Thị trường chứng khoán tuần cuối tháng 4 trông chờ nhịp hồi kỹ thuật

Minh Lâm

Kể từ đầu tháng 3 cho tới nay, cứ sau 2 tuần giảm liên tiếp, thị trường chứng khoán sẽ có nhịp hồi ở tuần kế tiếp. Theo đó, VN-Index tuần này có thể có một "cú nảy" kỹ thuật, kết thúc tháng 4 trong sắc xanh.

Thị trường chưa có xu hướng rõ ràng, nhưng có thể có nhịp hồi nhờ chính sách giảm thuế và giãn nợ.
Thị trường chưa có xu hướng rõ ràng, nhưng có thể có nhịp hồi nhờ chính sách giảm thuế và giãn nợ.

Thị trường chứng khoán trong nước vừa khép lại tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi sụt 0,95% còn 1.042,91 điểm. Kể từ khi đạt đỉnh ngắn hạn, thị trường đã điều chỉnh 8/12 phiên trong chuỗi giảm 9/15 phiên kể từ đầu tháng 4.

Nhóm vốn hóa nhỏ vận động tốt hơn thị trường chung. Chỉ số VNSmallcap tăng 1,1%, chủ yếu nhờ lực tăng từ nhóm Y tế (+4,5%). Các nhóm còn lại đều giảm nhẹ dưới tham chiếu. Điều này cho thấy, thị trường đang thiếu động lực và phần lớn nhà đầu tư đang có tâm lý phòng thủ.

Thanh khoản toàn thị trường xuống mức thấp nhất 4 tuần gần đây. Giá trị giao dịch bình quân sàn HOSE tuần qua tiếp tục giảm gần 32%, về mức thấp kể từ đầu năm là 8.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khối ngoại cũng đang có chuỗi bán ròng 4 tuần liên tiếp, nhưng đã có tín hiệu tích cực hơn. Giá trị bán ròng chững lại đáng kể, chỉ còn -318,6 tỷ đồng trên HOSE so với -1.700 tỷ đồng ở tuần liền trước. HPG là mã được mua ròng nhiều nhất, +258 tỷ đồng.

Dòng vốn qua các quỹ ETF có phần khởi sắc hơn và ghi nhận diễn biến trái chiều trong tuần qua. Trong khi quỹ Vaneck rút ròng - 113 tỷ đồng thì Fubon ETF quay lại mua ròng +91 tỷ đồng.

P/E của chỉ số VN-Index đang ở mức 13,7 lần, không thay đổi nhiều so với tuần trước trong bối cảnh thị trường gần như đi ngang. Để kích hoạt được dòng tiền, mức giá này cần phải được chiết khấu thêm trong bối cảnh thị trường thiếu vắng tin tức hỗ trợ.

Trên đồ thị tuần, VN-Index điều chỉnh và hiện đang vận động dưới đường MA 20 tuần. Mặc dù vậy, xu thế chính kể từ đầu năm vẫn là đi ngang cùng với sự thu hẹp của khối lượng giao dịch. Trên đồ thị ngày, chỉ số tiếp tục mở rộng biên độ điều chỉnh với một cây nến đỏ trong ngày cuối tuần và hiện đang vận động dưới MA 20 và MA 50 ngày.

Trong ngắn hạn, giằng co đi ngang khả năng vẫn là diễn biến chính của chỉ số VN-Index với vùng hỗ trợ gần là 1.020 - 1.034 điểm và kháng cự gần là ngưỡng điểm 1.050 – 1.063 điểm. Các yếu tố có thể khiến nhà đầu tư tiếp tục thận trọng trong tuần giao dịch tới đến từ các quỹ ETF liên quan bộ chỉ số đầu tư của HOSE sẽ hoàn thành cơ cấu danh mục, ngoài ra không loại trừ hiệu ứng tâm lý khi kỳ nghỉ lễ dài đến gần.

Phía Công ty Chứng khoán MB (MBS) có cái nhìn tích cực về thị trường chứng khoán tuần cuối tháng 4 khi các chính sách hỗ trợ có thể được ban hành trong tuần này: Tiếp tục giảm thuế Giá trị gia tăng và cho phép Ngân hàng thương mại giãn nợ tối đa một năm đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Về kỹ thuật, MBS đánh giá, sau 2 tuần giảm liên tiếp, nhịp hồi kỹ thuật có thể diễn ra trong tuần 24/4 – 28/4.  Tuy vậy, đây chỉ là nhịp nảy trong xu hướng chính là xu hướng giảm ngắn hạn. Theo thống kê, kể từ đầu tháng 3 cho tới nay, cứ sau 2 tuần giảm liên tiếp, thị trường sẽ có nhịp hồi ở tuần kế tiếp.  

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng cho rằng, chỉ số sẽ khó có nhịp giảm sâu sau khi đã hấp thụ đáng kể các thông tin kém khả quan trong giai đoạn trước.

Với việc VN-Index đang tiếp cận vùng biên dưới của dải Bollinger, Agriseco cho rằng, xu hướng thị trường vẫn là đi ngang. Kiểm định vùng 1.040 điểm có thể xuất hiện trong các phiên tới. Theo đó, nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ danh mục và quan sát, chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường.

Về chiến lược đầu tư tuần này (từ 24/4 đến 28/4), Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, xét về khung đồ thị giờ, tuy các chỉ báo vẫn đang bẻ ngang và đang hướng xuống nhưng với việc MACD đang ở vùng quá bán xấp xỉ -4 và vẫn còn xác xuất hình thành phân kỳ dương đảo chiều thì diễn biến thị trường vẫn chưa quá bi quan ở giai đoạn hiện tại. Bên cạnh đó, thanh khoản mua chủ động vẫn tìm đến những nhóm ngành riêng lẻ cho thấy thị trường vẫn đang có sự phân hóa và dòng tiền vẫn đang tham gia thị trường một cách có chọn lọc.

Tuy nhiên, nếu áp lực bán vẫn tiếp tục gia tăng thì VN-Index có khả năng sẽ điều chỉnh về vùng đáy cũ quanh 1.020 – 1.030, dù xác suất là không cao.

Với diễn biến hiện tại, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư duy trì tài khoản ở mức an toàn xấp xỉ 20 – 30%, chủ động bán giảm những mà đã giảm dưới vùng hỗ trợ và chỉ giữ lại những cổ phiếu có diễn biến tích lũy, thu hút được lực cầu tốt.

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), đến ngày 21/4, 2 sàn HSX và HNX đã có 18% công ty công bố kết quả kinh doanh quý I với mức sụt giảm lợi nhuận cùng kỳ 17%. Số công ty tăng trưởng dương so cùng kỳ chiếm 38% và số công ty công bố thu lỗ chiếm 14% trong tổng 133 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh. Số liệu phản ánh khó khăn chung của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế trong quý I.

Tuy nhiên, các công ty công bố giai đoạn đầu phần lớn là các công ty vừa và nhỏ nên chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về lợi nhuận. Trong 1-2 tuần tới, các công ty trong nhóm VN30 và nhóm Ngân hàng sẽ công bố kết quả kinh doanh. Tăng trưởng toàn thị trường sẽ còn thay đổi, cung cấp cái nhìn toàn cảnh cho giao dịch ngắn hạn cũng như kỳ vọng cải thiện những quý cuối năm.