Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế: Vẫn là thách thức

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ Ba, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) Khóa XII, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thông báo về quyết định hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhưng theo giới phân tích, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc cho biết, nước này đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7% trong năm nay, thấp hơn con số 7,4% của năm 2014 (là mức thấp nhất trong 24 năm qua). Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài chính công và tiền tệ khôn ngoan để duy trì đà tăng trưởng, triển khai các biện pháp đáng kể để cải cách hệ thống tài chính và đầu tư, cũng như các khu vực then chốt trong hệ thống kinh tế của nước này. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng gần 10%/năm trong giai đoạn 1978-2013 song đã chậm lại còn 7,7% trong năm 2012 và 2013.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho hay tăng trưởng thương mại hai chiều của nước này trong năm nay được dự kiến ở mức khoảng 6%, thấp hơn con số 7,5% của năm ngoái. Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu này trong năm 2014, năm “lỡ hẹn” thứ ba liên tiếp do nhu cầu trong nước và nước ngoài đều “lình xình”. 

Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc cũng hạ mục tiêu lạm phát xuống còn khoảng 3%, sau khi giảm xuống còn 0,8% trong tháng 1.2015, mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua, làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ nước này đang đứng bên bờ vực giảm phát. Lạm phát của Trung Quốc tăng 2% năm 2014. Trước đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã hạ mục tiêu tăng trưởng đầu tư tài sản cố định từ 17,5% xuống 15% và doanh số bán lẻ từ 14,5% xuống 13%.

Đánh giá về chỉ tiêu kinh tế khiêm tốn của Bắc Kinh, giới chuyên gia nhận định ban lãnh đạo Trung Quốc đã có bước đi thực tế. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7% nhằm chú trọng tới chất lượng tăng trưởng, khi đất nước muốn phát triển cân bằng trong lúc tiến hành điều chỉnh về cơ cấu. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đề cập tới giai đoạn tăng trưởng thấp hơn và nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi những cải cách kinh tế và mục tiêu tăng trưởng 2015 phù hợp với mức dự đoán trung bình trong cuộc thăm dò ý kiến của 15 nhà kinh tế do hãng tin AFP thực hiện hồi tháng 1 vừa qua.

Trong khi đó, theo các chuyên gia của công ty nghiên cứu Nomura, mục tiêu tăng trưởng kinh tế thấp hơn cho thấy Chính phủ Trung Quốc nhận thức về một giai đoạn tăng trưởng kinh tế thấp hơn là điều bình thường và nhu cầu cấp bách hiện nay là cải cách cơ cấu. Họ cho rằng việc Trung Quốc cắt giảm các mục tiêu kinh tế của năm 2015, trong đó có đầu tư tài sản cố định và doanh số bán lẻ là sự thừa nhận ý kiến cho rằng mức tăng trưởng nước này đang giảm tốc. 

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng ngay cả mục tiêu thấp hơn này cũng là một thách thức lớn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 7,4% trong năm 2014 xuống 6,8% trong năm nay, trong khi Oxford Economics cho rằng năm nay có thể sẽ là năm cuối cùng Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng 6%. Bình luận về đợt cắt giảm lãi suất cả huy động lẫn cho vay ở mức 2,5% mới đây của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, các chuyên gia phân tích của ngân hàng ANZ cho rằng đó là một phản ứng đối với tốc độ tăng trưởng chậm lại, nguy cơ giảm phát tăng cao và chi phí cho vay cao mà các doanh nghiệp đã phải đối mặt, gây nguy cơ thoái vốn đáng kể.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,3% trong quý III.2014, thấp hơn mức tăng 7,5% trong quý trước đó và là quý thấp nhất kể từ năm 2009, lúc cao điểm của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong thời gian qua, Chính phủ nước này đã áp dụng nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay và bơm tiền vào năm ngân hàng lớn nhất nước này hòng khuyến khích các ngân hàng cho vay tiền. Giới chuyên gia kinh tế và phân tích dự báo, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất và đưa ra các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính trong năm tới do lo ngại rằng giá cả giảm có thể dẫn tới một làn sóng các vụ vỡ nợ, phá sản của doanh nghiệp và tình trạng mất việc làm.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng sự giảm tốc mạnh của nền kinh tế có thể ảnh hưởng đến việc làm và sự ủng hộ của người dân với các cải cách. Chính phủ nước này muốn thực hiện một số cải cách trong năm tới, trong đó có những cải cách tài chính nhằm giải quyết núi nợ và hạn chế nguy cơ vỡ nợ của các chính quyền địa phương nhờ các mức lãi suất thấp hơn.