Lợi thì có lợi….

Nghi Thu

TCTC - Sau một thời gian dài chuẩn bị, thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) đã chính thức hoạt động với sự tiên phong của 10 trong số gần 4000 công ty đại chúng. Cái mới thường khó được chấp nhận ngay, UPCoM cũng không thoát khỏi quy luật muôn thuở đó khi mà những người trong cuộc (NĐT và DN) vẫn tỏ ra “ngập ngừng” và e dè tham gia thị trường.

Rằng hay thì thật là hay…

UPCoM ra đời được coi là giải pháp để lấp đầy những “khoảng trống” của OTC hiện nay. Ai cũng biết, ở những TTCK non trẻ và thiếu chuyên nghiệp như Việt Nam, mua - bán tại OTC luôn ẩn chứa rất nhiều rủi ro cho NĐT khi mà giá cổ phiếu không tuân theo nguyên tắc nào. Giao dịch của một loại cổ phiếu không cần chuyển quyền sở hữu và chuyển tiền mua, NĐT hoặc môi giới có thể mua đi bán lại qua một thỏa thuận viết tay để hưởng chênh lệch giá... là những kiểu đầu tư có lẽ chỉ có ở Việt Nam.

Vụ vỡ nợ 30 tỷ đồng tại chợ OTC Đông Dương, cũng là từ dự đoán sai diễn biến giá của cổ phiếu Ngân hàng Quân đội (MB) mà một môi giới đã biến mất cùng số nợ. Gần đây nhất, xì căng đan liên quan đến 1,5 triệu cổ phiếu MB sau khi sang tên, nhưng không được bên mua thanh toán tiền cho người bán, khiến giới đầu tư lo lắng về những bất ổn của thị trường OTC…

Những rủi ro của “chợ cóc” OTC đòi hỏi một thị trường ưu việt hơn dưới sự kiểm soát của Nhà nước. UPCoM được coi là lựa chọn khả dĩ, kỳ vọng hạn chế được những bất cập trên bởi các giao dịch, thanh toán cổ phiếu được thực hiện trên một hệ thống tập trung, có quản lý, công khai, quyền lợi của các bên được pháp luật bảo vệ. Cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM sẽ có một mức giá tham chiếu và biên độ dao động là ± 10%. Khi NĐT muốn chào mua/bán một loại CP nào đó, CTCK sẽ nhập các lệnh đó vào hệ thống của HNX và lựa chọn lệnh đối ứng tốt nhất sẵn có để thực hiện giao dịch.

Một cái lợi khác đối với NĐT là thông qua UPCoM, họ có thể tham khảo giá cổ phiếu mà mình đang nắm giữ. Nói cách khác, những kết quả trên sàn UPCoM sẽ giúp NĐT có thể đánh giá được mức giá tốt nhất của cổ phiếu trong một ngày để đưa ra quyết định đầu tư chính xác, đồng thời hạn chế các giao dịch khống, cũng như hiện tượng làm giá.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Phó Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), chứng khoán giao dịch tại UPCoM được lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán, việc thanh toán cũng tập trung thông qua các CTCK thành viên nên loại trừ được các yếu tố rủi ro về thanh toán. Hơn nữa, thông qua UPCoM, DN có thể tự quảng bá thương hiệu của mình và giúp cho cổ phiếu của DN có tính minh bạch hơn, thu hút được sự quan tâm của cổ đông nhiều hơn. Đặc biệt, cổ phiếu của các công ty đại chúng thanh khoản kém, khi tham gia UPCom sẽ có cơ hội được nhiều NĐT biết đến, thuận lợi hơn trong việc huy động vốn sau này để phục vụ sản xuất – kinh doanh.

Theo quy định, các công ty đại chúng phải lựa chọn hoặc niêm yết trên sàn (Hà Nội và TP.HCM), hoặc đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM (hiện có hơn 1.000 trong khoảng 4000 công ty đại chúng đã đăng kí với UBCKNN - PV). Trước mắt, theo lộ trình đã được UBCKNN công bố, đến cuối tháng 9/2009, thị trường UPCoM sẽ có thêm hàng hóa của gần 200 công ty đại chúng và đến cuối năm 2009, tất cả các công ty đại chúng còn lại, trừ những công ty đưa cổ phiếu niêm yết ở hai sàn chính thức đều phải tham gia thị trường UpCoM.

Như vậy, theo lộ trình, thị trường UPCoM không thiếu hàng, NĐT sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận. Đặc biệt, trong tương lai, khi thị trường UPCoM ổn định và hoàn thiện hơn, các hoạt động mua bán đi vào quy củ, lúc đó, UPCoM sẽ hấp dẫn chẳng kém gì HNX hay HoSE.

… Nhưng ai cũng ngập ngừng

Với những thế mạnh nổi trội, sự ra đời sàn UPCoM là hướng đi thích hợp trong bối cảnh hiện nay nhằm hạn chế những “khoảng trống” của TTCK. Song, điều đáng nói là hiện cả NĐT và DN đều chưa mấy “mặn mà” với thị trường này. Lí giải điều này, một NĐT cho rằng, DN hay NĐT khi lựa chọn một cái gì đó bao giờ cũng “cân đo đong đếm” với đồng vốn bỏ ra và lợi ích mà họ thu được. Hiện nay, giao dịch sàn UPCoM “lợi thì có lợi”, nhưng còn khá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lợi ích của NĐT và DN nên chuyện “ngập ngừng” cũng chẳng có gì lạ.

Lâu nay, trên chợ OTC, NĐT vừa bán xong một cổ phiếu, thấy giá xuống có thể mua lại liền. Đó là chưa kể không có tiền hoặc có ít tiền, thậm chí không có cổ phiếu vẫn có thể… giao dịch được. Trong khi trên sàn UPCoM phải có tiền, có tài khoản và có cổ phiếu mới được mau bán. Giao dịch trên OTC hiện đang thực hiện với thời gian T+0, cũng như áp dụng phổ biến các hình thức mua bán khống, tuy rủi ro cao nhưng luôn đi kèm với lợi nhuận hấp dẫn do tự NĐT đẩy lên.

Trong khi đó UPCoM lại bị giới hạn bởi T+3 khiến nhiều NĐT rất ớn vì hiện nay thị trường đảo chiều rất nhanh, chỉ nên “ăn nhanh, đánh lẹ”. Đó là chưa kể trước đây biên độ dao động của sàn UPCoM dự kiến là cộng trừ 20% và NĐT có thể mua bán cùng một loại cổ phiếu ngay trong ngày. Nhưng nay biên độ sàn UPCoM chỉ là ±10% và NĐT cũng không được vừa mua vừa bán cùng một loại cổ phiếu trong một phiên. Rõ ràng, tính hấp dẫn của sàn UPCoM đã giảm đi rất nhiều.

Hơn nữa, theo phân tích của một NĐT: Quy định, chỉ có CTCK mới được phép mua - bán cùng một cổ phiếu trong ngày. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân có quan hệ thân thiết với CTCK có thể lách luật bằng cách “nhờ” tài khoản của CTCK để mua – bán, chốt lời hoặc cắt lỗ cùng một cổ phiếu trong ngày. Điều này đồng nghĩa một số tổ chức, cá nhân có thể “lách” được quy định thời gian thanh toán T+3 để sử dụng T+0. Đây chính là yếu tố bất bình đẳng giữa các NĐT trên sàn UPCoM.

Thêm nữa, luật chơi cho phép NĐT ký quỹ khi mua chứng khoán, nhưng thực tế, việc này thuận lợi hay không, phí giao dịch rẻ hay đắt… còn phụ thuộc vào độ uy tín và mối quan hệ thân thiết giữa NĐT và các CTCK. Cuối cùng phải kể đến một trong những lý do khác khiến NĐT “ngại” sàn UPCoM là thông tin của DN.

Theo đó, DN không có nghĩa vụ công bố thông tin hằng quý và cơ quan quản lý chỉ khuyến khích DN công bố những thông tin quan trọng. Hiện thị trường này cũng không quy định hoạt động sản xuất kinh doanh của năm liền kề đăng ký giao dịch phải có lãi, công ty thua lỗ vẫn được giao dịch. Do vậy, nhiều NĐT cảm thấy không an tâm với cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Về phần mình, một số DN khẳng định: Nếu lên thì lên sàn chính thức, không lên sàn UPCoM vì sàn này không khác và cũng chẳng ưu việt hơn mấy so với sàn TP.HCM và Hà Nội. Theo ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc Công ty May Việt Tiến, hội đồng quản trị công ty này chưa có kế hoạch cụ thể cho việc lên sàn. Nếu giả sử việc lên sàn UPCoM chưa có quy định thì công ty cũng chưa muốn lên sàn do chưa cảm thấy đây là nhu cầu cấp bách, mà việc quan trọng hiện nay là ổn định sản xuất kinh doanh để trong tương lai xa hơn sẽ niêm yết tại HoSE.

Đối với các ngân hàng thì đây càng không phải là đích đến để khẳng định sự minh bạch của DN hay tăng thanh khoản cho cổ phiếu bởi kể cả không có sàn UPCoM thì cổ phiếu ngân hàng vẫn giao dịch được và vẫn thuộc loại thanh khoản cao nhất thị trường. Thậm chí, đối với các cổ phiếu đang có tính thanh khoản cao hiện nay như EIB (Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN), MB (Ngân hàng Quân đội)… thì những quy định của sàn UPCoM còn có phần làm giảm tính thanh khoản của các cổ phiếu này. Đó là chưa kể trường hợp một số ngân hàng cổ phiếu không thanh khoản thì lại càng không muốn lên UPCoM để... thanh khoản trước nỗi lo “khá thực tế”: sợ các tổ chức bán bớt cổ phiếu, thay đổi cơ cấu cổ đông…

Hơn nữa, vào UPCoM, DN phải có một hệ thống báo cáo tài chính tốt để kiểm toán được – điều mà DN nào cũng ngại khi đề cập. Thực tế, trong giai đoạn khó khăn, việc cung cấp thông tin cũng như báo cáo tài chính minh bạch và thường xuyên ra công chúng như khi lên sàn UpCoM có thể trở thành con dao hai lưỡi đối với thương hiệu cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.

Đó là chưa kể theo quy định, nếu trong vòng một năm không đảm bảo yêu cầu là công ty đại chúng thì cổ phiếu sẽ bị hủy, lúc đó lại càng mất uy tín. Hoặc ngay cả chuyện quản lý sổ cổ đông, trước đây DN trực tiếp quản lý sổ cổ đông nay giao cho CTCK và như thế DN sẽ không biết được cổ đông là ai, giá cổ phiếu diễn biến ngoài tầm kiểm soát... Sự “ngại ngùng” này thể hiện rất rõ trong thời gian qua khi UBCKNN kêu gọi các DN tiên phong lên UPCoM nhưng lại không được hưởng ứng, hoặc đến phút cuối đã xin rút lui, khiến thị trường này trong ngày khai trương chỉ “lèo tèo” với 10 cổ phiếu.

Theo các nhà quản lí, UPCoM là hình thức giao dịch mới, nên thời gian đầu các NĐT và DN chỉ chủ yếu quan sát và cần có thời gian để họ hiểu về những ưu điểm của thị trường này. Với cơ chế giao dịch minh bạch, cổ phiếu của các công ty giao dịch trên UPCoM sẽ dần có tính thanh khoản tương đương với CP niêm yết trên hai sàn chính thức nên chắc chắn nó sẽ trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn đối với NĐT. Tất nhiên, để thu hút DN và NĐT, các chuyên gia tài chính cho rằng, tới đây cơ quan quản lý cần mở rộng đối tượng được phép mua - bán cùng một cổ phiếu trong ngày, tỉ lệ ký quỹ mua cổ phiếu có sự thống nhất giữa các CTCK...