Thiết kế dự thảo luật nhằm hạn chế thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng

Bảo Thương

Phát biểu giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận toàn thể về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi, chiều 10/6/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, dự thảo Luật được thiết kế nhằm hạn chế việc thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tiếp thu, giải trình một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp chiều 10/6/2023.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tiếp thu, giải trình một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp chiều 10/6/2023.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Các TCTD (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nêu ra rất nhiều vấn đề liên quan đến tín dụng, sở hữu chéo trong các TCTD… nhằm hướng đến việc xử lý tận gốc những hạn chế này.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, việc sửa đổi Luật là rất cần thiết. Đại biểu này đã đề nghị bổ sung thêm nội dung đề phòng rủi ro cho hệ thống ngân hàng từ sự kiện đổ vỡ của một số ngân hàng lớn trên thế giới vừa qua. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến việc xử lý sở hữu chéo liên quan đến các TCTD vì cho rằng những quy định trong dự thảo chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng này.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hải Trung – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nêu rõ, hiện nay tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Dự thảo Luật sửa đổi, điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức tăng tính đại chúng của các TCTD và mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu, các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn. 

Đại biểu này kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định, tăng cường hơn nữa vai trò của NHNN để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành để thao túng hoạt động của các TCTD. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các TCTD.

Liên quan đến vấn đề tín dụng, đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng cho biết, dự thảo Luật quy định giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng so với luật hiện hành của một khách hàng. Theo đó, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của khách hàng và tổng mức cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan xuống còn 10-15% vốn tự có.

“Việc giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng cần có sự đánh giá kỹ tác động, phân tích rõ hơn về tình trạng vay vốn và rủi ro để có giải pháp phù hợp, căn cơ nhất. Quy định mới nhưng không làm tác động quá lớn đến dòng vốn để doanh nghiệp có thể tiếp cận để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, đại biểu Trần Chí Cường nêu.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội còn đưa ra đề nghị cần tăng hiệu quả và cơ chế thực thi cho các giải pháp về xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản đảm bảo, vấn đề an toàn an ninh mạng của các ngân hàng, kiểm soát đặc biệt TCTD, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn…

Phát biểu giải trình các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo Luật được thiết kế nhằm hạn chế việc thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng - đây là yêu cầu của các cấp có thẩm quyền từ Bộ Chính trị cho đến các nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, cần thiết sửa đổi Luật Các TCTD vào thời điểm hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, cần thiết sửa đổi Luật Các TCTD vào thời điểm hiện nay.

Liên quan đến lo ngại của các đại biểu về việc các quy định này có khắc phục triệt để tình trạng sở hữu chéo, tư lệnh ngành Ngân hàng cho biết, cơ quan quản lý đưa ra quy định nhưng vấn đề còn ở khâu tổ chức thực hiện. Vì trong thực tiễn có tình trạng cổ đông nhờ người có liên quan đứng tên thì ngân hàng không thể nắm được.

Vừa qua, một số vụ án mới thấy có trường hợp đứng tên sở hữu. Nên các quy định đưa ra chỉ là một trong những cách hạn chế. Việc ngăn chặn triệt để đòi hỏi nhiều công cụ và giải pháp từ nhiều cơ quan khác nhau, như minh bạch hóa cơ sở dữ liệu, các giao dịch về vốn, cổ phần, doanh nghiệp…

“Chỉ với quy định này, nếu các cổ đông thực hiện đúng thì cũng đã hạn chế được rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, còn triệt để thì đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ nữa”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.

Đối với ý kiến đại biểu cho rằng quy định giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng sẽ ảnh hưởng đến tổng cầu tín dụng, gây khó khăn cho tiếp cận vốn, Thống đốc NHNN cho hay, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào các TCTD. Điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro, bởi những khó khăn của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng, từ đó tạo thành hiệu ứng domino hệ lụy đến nền kinh tế. Vì thế, cùng với ngành Ngân hàng thì các thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu cũng cần sự đồng bộ phát triển.

Tại phiên họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, dự thảo Luật trình lần này có các biện pháp hỗ trợ từ phía NHNN với vai trò là người cho vay “cứu cánh” cuối cùng khi các TCTD khó khăn về thanh khoản, đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân… Theo Thống đốc, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu để chờ đến khi ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mới hỗ trợ thì khó đảm bảo an toàn cho cả hệ thống ngân hàng...