Tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế để thu hút các dự án thương mại xanh

Nguyễn Nhung (t/h)

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh chủ động thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế để thu hút các dự án thương mại xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam xác định phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió ngoài khơi là nhiệm vụ quan trọng trong việc chuyển đổi năng lượng.
Việt Nam xác định phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió ngoài khơi là nhiệm vụ quan trọng trong việc chuyển đổi năng lượng.

Thời gian qua, để hướng tới chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đã triển khai các giải pháp chuyển đổi năng lượng sạch bền vững đang góp phần giảm thiểu năng lượng nhập khẩu và giảm phụ thuộc nguồn năng lượng hóa thạch.

Trong đó, năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng... là những giải pháp cần ưu tiên phát triển.

Việt Nam xác định phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió ngoài khơi là nhiệm vụ quan trọng trong việc chuyển đổi năng lượng và thực hiện cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Theo Ngân hàng Thế giới, thực hiện lộ trình phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ phải cần đầu tư tương đương 6,8% GDP/năm, hoặc 368 tỷ USD đến năm 2040. Để đáp ứng được nguồn tài chính này, các kênh huy động chính sẽ từ khu vực tư nhân, khu vực công và nguồn vốn bên ngoài.

Hướng tới phát triển bền vững, chuyển đổi xanh được coi là giải pháp hữu hiệu giúp nước ta xử lý hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế và việc giảm nguy cơ môi trường, hệ sinh thái bị tàn phá.

Tuy nhiên, chuyển đổi xanh là một quá trình lâu dài và tốn kém, đòi hỏi nhiều nguồn lực cả về nhân lực được đào tạo, tài chính và công nghệ.

Để giải bài toán về tài chính, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong việc thu hút các dự án thương mại xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kinh tế tuần hoàn đã được nội luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu với cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014 hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Cùng với việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện giảm phát thải thông qua chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực, mà tiêu biểu là chuyển đổi năng lượng.

Nêu định hướng phát triển chuyển đổi xanh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, việc Chính phủ thông qua Quy hoạch điện VIII với định hướng phát triển mạnh năng lượng tái tạo cho thấy, quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng 0.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành tiêu chí xanh cho các ngành kinh tế; trên cơ sở đó, có các công cụ về tài chính xanh, tín dụng xanh... Đây là động lực về chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất xanh, tăng trưởng xanh”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

Nhấn mạnh về những thách thức trong ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, mặc dù Việt Nam là nước đang phát triển và đang trong quá trình chuyển đổi số, nhưng cam kết cùng chung tay trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quyết tâm này đã được thể hiện rõ qua cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26, việc thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và gần đây nhất là việc thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030.

Sau Hội nghị COP26, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới mong muốn phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Một số tập đoàn lớn đang tiến hành nghiên cứu, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam…