Ngân hàng Nhật Bản "đau đầu" với bài toán lạm phát

Theo vietstock.vn

(Tài chính) Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ phải cân nhắc những giải pháp sẽ thực hiện trong năm 2014, khi muốn đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% vào đầu tài khóa 2015, trong lúc việc tăng thuế tiêu dùng từ tháng 4/2014 có thể gây ra những tác động bất lợi.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo ngày 20/12. Nguồn: internet
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo ngày 20/12. Nguồn: internet

Một số nhà kinh tế dự đoán BoJ sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, có thể là vào đầu năm tới, nếu vẫn duy trì mục tiêu lạm phát như đã cam kết hồi tháng Tư.

Trong khi đó, một số nhà kinh tế khác lại cho rằng BoJ có thể không cần điều chỉnh chính sách tiền tệ mà thay vì thế không nên đặt ra một thời hạn rõ ràng cho việc đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát trên.

Theo quan điểm của các nhà kinh tế này, BoJ sẽ khó có thể tiếp tục nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ trong thời điểm giá cả vẫn đang tăng và nếu vẫn muốn đạt mục tiêu lạm phát trong hai năm thì BoJ sẽ phải tiến hành một loạt các biện pháp mạnh nữa, nhưng cách này sẽ làm khó cho BoJ khi muốn dừng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Sau cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm 2013 hồi cuối tháng 11, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda đã bày tỏ tin tưởng rằng tình hình kinh tế và giá cả đang có những diễn biến thuận lợi nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng, với sự cải thiện của nền kinh tế, các thị trường tài chính và lòng tin của doanh nghiệp.

Ông cho biết, trong năm tới, BoJ sẽ vẫn tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng với việc tăng gấp đôi cơ sở tiền tệ và tăng cường mua trái phiếu chính phủ để đạt mục tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng phải nới lỏng chính sách hơn nữa, khi nói rằng sẽ có những điều chỉnh cần thiết dựa trên những đánh giá về những rủi ro đối với nền kinh tế như tác động tiêu cực của của việc tăng thuế tiêu dùng đối với tăng trưởng.

Một số nhà hoạch định chính sách của BoJ đã bắt đầu đề cập đến khả năng nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ.

Vào cuối tháng 11, bà Sayuri Shirai, một thành viên Hội đồng Chính sách BoJ, nói rằng BoJ không nên do dự trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu có rủi ro đối với mục tiêu lạm phát 1,9% vào nửa sau của giai đoạn ba năm, tính đến tài khóa 2015.

Trong khi đó, một số nhà hoạch định chính sách như Takehiro Sato và Takahide Kiuchi hoài nghi về việc đạt mục tiêu đã cam kết, kêu gọi việc xem xét lại quan điểm trong vấn đề lạm phát.

Tuy nhiên, ông Sato có quan điểm thận trọng trong vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ, khi cân nhắc tới những rủi ro như sự xáo trộn trên thị trường tài chính toàn cầu và rằng khi những biện pháp có thể thực hiện đang được áp dụng thì việc tiến hành các biện pháp bổ sung có thể là phản tác dụng.

Theo biên bản cuộc họp ngày 20-21/11 của BoJ được công bố ngày 26/12, một số nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này đã dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng có thể chậm lại trong thời gian tới, trong khi một số khác cho rằng BoJ nên có sự giải thích rõ ràng hơn về lộ trình tiến tới mục tiêu lạm phát 2%.

Giá tiêu dùng lõi tại Nhật Bản (không bao gồm thực phẩm tươi sống) bắt đầu tăng từ giữa năm nay và trong tháng 10 đã tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ đồng yen yếu, giá năng lượng cao và mức giảm giá hàng hóa lâu bền thấp hơn, nhưng đà tăng có thể sẽ chậm lại, do tác động từ những yếu tố này sẽ đuối dần./.