TPP – Những tiếng nói từ trong nước Mỹ

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Theo một tài liệu bị rò rỉ cho biết, đàm phán TPP sẽ khiến các ngân hàng của Mỹ dễ dàng đẩy rủi ro đến khắp nơi trên thế giới. Điều đó sẽ gây ra một loại khủng hoảng mà có lẽ dẫn đến cuộc đại suy thoái.

Một nhóm người lao động Mỹ cho rằng họ sẽ mất việc làm khi TPP được ký kết. Nguồn: internet
Một nhóm người lao động Mỹ cho rằng họ sẽ mất việc làm khi TPP được ký kết. Nguồn: internet

TPP không có gì là ghê gớm

Mọi người đều biết, chương trình nghị sự kinh tế trong nước của chính quyền Tổng thống Mỹ Obama đang bị đình trệ và điều này đang vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Đảng Cộng hòa. Một điều ít người biết đến hơn là chương trình nghị sự kinh tế quốc tế của chính quyền ông Obama cũng bị đình trệ vì những lý do rất khác nhau.

Đặc biệt, vấn đề cốt lõi của chương trình này: Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dường như không đạt được nhiều tiến bộ bởi cả những khó khăn khi đàm phán ở nước ngoài và hoài nghi cả hai đảng tại Mỹ.

Có rất nhiều tuyên truyền về TPP, có cả người ủng hộ và người phản đối. Người ủng hộ muốn nói về thực tế là nền kinh tế của các nước trên bàn thương lượng có quy mô 40% của nền kinh tế thế giới, hàm ý của họ là Hiệp định này cực kỳ quan trọng. Trong khi đó, người phản đối miêu tả TPP như một âm mưu to lớn khi cho rằng Hiệp định này sẽ phá hủy chủ quyền quốc gia và đưa quyền lực đến cho các tập đoàn.

TPP dù sao cũng tăng thêm khả năng của các công ty khẳng định quyền kiểm soát sở hữu trí tuệ và cụ thể, đó là những bằng sáng chế và bản quyền phim ảnh. Đây có phải là một điều tốt khi nhìn từ góc độ toàn cầu? Không hẳn. Các loại quyền sở hữu chúng ta đang nói đến ở đây có thể được mô tả như độc quyền.

Đúng, trên thực tế chúng ta nên được thưởng vì những ý tưởng mới, nhưng cho rằng chúng ta cần độc quyền nhiều hơn nữa lại là một vấn đề đáng nghi ngờ và không nên đóng đinh điều này đối với tự do thương mại.

Trước tiên hãy nhìn vào lịch sử. Nhìn chung, giao dịch thương mại ngày nay khác biệt đáng kể, sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, khi các cuộc đàm phán tập trung vào việc giảm thuế quan. Khi thuế quan đã hạ thấp rồi, thương mại được mở rộng và mỗi quốc gia có thể phát triển các lĩnh vực là điểm mạnh của nước mình và kết quả là mức sống sẽ tăng lên. Một số công việc sẽ bị mất, nhưng việc làm mới sẽ được tạo ra.

Ngày nay, mục đích của hiệp định thương mại là khác nhau. Thuế quan trên toàn thế giới đã thấp. Trọng tâm đã chuyển sang "rào cản phi thuế quan". Các tập đoàn đa quốc gia lớn phàn nàn rằng các quy định không phù hợp làm cho doanh nghiệp tốn kém. Nhưng hầu hết các quy định, ngay cả khi không hoàn hảo là nhằm bảo vệ người lao động, người tiêu dùng, nền kinh tế và môi trường.

Xét về ngắn hạn, chưa thấy có điều gì thuyết phục cho thỏa thuận này, cả trên quan điểm toàn cầu hay trong phạm vi một quốc gia. Cũng chưa thấy có vẻ gì là TTP nhận được sự đồng thuận chính trị tại nước Mỹ hay cả ở các nước khác.

Mặt trái của quá trình toàn cầu hóa

Theo đại diện thương mại Mỹ, mục đích TPP là tăng thương mại và đầu tư thông qua việc giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác giữa các nước tham gia đàm phán. Nhưng các cuộc đàm phán TPP đã diễn ra trong bí mật, buộc chúng ta phải dựa vào bản thảo bị rò rỉ để dự đoán tại các điều khoản đã đề xuất.

Dựa trên các tài liệu rò rỉ và lịch sử các thỏa thuận của Hiệp định thương mại trước đây có thể dễ dàng suy ra hình dạng của toàn bộ TPP. Có một nguy cơ rằng, Hiệp định này sẽ làm lợi cho tầng lớp thượng lưu Mỹ và toàn cầu trong khi gây thiệt hại cho các tầng lớp khác. Thực tế rằng, kế hoạch đó được nhìn nhận như là một minh chứng cho sự bất bình đẳng sâu sắc thông qua chính sách kinh tế.         

Một trong những điều tồi tệ nhất là Hiệp định này cho phép các công ty, tập đoàn khiếu nại đòi bồi thường tại tòa án quốc tế. Điều này không chỉ tước đoạt quyền sở hữu một cách bất công, mà các công ty này còn có thể khiếu nại việc bị mất đi lợi nhuận tiềm năng. Điều này không phải là chưa từng diễn ra.

 Philip Morris đã sử dụng chiến thuật này với Uruguay khi họ tuyên bố rằng các quy định chống hút thuốc lá của nước này - vốn đã giành được giải thưởng của Tổ chức Y tế Thế giới - là không công bằng và gây tổn thất, vi phạm hiệp ước thương mại song phương giữa Thụy Sĩ và Uruguay.

Trong trường hợp này, hiệp định thương mại gợi nhớ đến cuộc chiến tranh thuốc phiện, trong đó các nước phương Tây đã thành công trong việc yêu cầu Trung Quốc mở cửa cho thị trường thuốc phiện.

Các điều khoản trong các hiệp định thương mại đang được sử dụng để phá hoại môi trường và các quy định khác. Nước đang phát triển phải trả giá cao để ký các điều khoản này, nhưng các bằng chứng cho thấy họ lại nhận được các khoản đầu tư ít hơn.

Các tập đoàn của Mỹ có thể thiết lập các chi nhánh tại một số nước trong Vành đai Thái Bình Dương, đầu tư vào Mỹ thông qua công ty con, và sau đó có hành động chống lại chính phủ Mỹ khi nói rằng, họ một công ty "nước ngoài" không phải như một công ty của Mỹ.

Đã có một số bằng chứng cho thấy, một  số công ty đang tìm cách phân phối luồng tiền của họ vào các quốc gia khác nhau - nơi mà họ có quan hệ tốt nhất với chính quyền nước sở tại.

Có những điều khoản nguy hại khác. Mỹ đang cố gắng để giảm chi phí chăm sóc sức khỏe. Nhưng TPP sẽ khiến các loại dược phẩm khó lưu thông hơn, do đó sẽ làm tăng giá thuốc. Tại những nước nghèo, không chỉ là việc tiền chảy vào túi các tập đoàn mà hàng ngàn người sẽ chết oan ức. Tất nhiên, những nghiên cứu đó sẽ nhận được bồi thường.

Ngoài ra còn nhiều mối bận tâm khác. Theo một tài liệu bị rò rỉ cho biết, đàm phán TPP sẽ khiến các ngân hàng của Mỹ dễ dàng đẩy rủi ro đến khắp nơi trên thế giới. Điều đó sẽ gây ra một loại khủng hoảng mà có lẽ dẫn đến cuộc đại suy thoái.

Những người ủng hộ Hiệp định thương mại cũng thường nói rằng, chúng ta nên chấp nhận những thiệt thòi trong ngắn hạn -  họ nói, bởi vì xét về dài hạn, tất cả sẽ được hưởng lợi. Nhưng như John Maynard Keynes đã có một câu nói nổi tiếng rằng "xét về dài hạn thì tất cả chúng ta đều chết”.

Có hai điểm cần lưu ý: Thứ nhất là sự bất bình đẳng ở Mỹ ngày càng tăng cao trong suốt 30 năm qua là kết quả tích lũy của một loạt các chính sách, chương trình và luật. Cho dù tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh rằng giải quyết tình trạng bất bình đẳng nên được ưu tiên hàng đầu thì thỏa thuận như TPP sẽ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng này. Công ty có thể thu lợi nhuận, thậm chí GDP sẽ tăng lên.

Nhưng hạnh phúc của người dân có thể bị giảm bớt. Và điều thứ hai, đó là viễn cảnh nền kinh tế thấm nhập (Trickle-down economics) chỉ là câu chuyện thần thoại: các tập đoàn giàu có nhờ TPP không thể giúp ích cho tầng lớp trung lưu, chứ đừng nói là tầng lớp tận cùng của xã hội.

Vì vậy, đừng có khóc lóc nếu TPP không mang đến điều gì to tát.  Nói chung TPP cũng không phải là cái gì ghê gớm cả.