Thị trường liên ngân hàng giai đoạn 2018-2022 và một số hàm ý phát triển

Hoàng Hải Yến - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Thảo Như – BIDV Campuchia - CN. TP. Hồ Chí Minh

Thị trường liên ngân hàng là một bộ phận quan trọng của thị trường tiền tệ, là kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ. Thị trường liên ngân hàng phát triển lành mạnh, minh bạch sẽ giúp các tổ chức tín dụng tận dụng được những cơ hội đầu tư, dòng vốn được sử dụng hiệu quả và giúp Ngân hàng Nhà nước tạo lập những chính sách tiền tệ có tác động hiệu quả đến nền kinh tế. Nghiên cứu này tìm hiểu thực trạng thị trường liên ngân hàng một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam trong giai đoạn năm 2018 – 2022, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hiệu quả thị trường này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường liên ngân hàng một số quốc gia trên thế giới

Giai đoạn 2018-2022, nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thực đại dịch COVID-19 đến những biến động chính trị, lạm phát, chạy đua lãi suất... Điều này tác động mạnh đến thị trường liên ngân hàng các nước. Cụ thể:

Trung Quốc

Trung Quốc xem lãi suất là một kênh truyền tải chính sách tiền tệ (CSTT) quan trọng trong nền kinh tế, từ đó họ hoàn thiện thị trường liên ngân hàng như một kênh truyền tải CSTT hiệu quả. Tuy nhiên, việc áp dụng trần lãi suất huy động và sàn lãi suất cho vay đã có những tác động đến thị trường khiến cho vai trò của thị trường không rõ nét trong việc truyền tải CSTT. Năm 2019, Trung Quốc loại bỏ lãi suất trần huy động. Lãi suất repo kỳ hạn 7 ngày (90% giao dịch trên thị trường repo được thực hiện với kỳ hạn bằng hoặc dưới 7 ngày), lãi suất SHIBOR (Shanghai Interbank Offer Rate), CHIBOR (China Interbank Offer Rate) được coi là 3 loại lãi suất đại diện cho lãi suất liên ngân hàng ngắn hạn.

Trung Quốc là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trong nhất của đại dịch COVID-19. Với mục tiêu hồi phục nền kinh tế sau đại dịch một cách nhanh chóng, Trung Quốc thực hiện nới lỏng CSTT, bao gồm cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và liên tục các đợt bơm tiền vào nền kinh tế.

Singapore

Hiện tại thị trường liên ngân hàng Singapore đang sử dụng lãi suất tham chiếu là SIBOR do Hiệp hội Ngân hàng Singapore (ABS) công bố. Lãi suất này được tổng hợp từ đóng góp của các ngân hàng tại Singapore. Tuy nhiên trước những lo ngại về việc bị làm giá và thao túng, cùng với sự thiếu dữ liệu thu thập ở các kỳ hạn ít được ưa chuộng như 6 tháng. Hiện nay, ABS đang bắt đầu lộ trình của mình trong việc dừng tham chiếu SIBOR vào cuối năm 2024 ở cả 3 kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng. Bắt đầu từ kỳ hạn 6 tháng sẽ chấm dứt vào giữa năm 2023. Lãi suất qua đêm bình quân Singapore (SORA) sẽ là lựa chọn thay thế. Cuối năm 2022, MAS (Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore) đã cảnh báo, việc chống lại lạm phát bằng chiến dịch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ dẫn đến rủi ro về sự ổn định tài chính của các nền kinh tế.

Châu Âu

Năm 2021, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục điều hành linh hoạt CSTT để hỗ trợ nền kinh tế. Các chính sách của ECB đưa ra giúp nền kinh tế phục hồi và đưa lạm phát đến mục tiêu là 2%. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh lạm phát ngày một tăng cao và không thể đạt được mục tiêu theo những dự đoán của ECB khi bước sang 2022. Cùng với đó, xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế khu vực này. Nhiều dự báo đưa ra, trong tương lai gần, nền kinh tế chấu Âu sẽ tăng trưởng chậm. Giá năng lượng và nguyên liệu thô rất cao đang kìm hãm sản xuất và giảm sức mua của người dân. Các vấn đề về thiếu việc làm và thất nghiệp cũng tác động tiêu cực lên nên kinh tế. Người dân gặp nhiều khó khăn khi chi phí vay ngân hàng ngày một cao. Cũng như các nền kinh tế khác, ECB tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm chống lại lạm phát.

Thị trường liên ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2018-2022

Về tính thanh khoản

Thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2018 tương đối ổn định do huy động vốn phát triển trong khi hoạt động tín dụng có phần tăng kém hơn so với 2017 với tỷ lệ tín dụng huy động (LDR) bình quân hệ thống là 87,5%. Thanh khoản năm 2019 trở nên ổn định và dồi dào hơn từ sau giai đoạn Tết Nguyên Đán do có sự sụt giảm từ nhu cầu vốn và mức thặng dư cao của các ngân hàng lớn cung cấp ra thị trường. Càng về cuối năm 2019 lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm, trong khi lãi suất tiền gửi thị trường 1 (giao dịch giữa các tổ chức và doanh nghiệp, người dân) không có quá nhiều biền đổi. Để giảm sự chênh lệch lớn giữa hai thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ trần lãi suất tiền gửi thị trường 1 ở các kỳ hạn dưới 6 tháng thông qua Quyết định số 2415/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019. Nguồn cung vốn tiếp tục dồi dào khiến thanh khoản thị trường luôn ở mức cao và ổn định, thể hiện sự thành công trong việc điều hành CSTT của NHNN năm 2019.

Năm 2020, trước sự giảm trần lãi suất tiền gửi, huy động vốn trên thị trường 1 dần chậm lại. Tuy nhiên, vốn trên thị trường 2 (giao dịch liên ngân hàng) vẫn dồi dào nhờ sự bơm ròng liên tục từ NHNN, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tận dụng cơ hội sử dụng nguồn vốn rẻ. Lãi suất thị trường 2 càng về cuối năm càng giảm mạnh, bên cạnh đó diễn biến của đại dịch COVID-19 ngày càng phức tạp hơn.

Mức độ thanh khoản của thị trường bắt đầu giảm từ cuối năm 2021, cùng với nhu cầu về vốn cao theo thời vụ giai đoạn giáp Tết Nguyên Đán 2022 đã kéo lãi suất thị trường tăng trở lại. Việc hoàn thành các mũi vaccine trên cả nước đã giúp nền kinh tế dần mở cửa lại, dẫn đến việc tăng nhu cầu về vốn. Bên cạnh đó, diễn biến chính trị thế giới trở nên căng thẳng, ngày 24/2/2022 Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine.

Các NHTM, chủ yếu là các ngân hàng có thặng dư vốn lớn trở nên dè dặt hơn trong việc đầu tư trên thị trường liên ngân hàng, đặc biệt đối với các ngân hàng có liên kết thanh toán và liên doanh với Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt liên tục được đưa ra. Nhằm hỗ trợ khôi phục kinh tế NHNN đã giảm lãi suất cho vay thị trường 1 dẫn đến nhu cầu tín dụng tăng cao.

Vào đầu quý IV/2022, xuất hiện nhiều thông tin xấu liên quan đến một ngân hàng lớn trong hệ thống dẫn đến khủng hoảng về thanh khoản không chỉ cá nhân của ngân hàng mà còn cho thanh khoản hệ thống. Các ngân hàng đồng loạt có động thái thu hẹp phạm vi đối tác giao dịch và đánh giá xếp hạng tín dụng bất thường đối với các đối tác vừa và nhỏ. Nhiều ngân hàng chỉ chấp nhận giao dịch với 4 NHTM lớn trong thời điểm này. Thị trường liên ngân hàng giảm thanh khoản mặc dù một số ngân hàng vẫn có thặng dư vốn lớn. Cùng với đó, khủng hoảng truyền thông kéo theo sự mất lòng tin của người dân với hệ thống ngân hàng, tiền gửi thị trường 1 bị rút ồ ạt. Trước tình hình đó, NHNN đã trấn an người gửi tiền đồng thời thông báo luôn sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. Các NHTM cũng đồng loạt tăng lãi suất huy động thị trường 1 để thu hút lại nguồn tiền gửi của khách hàng.

Doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giai đoạn 2018-2022 được NHNN ghi nhận ngày càng tăng, mức tăng tháng 12 các năm so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 90,36%, 36,26%, 57,45% và 47,59% cho thấy vai trò của thị trường liên ngân hàng ngày càng rõ nét hơn trong việc giúp hệ thống ngân hàng trao đổi, điều tiết vốn từ nơi thừa sang thiếu, tăng hiệu quả sử dụng vốn của các ngân hàng và đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống.

Tuy nhiên, thị trường liên ngân hàng còn có một số hạn chế về tính thanh khoản. Cụ thể, thị trường rất nhạy cảm với thông tin dẫn tới việc tích trữ thanh khoản khi mà thị trường đang thiếu vốn. Tâm lý này có thể làm ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống mà xuất phát từ việc tín nhiệm của các ngân hàng với nhau. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có một hệ thống xếp hạng được công bố chính thức do một tổ chức uy tín chịu trách nhiệm. Hiện tại, các NHTM đang thực hiện đánh giá xếp hạng tín nhiệm lẫn nhau bằng những quy chuẩn nội bộ do cá nhân mỗi ngân hàng tự xây dựng bao gồm các chỉ tiêu tài chính và phi tài chính.

Về lãi suất liên ngân hàng

Bảng 1: Tổng hợp tổng doanh số giao dịch liên ngân hàng các kỳ hạn giai đoạn 2018-2022 (tỷ đồng)

 

2018

2019

2020

2021

2022

Tháng 1

587.663

971.769

1.111.113

1.836.659

2.491.353

Tháng 2

418.555

753.358

1.205.787

2.658.150

2.959.510

Tháng 3

675.085

1.110.983

1.306.389

2.317.176

4.662.367

Tháng 4

609.755

1.252.428

2.261.717

2.296.898

4.098.033

Tháng 5

685.012

1.023.709

1.050.886

3.017.390

5.278.048

Tháng 6

650.196

1.182.670

1.160.443

2.718.636

4.864.010

Tháng 7

543.892

1.223.896

1.431.876

3.703.875

4.697.957

Tháng 8

590.776

1.354.249

1.430.425

2.909.232

5.529.075

Tháng 9

635.777

1.214.938

1.325.489

3.637.895

4.974.627

Tháng 10

630.747

1.221.264

1.460.048

4.132.805

4.793.513

Tháng 11

912.554

1.737.487

1.519.599

2.878.172

5.282.236

Tháng 12

890.792

1.695.724

2.310.520

3.637.921

5.369.105

Nguồn: SBV

Lãi suất liên ngân hàng là một yếu tố gắn liền với tình hình thanh khoản hệ thống. Những biến động trong lãi suất thị trường phản ảnh mức độ thừa hay thiếu vốn của thì trường tại từng thời điểm.

Lãi suất liên ngân hàng năm 2018 ghi nhận sự ổn định trong 6 tháng đầu năm và tăng mạnh trong nửa cuối năm, do tác động của thanh khoản hệ thống giảm và FED tăng lãi suất làm dịch chuyển hướng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2019, lãi suất liên ngân hàng diễn biến ổn định và có chiều hướng giảm dần về cuối năm. Cùng với đó, ở thị trường 1, NHNN thực hiện chủ trương phấn đấu giảm lãi suất cho vay (Cụ thể Quyết định số 2415/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019; Quyết định số 2416/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019) đã mở ra thời kỳ sử dụng vốn rẻ ở cả 2 thị trường.

Năm 2020, lãi suất tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên Đán nhưng đã nhanh chóng trở lại ổn định vào tháng 2/2020. Để đối phó tác động của đại dịch COVID-19 lên dòng vốn trong nền kinh tế, NHNN đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất có hiệu lực từ ngày 13/5 với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm ở các loại lãi suất khác nhau. Với nguồn thanh khoản dồi dào và các chính sách nhằm hỗ trợ lại suất của NHNN đã đưa lãi suất trong nửa cuối năm 2020 về mức thấp kỷ lục với ghi nhận mức thấp nhất là 0,1% đối với kỳ hạn qua đêm.

Năm 2021, sau đợt tăng thời vụ dịp Tết bắt đầu ổn định lại và có xu hướng tăng nhẹ cho đến cuối tháng 4 đầu tháng 5 thì bắt đầu bật tăng mạnh. Nửa cuối năm 2021, lãi suất qua đêm xoay quanh mức trung bình 0,75% cùng thanh khoản dồi dào.

Lãi suất thị trường liên ngân hàng từ đầu năm 2022 đã có đấu hiệu tăng trở lại và bật tăng mạnh từ cuối tháng 07/2022. Để hỗ trợ đồng nội tệ, NHNN vào cuối tháng 6 đã lần đầu tiên tái khởi động kênh hút tiền bằng tín phiếu sau hai năm đóng băng. Thông qua kênh này một lượng tiền lớn đã bị rút khỏi hệ thống dẫn đến thanh khoản của thị trường giảm và đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng dần. Sau nhiều lần được NHNN hỗ trợ thanh khoản nhưng lãi suất vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Do mức độ tín nhiệm giữa các NHTM với nhau còn chưa cao đồng thời bị bủa vây bởi những tin đồn thất thiệt khiến thị trường phân hóa và tắc nghẽn.

Lãi suất bình quân liên ngân hàng 2018-2022 ngoài phản ánh tình hình thanh khoản hệ thống còn phản ánh phần nào tình hình của nền kinh tế. Lãi suất giảm mạnh đặc biệt vào 2 năm 2020 và 2021, chính là thời điểm mà nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc giảm quy mô hoạt động khiến việc giải ngân cũng hạn chế hơn. Thanh khoản dồi dào nhưng doanh nghiệp ít tiếp cận, NHNN hỗ trợ nền kinh tế bằng nhiều biện pháp trong đó giảm lãi suất điều hành cũng làm mặt bằng chung của lãi suất liên ngân hàng giảm sâu kỷ lục. Việc lãi suất bật tăng lại vào 2022 ngoài ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới và lạm phát cũng cho thấy khởi sắc hồi phục sau dịch của kinh tế Việt Nam.

Với những phân tích tình hình biến động lãi suất cho thấy, lãi suất bình quân liên ngân hàng do NHNN thông báo không bao quát được hết tình hình thực tế và ít có tính tham khảo mỗi ngày vì đi sau thị trường 2 ngày. Do tính chất của chế độ báo cáo theo Thông tư số 11/2018/TT-NHNN, báo cáo được các TCTD tạo 1 ngày sau ngày giao dịch và gửi về NHNN trễ nhất 14 giờ cùng ngày. Bên cạnh đó, việc mất cân xứng thông tin giữa các ngân hàng dẫn đến lãi suất chênh lệch cao giữa các phân khúc. Ở những giai đoạn cao điểm mức chênh lệch này có thể lên đến 1-2% tùy vào mức độ khát vốn của các ngân hàng nhỏ.

Về tỷ giá mua bán liên ngân hàng

Tỷ giá giai đoạn 2018-2022 có nhiều biến động, nổi trội vào năm 2022, tỷ giá đã đạt những kỷ lục chưa từng có. Vào nửa đầu tháng 11/2022, giá USD trên thị trường 1 và 2 nhiều ngày liền nằm ở mức trần, gây nhiều khó khăn trong giao dịch. Bằng những nỗ lực của NHNN, tỷ giả có biến động nhưng đều được đưa về quỹ đạo ngay sau đó.

Dù có những thành công trong điều hành tỷ giá của NHNN trong giai đoạn 2018-2022, nhưng tỷ giá trên thị trường biến động liên tục, có những lúc lên rất nhanh và ngược lại. Các ngân hàng nhỏ do thiếu thông tin thường không dự đoán và định hướng được.

Giải pháp phát triển thị trường liên ngân hàng Việt Nam

Giai đoạn 2018-2022, 2 cú sốc lớn về dịch bệnh COVID-19 và chiến sự Nga- Ukraina đã tác động thiệt hại nặng nền đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thị trường liên ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn này dù bị ảnh hưởng phần nào nhưng với sự điều hành linh hoạt các công cụ tiền tệ của NHNN Việt Nam đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Doanh số thị trường liên ngân hàng tăng nhanh trong 5 năm qua, đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống. Lãi suất bình quân liên ngân hàng 2018-2022 có nhiều biến động. Tùy vào từng thời điểm, NHNN đã có những CSTT phù hợp tác động lên lãi suất hệ thống, giúp điều tiết nền kinh tế nhằm tạo ra những cơ hội phát triển cũng như hạn chế những tác động tiêu cực. Tỷ giá giai đoạn 2018-2022 đặc biệt có nhiều biến động, nổi trội vào năm 2022, tỷ giá đã đạt những kỷ lục chưa từng có. Vào nửa đầu tháng 11/2022, giá USD trên thị trường 1 và 2 nhiều ngày liền nằm ở mức trần, gây nhiều khó khăn trong giao dịch. Bằng những nỗ lực của NHNN, tỷ giả mặc dù có biến động nhưng đều được đưa về quỹ đạo ngay sau đó. Tuy nhiên, để các công cụ tiền tệ NHNN áp dụng được vận hành một cách hiệu quả, trong thời gian tới nên quan tâm đến một số vấn đề sau:

Xây dựng hệ thống thông tin kịp thời và chính xác

Từ những hạn chế ảnh hưởng đến phát triển thị trường liên ngân hàng xuất phát từ nguyên nhân về mất cân xứng thông tin, để tạo điều kiện phát triển tốt hơn cho toàn hệ thống, NHNN cần xây dựng một kênh thông tin nhanh nhạy và kịp thời tới hệ thống, đồng thời, sàng lọc và ngăn chặn các tin đồn thất thiệt gây tổn hại đến hệ thống. Mặt khác, các thông tin cần được minh bạch, kể cả tin tiêu cực nhằm tạo lập niềm tin trong thị trường, từ đó, giúp cho các TCTD dễ dàng hơn trong việc dàng đưa ra quyết định sử dụng nguồn vốn của mình hiệu quả.

Xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm tổ chức tín dụng công khai

Bên cạnh việc xây dựng kênh thông tin chính xác và kịp thời, việc có một tổ chức hoặc một nhóm chuyên gia của các NHTM được NHNN phân giao nhiệm vụ xếp hạng tín nhiệm các TCTD theo một thước đo thống nhất cũng là vô cùng cần thiết. Để thúc đẩy việc tạo lập một tổ chức uy tín phục vụ cho hệ thống ngân hàng Việt Nam, cần có sự hỗ trợ từ các vụ, cơ quan thanh tra giám sát thuộc NHNN và các NHTM nhằm đưa ra phương pháp phù hợp,các văn bản chỉ đaọ, hướng dẫn cụ thể về việc tham gia vào tổ chức. Đồng thời, cũng cần được hỗ trợ về công nghệ từ cục công nghệ thông tin. Xây dựng bảng xếp hạng chung uy tín ngoài việc giúp NHTM, TCTD xây dựng được hướng sử dụng vốn và vay vốn trên liên ngân hàng một cách hiệu quả còn tạo động lực khiến các NHTM cố gắng hoàn thiện hơn để cải thiện xếp hạng được công bố rộng rãi của mình.

Xây dựng một hệ thống giao dịch tập trung

Từ hạn chế trong trong việc theo dõi tỷ giá, lãi suất liên ngân hàng đến việc các TCTD khó tìm kiếm đối tác thỏa mãn nhu cầu vốn khiến thị trường kém hiệu quả cho thấy NHNN cần xây dựng một hệ thống tập trung hơn, kịp thời hơn, dễ quản lý hơn để phục vụ nhu cầu thị trường.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2018;
  2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo cáo thường niên 2018; 2019; 2020. 2021; 2022;
  3. Heider, Florian; Hoerova, Marie; Holthausen, Cornelia (2009), “Liquidity hoarding and interbank market spreads: the role of counterparty risk”, European Central Bank (ECB) Working Paper 1126;
  4. Franklin Allen, Giovanni Covi, Xian Gu, Oskar Kowalewski, Mattia Montagna (2020), “The interbank market puzzle”, European Central Bank (ECB) Working Paper No 2374.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023