Tiền tháo chạy khỏi eurozone

Theo gafin.vn

(Tài chính) Thay vào đó, dòng tiền lại chảy mạnh vào USD và đồng tiền của các nền kinh tế nhỏ hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cùng với đà suy yếu của euro, các thị trường tại khu vực đồng tiền chung euro đang chứng kiến làn sóng rút vốn ồ ạt do lợi nhuận trên các tài sản trú ẩn định giá bằng euro giảm mạnh. Thay vào đó, dòng tiền "nóng" lại đổ về Mỹ và những nơi ẩn náu khác như, Đan Mạch và Thụy Sĩ. Kết quả là, USD ngày càng tăng giá mạnh trong khi các nền kinh tế nhỏ hơn phải hứng chịu hậu quả từ làn sóng đầu cơ bất thường.

Trong vòng chưa đầy 1 năm trở lại đây, euro đã giảm 22% so với USD, từ mức 1,39 USD xuống còn 1,08 USD. Thậm chí có thời điểm trong tháng 3, euro còn xuống thấp nhất 12 năm so với USD ở 1,05 USD.

Theo nhiều chuyên gia phân tích, euro suy yếu phần nhiều do các nhà đầu tư lớn sẵn sàng rút vốn ra khỏi tài sản của Eurozone khi giới đầu cơ tăng đặt cược vào đà giảm giá của euro. Sự khác biệt về chính sách tiền tệ của Mỹ và châu Âu chỉ là chất xúc tác để người gửi tiết kiệm và giới đầu tư châu Âu phân bổ lại danh mục đầu tư sang những tài sản có lời hơn (USD).

Trong khi đó, ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn, như Trung Quốc hay Trung Đông, lại đi ngược xu hướng khi dùng một phần dự trữ ngoại hối đầu tư vào euro nhằm đẩy đồng tiền chung tăng giá.

Dòng tiền tháo chạy khỏi Eurozone ngày càng tăng kể từ khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất xuống thấp kỷ lục hồi tháng 6/2014. Riêng trong quý IV/2014, chênh lệch giữa dòng vốn ra và vào cổ phiếu và trái phiếu Eurozone đã lên tới 124,4 tỷ euro (134,35 tỷ USD), theo số liệu của ECB.

Mặc dù chương trình nới lỏng định lượng (QE) của ECB phần nào giúp cổ phiếu và trái phiếu tại châu Âu tăng giá nhưng vẫn không đủ để đảo ngược chiều hướng của dòng vốn. Không giống 3 đợt QE của Fed, phiên bản QE của ECB được thực hiện trong bối cảnh chính phủ các nước châu Âu đang cắt giảm ngân sách. Điều này đồng nghĩa rằng, các nước sẽ phát hành ít trái phiếu hơn và giới đầu tư châu Âu càng có lý do để tìm kiếm lợi nhuận ở nước ngoài.

Theo số liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), tổng dự trữ ngoại hối bằng euro của quỹ đã giảm xuống còn 22,6% tính đến quý III/2014 từ mức cao kỷ lục 28% của năm 2009.

Rút tiền ra khỏi Eurozone, giới đầu tư có xu hướng dồn vốn vào tài sản của các nước láng giềng như Đan Mạch Và Thụy Sĩ. Dòng tiền "nóng" bất thường đổ về khiến các nền kinh tế nhỏ này chịu không ít thiệt hại.

Kết quả là, ngân hàng trung ương Đan Mạch buộc phải hạ lãi suất 4 lần kể từ đầu năm 2015 để kìm hãm làn sóng đầu tư vào đồng krone. Thụy Sĩ cũng phải hạ lãi suất xuống dưới 0% trong nỗ lực làm suy yếu đồng franc sau quyết định "gây sốc" bỏ trần tỷ giá euro/franc (Franc đã tăng hơn 40% so với euro chỉ trong 1 ngày sau đó).

Mỹ hiện cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng tiền "nóng", đặc biệt khi Fed đang lên kế hoạch nâng lãi suất. Theo số liệu của Fed, lượng trái phiếu chính phủ Mỹ do giới đầu tư nước ngoài nắm giữ đã tăng thêm 374,3 tỷ USD trong năm 2014. Con số này dự báo sẽ tiếp tục lên cao trong năm nay. Tuy nhiên cũng như nhiều nước, USD tăng giá mạnh lại là rào cản đối với các hoạt động kinh tế của Mỹ.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng, giới đầu tư sẽ tiếp tục rút vốn mạnh ra khỏi Eurozone. Deutsche Bank dự đoán, 1 euro theo đó sẽ chỉ đổi được 85 cent Mỹ vào cuối năm 2017.