Thực trạng và giải pháp quản lý nhà nước về kinh tế biển

Nguyễn Thị Thanh - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển với lợi thế về địa chính trị, địa kinh tế khi nằm trên bờ Biển Đông, nơi tuyến hàng hải sôi động của thế giới chạy qua, có biển, vùng bờ biển và hải đảo phong phú tài nguyên. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về kinh tế biển, thông qua việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế biển. Bài viết nhận diện những vấn đề còn hạn chế trong quản lý nhà nước về kinh tế biển, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế biển ở Việt Nam.

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế biển

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định: “Phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải, du lịch biển, đảo.

Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển, đảo một cách bền vững. Tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế ven biển”. Đến nay, cơ sở pháp lý cao nhất liên quan đến kinh tế biển là Luật Biển Việt Nam 2012, trong đó, chương IV có 5 điều quy định về phát triển kinh tế biển.

Ngày 12/12/2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 459/NQ-UBTVQH14 về tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tiếp đó, ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW), với mục tiêu cụ thể về kinh tế biển là: “Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 6/02/2020 thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, ngày 5/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về việc ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; trong đó, xác định rõ mục đích, yêu cầu, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần thực hiện đến năm 2025 và đến năm 2030, kèm theo Danh mục 51 đề án, dự án, nhiệm vụ giao các bộ, ngành, địa phương phải triển khai trong từng giai đoạn.

Ngày 18/5/2020, Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 647/QĐ-TTg, trong đó, xác định rõ quan điểm là: “Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển phải bảo đảm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia, dân tộc Việt Nam...”

Thực trạng quản lý nhà nước về kinh tế biển hiện nay

Là quốc gia ven biển, Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km, có diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km 2, rộng gấp 3 lần diện tích đất liền và có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo và quần đảo khác. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển (trong đó có 10 tỉnh, thành phố có hải đảo, quần đảo), với tổng diện tích 208.560 km2, chiếm 41% diện tích cả nước và 51,2 triệu người, chiếm gần một nửa dân số Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia biển mạnh. Kinh tế biển và ven biển đóng góp tỷ lệ lớn vào tổng sản phẩm quốc nội, là nguồn thu ngoại tệ mạnh phục vụ phát triển đất nước. Đồng thời, việc phát triển kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia.

Thực trạng quản lý nhà nước về kinh tế biển thời gian qua cho thấy, nhận thức về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo được nâng lên. Các cảng hàng không, cảng biển, phát triển dịch vụ du lịch, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản… được chú trọng, tập trung đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển, đảo được cải thiện rõ rệt, nhất là các công trình điện lưới quốc gia nối với các đảo lớn, các cảng biển, trung tâm nghề cá phục vụ đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó biến đổi khí hậu. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ven biển và hải đảo được cải thiện.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong năm 2022, mặc dù hoạt động hàng hải chịu nhiều tác động của dịch COVID-19, song tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 vẫn đạt hơn 733,18 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Trong đó, hàng nội địa đạt 342,79 tấn, tăng 12% so với năm 2021. Riêng khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2022 ước đạt 25,09 triệu TEUs, tăng 5% so với năm 2021.

Hiện nay, cả nước có 19 khu kinh tế ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845 nghìn ha; có 330 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần 97 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65,9 nghìn ha. Cùng với sự phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, đã hình thành các dịch vụ xã hội, nhà ở cho chuyên gia, nhà quản lý, người lao động. Tỷ lệ đô thị hóa của 28 tỉnh, thành phố ven biển đạt khoảng 39,49%, cao hơn bình quân cả nước (37,5%).

Bên cạnh đó, xác định phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng liên kết, hình thành 4 vùng kinh tế ven biển gồm: Vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh-Ninh Bình); vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ (Thanh Hóa-Bình Thuận); vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa-Vũng Tàu-TP. Hồ Chí Minh); vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang-Kiên Giang).

Đến nay, Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động được mạng lưới 10 trong tổng số 16 khu bảo tồn biển và các vườn quốc gia có hợp phần bảo tồn biển tại Việt Nam gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc; 6 khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch, đó là: Hòn Mê, Hải Vân-Sơn Trà, Phú Quý, Nam Yết, Cô Tô, Đảo Trần. Đồng thời, các dự án khai thác điện gió, điện mặt trời phát triển mạnh ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam. Các dự án điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên cùng với các dự án điện gió ven biển tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)… triển khai và bước đầu hoạt động hiệu quả.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những thành tựu nổi bật và những nỗ lực tổ chức thực hiện, hiện nay, quản lý nhà nước về kinh tế biển ở Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, thách thức:

Một là, nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân chưa đầy đủ, quy mô kinh tế còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu các ngành nghề trong các lĩnh vực kinh tế biển chưa hợp lý.

Hai là, kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Các cảng biển, các khu kinh tế, sân bay ven biển còn nhỏ bé, chưa hình thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn…

Ba là, các phương tiện, thiết bị nghiên cứu khoa học biển và hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu thực tế; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… ở ven biển còn nhỏ, trang thiết bị thô sơ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Bốn là, tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững, do ý thức chấp hành của ngư dân còn yếu kém dẫn tới việc khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển đảo còn diễn ra khá phổ biến.

Năm là, hệ sinh thái môi trường biển bị ô nhiễm và biến đổi theo chiều hướng xấu. Thực tế tại các vùng phát triển kinh tế biển cho thấy, ngày càng có nhiều chất thải chưa qua xử lý từ các lưu vực sông đổ ra biển; một số khu vực ven bờ bị ô nhiễm, hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện với cường độ ngày càng nhiều hơn trên quy mô rộng.

Sáu là, biển, đảo và vùng ven biển nước ta chủ yếu được quản lý theo ngành thông qua hệ thống luật pháp và chính sách ngành. Phương thức quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo chậm được thể chế hóa. Điều này dẫn đến sự chồng chéo về quản lý trong các luật và chính sách ngành hiện có, hiệu lực thực thi pháp luật thấp.

Giải pháp trong thời gian tới

Để đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế biển, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, tiềm năng của kinh tế biển và sự cần thiết của phát triển kinh tế biển ở Việt Nam.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia chất lượng cao, cần ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo, đào tạo lại nghề cho người dân, bảo đảm nhu cầu lao động của các ngành kinh tế biển.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế biển, tăng cường liên kết giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương trong phát triển kinh tế biển.

Thứ tư, cần đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; chủ động thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến từ các nước phát triển; ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển các huyện đảo, xã đảo tiền tiêu, xa bờ; xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng biển, đảo, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế biển mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế biển. Theo đó, cần chú trọng vào hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác và bảo tồn tài nguyên biển; chú trọng hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế biển bền vững. Hình thức hợp tác theo hướng đa dạng, linh hoạt gồm cả hợp tác song phương và đa phương.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Chấp hành Trung ương (2018), Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ tám khóa XII về về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;
  3. Quốc hội (2013), Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH13 ngày 21/6/2012;
  4. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 về việc Ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
  5. Vũ Quang Quyền, Ma Đức Hân (2021), Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/824127/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-tuyen-truyen-ve%C2%A0chien-luoc-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-viet-nam.aspx.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023