Nga có thể hợp tác với OPEC để kéo giá dầu lên

Theo baoquocte.vn

Chỉ cần Nga “bóng gió” về khả năng bắt tay với OPEC nhằm chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung, giá dầu đã tăng vọt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chốt phiên 16/8, giá dầu thế giới tiếp tục đi lên, tại New York,giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI)giao tháng 9 tăng lên 46,58 USD/thùng. Còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 10 đóng phiên ở mức 49,23 USD/thùng.

Giá dầu đột ngột tăng mạnh trong vài phiên gần đây được cho là do Nga đã đưa ra khả năng sẽ bắt tay với OPEC nhằm chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung dầu.

Trong chuyến thăm trụ sở của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 16/8, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết dự đinh của nước này là sẽ tham gia nhóm họp với OPEC vào tháng 10 tới.

Trước đó ít ngày, Saudi Arabia tiết lộ cuộc họp không chính thức của các nhà sản xuất dầu mỏ thuộc OPEC trong tháng tới có thể sẽ đi tới một thỏa thuận nhằm bình ổn thị trường và có khả năng có cả sự hợp tác của Nga.

Đồng USD trong phiên giao dịch này yếu đi, hiện ở mức 1,1279 USD/Eur so với mức 1,1183 USD/Eur trong phiên trước, cũng được cho là nguyên nhân hỗ trợ đà đi lên của giá vàng đen.

Bình luận về biến động này, Ngân hàng ANZ cho rằng, giá dầu tiếp tục tăng do thị trường kỳ vọng OPEC sẽ tiến hành đóng băng sản lượng để bảo vệ giá, bất chấp thông tin hoạt động khoan dầu tại Mỹ vẫn đang được mở rộng.

Còn Nga - một trong những nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới và không là thành viên OPEC, trước đây vốn từng "tuyên chiến" đọ sản lượng, nay lạixúc tiến tham vấn OPEC để giải quyết tình trạng giá năng lượng thấp.

Trong khi đó, sự cạnh tranh giành thị phần ở châu Á giữa các nhà sản xuất Trung Đông vẫn đang tiếp diễn. Xuất khẩu dầu thô của Iran tới Hàn Quốc trong tháng Bảy đã tăng gấp bốn lần cùng kỳ năm ngoái và tăng 5,9% so với tháng trước.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những biến động tức thời, chưa có gì chắc chắn, giá dầu mỏ vẫn để ngỏ khả năng quay đầu trở lại. Bên cạnh những quan ngại về tình trạng nguồn cung dư thừa, giới phân tích còn lo ngại về những tín hiệu kém tích cực từ ba nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Từ cuối tuần trước, cả ba nước này đều công bố những số liệu kinh tế yếu kém. Đây là là ba trong số năm nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới. Tăng trưởng kinh tế chậm hơn ở cả ba nước được cho là có thể bắt đầu ảnh hưởng tới các thị trường năng lượng.