Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội ở Việt Nam

Hà Phương

Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian qua, tại nhiều doanh nghiệp, đơn hàng sụt giảm đã tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập của doanh nghiệp và người lao động. Bối cảnh đó đã phần nào tác động đến công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp đồng bộ, để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết, chi trả chế độ, đảm bảo quyền lợi cho khoản 69,7 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT.
Ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết, chi trả chế độ, đảm bảo quyền lợi cho khoản 69,7 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT.

Kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Lường trước những yếu tố ảnh hưởng của hậu COVID-19 đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người lao động, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã chủ động thực hiện các giải pháp để đảm bảo không để sụt giảm mạnh số người tham gia BHXH, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2023, Lãnh đạo BHXH Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt BHXH các tỉnh, thành phố tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế.

Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu với tỉnh ủy, hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT); đặc biệt là các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Trong đó, tập trung ban hành các nghị quyết, chương trình hành động thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; tham mưu, đề xuất đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHXH, BHYT vào nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; có cơ chế đặc thù hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngoài mức quy định của Nhà nước; phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT tại địa phương đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Cùng với đó, ngành BHXH Việt Nam cũng kịp thời xây dựng các kịch bản chỉ đạo, điều hành phù hợp, nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ năng vận động, tuyên truyền phát triển người tham gia; linh hoạt áp dụng các hình thức thu, nộp tiền đóng trực tiếp hoặc trên Cổng Dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia, tổ chức dịch vụ thu và cơ quan BHXH; duy trì việc tổ chức các hội nghị trực tuyến để đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Nhờ sự phối hợp của cấp ủy chính quyền địa phương và sự nỗ lực của toàn ngành BHXH Việt Nam, nên đến hết tháng 5/2023, cả nước có khoảng 17,47 triệu người tham gia BHXH, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào công tác thu BHXH của ngành BHXH Việt Nam. Theo đó, số thu của BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 178.772 tỷ đồng.

Ngành BHXH Việt Nam đã kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho các đối tượng thụ hưởng. 5 tháng đầu năm, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết 26.014 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 547.989 người hưởng các chế độ BHXH một lần; giải quyết 3.638.974 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 376.023 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết, chi trả chế độ, đảm bảo quyền lợi cho khoản 69,7 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, tương ứng số tiền 47.466 tỷ đồng.

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH thời gian qua cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức như: Chính sách BHXH hiện hành còn chưa hấp dẫn, chưa khuyến khích được người có nhu cầu và có khả năng tài chính, nhưng chưa được luật hóa để tham gia; Số người nhận BHXH một lần tiếp tục tăng cao. Một trong những thách thức khác là tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi Quỹ BHXH, Quỹ BHYT còn xảy ra ở nhiều địa phương.

Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH trong 5 tháng đầu năm 2023 tuy có tăng, nhưng mới chỉ đạt 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia. Tỷ lệ này vẫn còn thấp khi còn tới hơn 62% chưa tham gia BHXH. Qua thực tiễn triển khai cho thấy, mặc dù ngành BHXH đã triển khai nhiều giải pháp để tăng diện bao phủ BHXH, nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng đề ra.

Thực hiện linh hoạt các giải phápmở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, cụ thể:

Một là, rà soát, hoàn thiện Luật BHXH (sửa đổi), trong đó quy định giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới xuống còn 10 năm; tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện. Bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt nhằm tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hai là, tăng cường tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH để người dân, người lao động hiểu rõ về những lợi ích khi tham gia BHXH, từ đó hạn chế số người rút BHXH một lần. Xây dựng “kịch bản” truyền thông chi tiết theo từng nhóm đến tận xã, phường và triển khai các giải pháp truyền thông có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác truyền thông.

Ba là, phối hợp tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT vào nghị quyết của hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã; tham mưu kế hoạch, nội dung giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ BHXH, BHYT.

Bốn là, phân công, giao trách nhiệm theo dõi đơn vị sử dụng lao động, các tổ chức dịch vụ thu cho từng lãnh đạo và cán bộ trong ngành BHXH Việt Nam để đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động nộp đủ số tiền phát sinh phải thu trong tháng và số tiền chậm đóng của những tháng trước; đôn đốc, tổ chức dịch vụ thu hoàn thành chỉ tiêu đã cam kết với cơ quan BHXH.

Đến hết tháng 5/2023, cả nước có khoảng 17,47 triệu người tham gia BHXH, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào công tác thu BHXH của ngành BHXH Việt Nam. Theo đó, số thu của BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 178.772 tỷ đồng.

Năm là, thực hiện linh hoạt về hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với các doanh nghiệp chưa đăng ký đóng, đóng BHXH, BHYT không đầy đủ; doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên; kiên quyết xử phạt đối với các hành vi vi phạm. Kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH, BHYT.

Sáu, tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; mở rộng, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành; nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số, nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi của các đơn vị, DN và người dân khi giao dịch với cơ quan BHXH

Bảy là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý đối tượng trong việc rà soát, lập danh sách tham gia BHYT bảo đảm kịp thời, phấn đấu đạt 100% người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên tham gia BHYT; phối hợp với cơ quan tài chính các cấp tham mưu với UBND hỗ trợ thêm phần trách nhiệm phải đóng của người tham gia, đặc biệt là người tham gia thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội ở Việt Nam - Ảnh 1

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023