Mỹ - Trung bước vào “cuộc chiến gián điệp”

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Chính quyền Obama hiện đang tìm cách tách biệt rõ giữa gián điệp quân sự và các hành vi đánh cắp thông tin kinh tế.

Cáo buộc hoạt động gián điệp của Trung Quốc không gây ngạc nhiên với các công ty Mỹ. Nguồn: internet
Cáo buộc hoạt động gián điệp của Trung Quốc không gây ngạc nhiên với các công ty Mỹ. Nguồn: internet

Gián điệp - một phần chiến lược kinh tế của Trung Quốc

Trung Quốc luôn phản đối mạnh mẽ các cáo buộc của Mỹ về việc nước này thường xuyên đánh cắp các bí mật từ các công ty Mỹ nhưng các chuyên gia cho rằng, gián điệp luôn là một phần trong chiến lược kinh tế lâu dài của Trung Quốc.

Đầu tuần này, Mỹ đã truy tố năm thành viên thuộc đơn vị 61398, Cục 3, quân đội Trung Quốc với cáo buộc đã xâm nhập vào mạng của các công ty Mỹ và ăn cắp các bí mật thương mại vốn được bảo vệ rất chặt chẽ.

Những cáo buộc này – bị Bắc Kinh bác bỏ vì cho rằng, "hoàn toàn không có căn cứ và có động cơ đằng sau" – cho thấy một sự leo thang đáng kể trong cuộc tranh cãi giữa hai nước về hoạt động gián điệp. Nhưng nó vẫn làm một số người Mỹ làm việc trong ngành công nghiệp nhạy cảm cảm thấy bất ngờ.

Các chuyên gia cho rằng, trong khi nhiều nước tiến hành các hoạt động gián điệp công nghiệp thì Trung Quốc từ lâu vẫn là đối tượng thu gom tích cực nhất các bí mật về kinh tế - cả trên mạng cũng như trong các hoạt động thực tế. “Tôi có thể cho bạn biết, họ (Trung Quốc - PV) là nước đứng đầu” - Kevin Mandia, nhà sáng lập công ty an ninh mạng Mandiant, nói với hãng tin CNN. “Bản cáo trạng là về việc sở hữu trí tuệ... đó là hành vi trộm cắp bí mật thương mại, là hoạt động gián điệp kinh tế”.

Sử dụng gián điệp kinh tế có thể coi là một phần trong chiến lược hiện đại hóa đất nước Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây. Theo giới phân tích, việc thu thập bất hợp pháp các công nghệ đã giúp Trung Quốc đẩy nhanh quá trình này, bỏ qua yếu tố mà đáng lẽ sẽ đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu và phát triển mới có được.

Các hoạt động tình báo của Trung Quốc nhắm mục tiêu đến tất cả các ngành, từ nông nghiệp tới hàng không và máy tính. Bản cáo trạng của cơ quan hành pháp Mỹ đã chỉ ra các mục tiêu gần đây còn bao gồm cả một nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, các nhà máy sản xuất nhôm, thép và một công ty chuyên thiết kế nhà máy điện hạt nhân.

Trong nỗ lực tìm kiếm các công nghệ mới, Trung Quốc cũng rất chú trọng trong việc đảm bảo các bí mật thương mại để sử dụng trong các ứng dụng quân sự và dân sự.

Nhiều vụ việc bị phanh phui

Tình báo Trung Quốc cũng không phải chỉ luôn sử dụng các điệp viên cao cấp để đánh cắp thông tin mà nhiều khi chỉ là những kỹ sư hay những sinh viên mà họ thu phục được. Kể từ khi Quốc hội Mỹ phê duyệt Luật Gián điệp kinh tế năm 2006, nước này đã đưa ra nhiều cáo buộc làm gián điệp đối với không ít các cá nhân bị buộc tội giúp Trung Quốc.

Một trong những vụ nổi bật là Dongfan "Greg" Chung - một công dân Mỹ nhập tịch làm việc tại chương trình tàu con thoi của NASA – năm 2009 đã bị kết án sau khi các nhà điều tra tìm thấy hàng trăm ngàn giấy tờ nhạy cảm trong nhà ông ta ở California.

Các công tố viên cho biết, người này đã cung cấp một số tài liệu cho các quan chức Trung Quốc, trong đó tiết lộ một số chi tiết về công nghệ quân sự và không gian. Chung đã bị kết án tù trên 15 năm.

“Cho rằng công nghệ tên lửa tiên tiến của Trung Quốc không nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ, nên nhu cầu nắm bắt công nghệ của Mỹ từ phía Trung Quốc là rất lớn”, trợ lý Tổng chưởng lý Mỹ - Greg Staples cho biết vào thời điểm đó. Một người quen của Chung - ông Chi Mak - cũng đã bị kết án 24 năm tù vì cung cấp cho  Trung Quốc các thông tin nhạy cảm về các tàu và tàu ngầm của Mỹ.

Một trường hợp khác cho thấy, hoạt động gián điệp rộng khắp của Trung Quốc. Đó là việc sáu công dân Trung Quốc vào năm ngoái đã bị cáo buộc đang cố gắng để ăn cắp các hạt giống ngô có khả năng kháng sâu bệnh và hạn hán tại các cánh đồng Iowa. Đây là các hạt giống mà các công ty như Dupont Pioneer, Monsanto và LG Seeds đã phải mất nhiều năm và hàng chục triệu USD để nghiên cứu phát triển.

Chính quyền Obama hiện đang tìm cách tách biệt rõ giữa gián điệp quân sự và các hành vi đánh cắp thông tin kinh tế. Các quan chức nhấn mạnh rằng, các điệp viên của Mỹ không chia sẻ thông tin với các công ty Mỹ. Vì thế, mặc dù hoạt động này đã kéo dài trong 15 tháng kể từ khi công ty an ninh mạng Mandiant công khai xác định được một nhóm tin tặc máy tính là thành viên của quân đội Trung Quốc nhưng các công ty Mỹ cũng không hề hay biết họ đang nằm trong khu vực bị điều tra.

Mandiant thậm chí đã truy nhóm này tới Thượng Hải - với một số hoạt động diễn ra tại trụ sở của đơn vị 61398, một bộ phận bí mật của quân đội Trung Quốc và đã bị Bộ Tư pháp Mỹ nêu tên vào ngày thứ 2 vừa qua. “Chúng tôi không làm những gì giống như những quan chức Trung Quốc bị kết tội ngày hôm nay làm”, thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney cung cấp thông tin liên quan đến cáo buộc đến tính hợp pháp hoạt động của Công ty Mandiant vừa qua.

Gần đây Tổng thống Mỹ Obama đã nêu vấn đề này với người đồng cấp Trung Quốc - ông Tập Cận Bình. Nhưng dường như các đề cập này không có nhiều trọng lượng, nhất là sau những tiết lộ của Edward Snowden - cựu nhân viên kỹ thuật hợp đồng của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cho rằng, các cơ quan của Mỹ đã cố gắng để theo dõi công ty viễn thông Trung Quốc Huawei.

Trung Quốc cũng nhanh chóng lên tiếng phản đối sau vụ cáo buộc vừa qua của phía Mỹ. “Một điều được biết đến rộng rãi là Mỹ trong một thời gian dài đã sử dụng công nghệ và cơ sở hạ tầng tiên tiến của mình để thâm nhập “trộm cắp quy mô lớn” các bí mật và nghe lén với các nhà lãnh đạo chính trị, DN, cá nhân  nước ngoài” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố ngày 20/5.