Nhật Bản lên kế hoạch “mở rộng cửa” đón lao động nước ngoài

Theo baoquocte.vn

Từng bước “tháo gỡ quả bom nhân khẩu học” bằng kế hoạch nới lỏng số lượng lao động nhập cư, Nhật Bản đang thật sự lo lắng về đội ngũ lao động ngày càng thiếu hụt trầm trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo phát biểu từ hai vị trợ lý của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, quốc gia này đang có kế hoạch tăng số lao động nhập cư nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Singapore vào tuần trước, bà Masahiko Shibayama - nghị sĩ của đảng Dân chủ tự do cầm quyền (LDP), đồng thời là một cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Abe cho biết, các chính sách liên quan đến lao động nhập cư mà Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc có thể đưa số lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản tăng gấp đôi.

Bà Masahiko Shibayama cũng tiết lộ, có khả năng trong vài năm tới có nhiều chính sách liên quan đến lao động nhập cư sẽ được thông qua. "Tôi không nghĩ rằng đó là một mục tiêu cố định của chính phủ nhưng việc tăng gấp đôi số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản là vấn đề không thể tránh khỏi trong môi trường toàn cầu hóa này. Để lập nên một nền tảng bền vững cho nền kinh tế, chúng tôi cần phải chấp nhận sự tham gia ngày càng nhiều của đội ngũ lao động nước ngoài.

Lâu nay, nhập cư thường được đề xuất như là một giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết khủng hoảng nhân khẩu học tại một xã hội già hóa và có tỷ lệ sinh thấp như Nhật Bản. Thủ tướng Abe từng cam kết  sẽ ngăn chặn đà sụt giảm chưa từng có của dân số, giữ con số này không bị rơi xuống dưới 100 triệu từ mức 127 triệu dân hiện nay, mặc dù ý tưởng về lao động nhập cư còn chưa bén rễ và hàng loạt các quan ngại về nhân khẩu học vẫn hiện hữu.

Cựu Thứ trưởng Tài chính - Kinh tế và hiện là cố vấn của Thủ tướng Abe - Yasutoshi Nishimura cũng cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã có kế hoạch thông qua một dự luật ngay trong mùa Thu này, nhằm phát triển hệ thống tuyển dụng thực tập sinh nước ngoài. Theo đó, nhân công nước ngoài được tuyển dụng làm việc tại Nhật Bản trong một khoảng thời gian quy định và có thể được xem xét cấp thị thực mới đối với các ngành nghề thiếu hụt lao động.

Tính đến thời điểm hiện tại, hiện có khoảng 190.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản theo quy chế thực tập sinh. Theo ông Nishimura, luật mới nếu được thông qua, sẽ kéo dài thời gian cư trú tại Nhật Bản đối với lao động nước ngoài lên tới 5 năm từ mức 3 năm như hiện nay.

Luật mới cũng cho phép các công ty Nhật Bản có thể tăng tỷ lệ thực tập sinh nước ngoài được tuyển dụng, đồng thời mở rộng ngành nghề được phép tuyển dụng thực tập sinh. Ông Nishimura cho biết, hoạt động giám sát cũng sẽ được tăng cường, sau khi có nhiều chỉ trích về tình trạng lạm dụng lao động nước ngoài trong ngành nông nghiệp và dệt may.

Theo thông tin từ ông Nishimura, Chính phủ Nhật Bản cũng đang cân nhắc quy chế visa mới để tuyển dụng lao động nước ngoài cho các ngành kinh tế đang thiếu hụt lao động trầm trọng. Hiện tại họ đang thảo luận về việc tuyển dụng nhân công các ngành công nghệ từ Việt Nam và Ấn Độ, cũng như vấn đề xây dựng một loại thị thực mới cho lao động nước ngoài làm việc trong ngành du lịch - một ngành kinh tế đang phát triển mạnh tại Nhật Bản.

Bà Shibayama tin tưởng rằng, với những thay đổi cơ bản về chính sách lao động nước ngoài, tình hình kinh tế Nhật Bản sẽ từng bước được thay đổi.

Khủng hoảng nhân khẩu

Số liệu thống kê dân số Nhật Bản được công bố hồi tháng 2/2016 cho thấy, dân số Nhật Bản đã giảm kỷ lục trong nửa thập kỷ, dù các cuộc điều tra ở quy mô nhỏ hơn đã cho thấy xu hướng giảm này trong nhiều năm. Điều này giải thích một phần những khó khăn kinh tế của Nhật Bản trong thời gian qua.

Theo số liệu được Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố, dân số nước này năm 2015 là 127,1 triệu người, giảm 947.000 người, tương đương với 0,7%, so với kết quả điều tra dân số gần nhất vào năm 2010. Tình trạng sụt giảm này tạo ra nhiều ảnh hưởng từ kinh tế cho tới chính trị.

Với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và hạn chế người nhập cư, Nhật Bản sẽ phải trải qua tình trạng này trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ nữa. Trong khi đó, nỗ lực của Chính phủ trong việc khuyến khích người dân sinh thêm con không mấy phát huy tác dụng và rất ít người dân Nhật Bản ủng hộ chính sách mở cửa đón người nhập cư.

Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, mục tiêu dài hạn của Nhật Bản là giữ cho dân số không giảm xuống dưới 100 triệu người. Tuy nhiên, Liên hợp quốc và Chính phủ nước này đều không tin tưởng chỉ tiêu này có thể đạt được. Theo ước tính của Liên hợp quốc, dân số Nhật Bản có khả năng co lại chỉ còn 83 triệu người vào năm 2100 và 35% số đó sẽ trên 65 tuổi.

Kết quả điều tra dân số cho thấy, 25% dân số của Nhật hiện nay đang ở độ tuổi trên 65 và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 40% vào năm 2060. Lương hưu, trợ cấp và chi phí chăm sóc sức khỏe chắc chắn sẽ tăng lên nhanh chóng. Và người trong độ tuổi lao động cũng trở nên khan hiếm.

Trong thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một số điều chỉnh về chính sách, nhằm giải quyết bài toán dân số và lực lượng lao động. Tuy nhiên, kết qủa cuối cùng ra sao phải “hồi sau” mới rõ. Phát biểu trước quốc hội vào ngày công bố số liệu thống kê dân số (26/2), Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, Chính phủ sẽ thực hiện những thay đổi tham vọng hơn sau khi có kết quả điều tra dân số tiếp theo vào năm 2020.