Ấn Độ sẽ thay Trung Quốc làm cỗ máy tăng trưởng châu Á

Thu Hà/ vnexpress.net

Ấn Độ đang nổi lên là siêu cường kinh tế, một phần nhờ dân số trẻ, trong khi Trung Quốc và các con hổ châu Á ngày càng già.

Ấn Độ sẽ tiếp nối Nhật Bản và Trung Quốc làm cỗ máy tăng trưởng châu Á. Ảnh: Bloomberg
Ấn Độ sẽ tiếp nối Nhật Bản và Trung Quốc làm cỗ máy tăng trưởng châu Á. Ảnh: Bloomberg

Số người từ 65 tuổi trở lên tại châu Á sẽ tăng từ 365 triệu hiện tại lên hơn 500 triệu người năm 2027, Deloitte cho biết trong một báo cáo hôm nay. Châu Á sẽ đóng góp 60% số người trong nhóm tuổi này toàn cầu năm 2030.

Trái lại, lực lượng lao động tại Ấn Độ được dự báo tăng từ 885 triệu người lên 1,08 tỷ người  trong 20 năm tới và sẽ duy trì trên mức đó trong 50 năm. Ấn Độ sẽ dẫn đầu làn sóng tăng trưởng thứ 3 tại châu Á, sau Nhật Bản và Trung Quốc.

"Ấn Độ sẽ đóng góp hơn nửa sức tăng trưởng lực lượng lao động châu Á trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở nhiều nhân công hơn, mà số lao động này còn được đào tạo tốt hơn lao động hiện có tại đây", Anis Chakravarty - nhà kinh tế học tại Deloitte Ấn Độ nhận xét, "Tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ cũng sẽ cải thiện nhờ ngày càng nhiều phụ nữ đi làm, cũng như người lao động muốn làm việc lâu dài hơn. Tác động này lên các doanh nghiệp là rất lớn".
Dù vậy, Ấn Độ không phải nền kinh tế châu Á duy nhất có thể tăng trưởng mạnh, Indonesia và Philippines cũng có dân số khá trẻ và có thể phát triển tương tự. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ không có khung chính sách phù hợp để duy trì và kích thích tăng trưởng, bùng nổ dân số có thể dẫn đến thất nghiệp và bất ổn xã hội.

Theo Deloitte, những quốc gia đối mặt với thách thức lớn nhất từ già hóa dân số là Trung Quốc (gồm cả Hong Kong và Đài Loan), Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và New Zealand. Với Australia, báo cáo cho rằng ảnh hưởng này có thể còn vượt cả Nhật Bản - quốc gia đã chịu già hóa nhiều thập kỷ qua.

Dù vậy, Australia có rất nhiều người nhập cư. Việc này có thể giúp họ giảm ảnh hưởng từ dân số già, Ian Thatcher - lãnh đạo Deloitte khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết.

Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy già hóa cũng làm xuất hiện nhiều cơ hội. Nhu cầu các ngành điều dưỡng, đồ gia dụng cho người già, nhà dưỡng lão, bảo hiểm hay quản lý tài sản sẽ tăng lên

Dù vậy, báo cáo cho rằng châu Á cần điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới. Các biện pháp có thể sử dụng là tăng tuổi nghỉ hưu, tăng số lao động nữ, thu hút thêm người nhập cư và cải thiện năng suất lao động.