, nếu là dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì cần có quy định này, vì đất đai là tài nguyên của quốc gia cần phải bảo vệ, nhưng khi đầu tư ra nước ngoài, thì chỉ cần kiểm soát nguồn vốn mang đi thôi. Việc kiểm soát tài nguyên đất, sẽ được điều chỉnh bởi luật của nước sở tại. Chúng tôi đầu tư ở Lào và Campuchia, phải thuê đất để xây dựng các trạm thu phát sóng. Nếu phải xin hàng ngàn văn bản xác nhận địa điểm thuê đất như vậy, thì sẽ rất khó khăn.