Thủ tướng Shinzo Abe và lần trở lại đầy ấn tượng

Theo Ý Nhi/nhaquanly.vn

Mặc dù từng phải từ chức Thủ tướng vì những bê bối với đảng Dân chủ tự do của mình nhưng tự thân ông Shinzo Abe đã trở lại đỉnh vinh quang từ vũng lầy. Thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu ngày 22/10 vừa qua đã đưa Thủ tướng Shinzo Abe trở thành nhà lãnh đạo lâu năm nhất của đất nước Nhật Bản.

Thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu ngày 22/10 vừa qua đã đưa Thủ tướng Shinzo Abe trở thành nhà lãnh đạo lâu năm nhất của đất nước Nhật Bản. Nguồn: internet
Thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu ngày 22/10 vừa qua đã đưa Thủ tướng Shinzo Abe trở thành nhà lãnh đạo lâu năm nhất của đất nước Nhật Bản. Nguồn: internet

Không nằm ngoài dự đoán, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn diễn ra ngày 22/10/2017. Chiến thắng này đã giúp liên minh cầm quyền giữ vững vị trí “liên minh chưa có đối thủ” trên chính trường Nhật Bản.

Theo kết quả kiểm phiếu chính thức, đảng Dân chủ tự do (LDP) của ông Abe được 283 ghế, vượt xa mục tiêu 233 ghế mà ông đã đề ra trong chương trình tranh cử. Đảng Komeito trong liên minh cầm quyền giành được 29 ghế trong Hạ viện.

Chiến thắng lần này được đánh giá củng cố cơ hội của Thủ tướng Abe tiếp tục đứng đầu LDP trong cuộc bầu cử Chủ tịch đảng vào tháng 9-2018, mở đường cho kỷ lục là Thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Theo kế hoạch, ông Abe sẽ được chọn tiếp tục làm Thủ tướng trong phiên họp đặc biệt của Hạ viện, dự kiến diễn ra vào ngày 1/11 tới.

Tờ Wasshington đánh giá: “Ông Abe không chỉ trở lại làm Thủ tướng mà còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn bất cứ người tiềm nhiệm nào gần đây với tỷ lệ ủng hộ lên tới 60%.” Và nhìn vào cuộc đời của vị chính trị gia đặc biệt này, hẳn ai cũng phải ấn tượng khi thấy ông làm nên lịch sử sau khi đã đánh mất tất cả.

Sự nghiệp chính trị đầy thăng trầm

Là thành viên của LDP, năm 1993, chính trị gia đầy tham vọng Shinzo Abe được bầu vào Hạ viện Nhật Bản, nơi ông trở nên nổi tiếng vì lập trường cứng rắn với Triều Tiên. Trong những năm tiếp theo, ông giữ nhiều chức vụ trong chính phủ và trở thành Thủ tướng Nhật Bản năm 2006. Khi đắc cử, ông Abe là thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản trong hơn 60 năm và cũng là Thủ tướng đầu tiên được sinh ra sau Thế  chiến II.

Là người theo chủ nghĩa dân tộc, ông Abe kêu gọi các cử tri xây dựng một ý thức hệ về phẩm giá quốc gia. Sau khi nắm quyền, ông Abe đưa ra dự luật nhằm kêu gọi sửa đổi bản Hiến pháp Hòa bình của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến II. Ông cũng khích lệ lòng tự hào dân tộc của người Nhật và ủng hộ đạo luật yêu cầu giảng dạy về lòng yêu nước trong trường học.

Tuy nhiên, chuỗi thời gian nắm quyền của ông Abe không kéo dài. Gần như ngay lập tức sau cuộc bầu cử, một số bê bối làm rung chuyển đảng LDP cầm quyền. Năm 2007 được mô tả là thời kỳ khủng hoảng đỉnh điểm với một bộ trưởng tự tử và hàng loạt lãnh đạo cấp cao trong chính phủ từ chức. Không lâu sau, ông Abe cũng rời ghế Thủ tướng vì lý do sức khỏe.

Nhắc đến sự kiện này, tờ Washington Post mô tả: “Ở thời điểm tồi tệ nhất của cuộc đời, ông Abe mất cả sức khỏe và danh tiếng. Ông ấy chỉ có cơ hội lãnh đạo nước Nhật trong 366 ngày. Thậm chí, ông ấy còn bị nhạo báng trước công chúng. Đỉnh điểm của sự ê chề mà ông Abe phải chịu có lẽ là khi ông đi máy bay, một hành khách ngồi cùng hàng đã yêu cầu đổi chỗ”.

Tuy nhiên, những điều đó không khiến ông Abe từ bỏ sự nghiệp chính trị. Trong vòng vài năm sau đó, ông lại được bầu làm thủ tướng Nhật Bản với chiến thắng vang dội. Tạp chí Time cũng bầu chọn ông Abe là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2014. Trên trang bìa tờ Economist, Thủ tướng Shinzo Abe được mô tả như một “siêu nhân chính trị”.

Từng có tất cả nhưng rồi tuột mất, ông Abe đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ khi đứng lên từ nơi vấp ngã và đi vào lịch sử chính trường Nhật Bản.

Ấn tượng về một vị chính trị gia đặc biệt

Những gì ông Abe làm được là vô cùng hiếm hoi trên chính trường, đặc biệt là ở Nhật Bản, nơi sự hổ thẹn có thể giết chết một con người. Trong cuộc phỏng vấn với Foreign Affairs, Thủ tướng Shinzo Abe đã chia sẻ những điều ông học được từ giai đoạn khó khăn này:

“Trong lần làm thủ tướng trước, tôi không dành ưu tiên cho chương trình nghị sự của mình. Tôi háo hức hoàn thành mọi việc ngay lập tức và kết quả là chính quyền của tôi sụp đổ trong sự thất bại. Sau khi từ chức, tôi dành 6 năm đi khắp đất nước để làm một việc đơn giản là lắng nghe. Ở đâu tôi cũng nghe thấy người dân than vãn về tình trạng mất việc làm do giảm phát kéo dài và tiền tệ mất giá. Người ta còn chẳng hy vọng gì vào tương lai. Vì thế, chính phủ mới của tôi sẽ ưu tiên loại bỏ giảm phát và xoay quanh nền kinh tế Nhật Bản”.

Tờ Wall Street Journal cũng nhắc tới ông Abe sau khi trở lại thành lãnh đạo LDP 5 năm sau cuộc khủng hoảng tưởng như không có lối thoát. Tờ báo Mỹ mô tả đây là sự trở lại tuyệt vời trên chính trường Nhật Bản trong bối cảnh quốc gia này ngày càng tụt hậu so với Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi toàn cầu.

“Abe đã lấy lại sự phục hồi trong chính trị không giống với bất cứ ai ở đất nước Mặt trời mọc kể từ sau Thế chiến II. Ông trở lại từ sự tủi hổ với thông điệp mới và sự cộng hưởng về một nước Nhật mạnh mẽ hơn. Nhật Bản của ông Abe đang mang trong mình cả sự tự tin và mâu thuẫn, chịu nhiều chấn động của tình trạng giảm phát kéo dài trong khi đối đầu với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ”, Washington Post viết.

Nước Nhật sau cuộc bầu cử Hạ viện

Về mặt kinh tế, các chuyên gia nhận định, thắng lợi của Thủ tướng Abe cũng đồng nghĩa với sự tăng trưởng và sự ổn định của nền kinh tế Nhật Bản.

Và đối với giới tài chính, điều này có nghĩa là một trong những thử nghiệm chính sách tiền tệ táo bạo nhất trên thế giới sẽ tiếp tục diễn ra. Giới đầu tư tin tưởng rằng chính phủ mới sẽ sớm bật đèn xanh cho lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản để kích thích nền kinh tế. Chiến thắng áp đảo của liên minh cầm quyền ngay lập tức đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Tokyo.

Trong vòng 15 phút đầu tiên sau khi bắt đầu phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 199,76 điểm lên 224.26 điểm, tương đương 1,05%. Trước đó, vào ngày 20-10, dự đoán khả năng thắng lớn của liên minh cầm quyền, các nhà đầu tư đã đổ xô mua cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Tokyo, giúp cho thị trường này có 14 phiên liên tiếp chỉ số Nikkei 225 tăng, lập kỷ lục chuỗi tăng điểm dài nhất trong vòng gần 57 năm qua.

Trong phiên giao dịch sáng 23/10, đồng USD vọt tăng 0,45%, lên 114.05 yen, mức cao nhất kể từ ngày 11/7.

Chiến thắng của ông Abe được đông đảo nhà đầu tư Nhật Bản hoan nghênh. Cổ phiếu của các công ty xuất khẩu hưởng lợi nhờ đồng JPY suy yếu. Cụ thể, Nissan cộng 1,44%, Mitsubishi Motor và Sony lần lượt tăng 2,34% và 1,13%. Trong khi đó,chỉ số Topix cũng tăng 0,84%.

Phát biểu trong một cuộc họp báo sau thắng lợi tại cuộc bầu cử Hạ viện, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với 2 thách thức, đó là mối đe doạ quân sự từ Triều Tiên và vấn đề già hóa dân số.

Trước mắt, Nhật Bản sẽ theo đuổi một đường lối ngoại giao quyết liệt và mạnh mẽ; đồng thời gây áp lực lớn hơn để Triều Tiên sớm từ bỏ chương trình phát triển tên lửa hạt nhân. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sớm triển khai tích cực các bước nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc trong quá khứ.

Là bên thất bại trong Thế chiến II, Nhật Bản hiện không được duy trì quân đội ngoài lực lượng nhỏ để tự vệ. Hiện tại, chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh và quốc phòng của Nhật Bản là quân đội Mỹ đồn trú. Tuy nhiên, dưới thời Thủ tướng Abe, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang ngày càng có vai trò lớn hơn.

Đối với thách thức về vấn đề già hóa dân số, Thủ tướng Abe cam kết, chính phủ của ông sẽ đưa ra một gói giải pháp mang tính toàn diện vào cuối năm nay để giải quyết thực trạng này, bao gồm giải pháp về đầu tư cho giáo dục, cải tiến năng suất và cải cách hệ thống lương hưu…

Như vậy, nước Nhật đang đứng trước nhiều thách thức và người Nhật sẽ còn mong đợi nhiều hơn vào các chính sách, những cải tổ mới trong giai đoạn cầm quân của Thủ tướng Shinzo Abe.