Phát triển khu công nghiệp sinh thái để hút dự án xanh


Nhiều nhà đầu tư đang dồn trọng tâm phát triển khu công nghiệp thông minh với tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, cơ sở vật chất, tiện ích đô thị... để hút dự án xanh.

Phát triển khu công nghiệp sinh thái để thu hút dự án xanh
Phát triển khu công nghiệp sinh thái để thu hút dự án xanh

Chuyển đổi công nghiệp xanh là một trong những trọng tâm chuyển đổi xanh của Chính phủ để hiện thức hoá cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Theo quy hoạch, Việt Nam có 563 khu công nghiệp tại 61 tỉnh, thành. Đến nay, đã có 397 khu công nghiệp được thành lập nhưng mới chỉ có 7 khu công nghiệp sinh thái.

Giám đốc tư vấn FPT Digital Vương Quân Ngọc nhận định: sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng vào Việt Nam trong điều kiện tăng trưởng xanh tạo cơ hội cho khu công nghiệp xanh phát triển. Nhiều nhà đầu tư đang dồn trọng tâm phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh với tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, cơ sở vật chất, tiện ích đô thị... để thu hút dự án xanh.

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) - thành viên của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đến cuối năm 2023, Việt Nam có tổng cộng 396 công trình đạt chứng nhận xanh. Đa phần các dự án được chứng nhận thuộc phân khúc nhà ở (39,36%) và khu công nghiệp (34,12%). Trong năm 2024, tỷ trọng của khu công nghiệp và nhà ở được dự đoán vẫn chiếm ưu thế, lần lượt là 29,60% và 20,68% trong tổng 15.000/000 m2 mặt sàn sẽ được chứng nhận công trình xanh.

Bên cạnh đó, ở các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tỷ trọng phát thải lớn đang có xu hướng chuyển đổi toàn diện, đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan. Đó là: khách hàng có tiêu chuẩn xanh hóa chuỗi cung ứng theo các quy định của các công ty toàn cầu; nhà đầu tư chiến lược chú trọng vào tính xanh và bền vững của các doanh nghiệp mà họ góp vốn.

Chuyển đổi và phát triển bất động sản khu công nghiệp xanh không chỉ giúp thu hút và giữ chân khách hàng mà còn giúp tối ưu hoạt động do tận dụng được các nguồn tài nguyên, nhiên liệu và công nghệ tích hợp,... trong khu công nghiệp. Ngoài ra, theo ông Vũ Hồng Phong - Chuyên gia công trình xanh của IFC, điều này giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và ưu đãi đặc biệt từ các tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính cho dành cho các công trình xanh. 

Chẳng hạn, nhờ sở hữu chứng nhận công trình xanh của IFC mà công ty cổ phần BIM Land đã phát hành lô trái phiếu xanh quốc tế 200 triệu USD trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore. Mới đây, công ty này tiếp tục được IFC đầu tư 150 triệu USD thông qua việc mua trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên ở Việt Nam.

Theo ông Vương Quân Ngọc, doanh nghiệp triển khai theo định hướng “xanh” cần xác định rõ các ưu tiên nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững, đảm bảo giảm thiểu khí thải carbon; tăng khả năng thích nghi và chống chịu với biến đổi khí hậu; tối ưu hoá sử dụng tài nguyên và nguyên vật liệu trong toàn bộ quá trình sản xuất; bảo tồn và bảo vệ nguồn nước; đảm bảo đa dạng sinh thái…

Bên cạnh đó, trên con đường chuyển đổi xanh không thể thiếu chuyển đổi số - công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình đo lường các tiêu chí “xanh” thông qua việc thu thập dữ liệu, kết nối dữ liệu, phân tích dữ liệu thông minh thậm chí đưa ra khuyến nghị cho chủ đầu tư. Chuyển đổi kép cả xanh và số sẽ giúp bất động sản công nghiệp vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay, mang lại những lợi ích ngay trong ngắn hạn như tăng doanh thu, giảm phát thải tiến tới giá trị bền vững trong dài hạn.

Theo Hạnh Lê/diendandoanhnghiep.vn