Tỉnh Bình Dương:

Tổ chức kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản địa phương

Theo Báo Bình Dương

Mặc dù các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần phục hồi, tuy nhiên sức mua thị trường vẫn ở mức thấp, giá bán nông sản giảm đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Diễn đàn “Kết nối tiêu thụ nông sản Bình Dương” tổ chức mới đây là cơ hội để các cơ quan quản lý chuyên ngành có cơ sở tham mưu UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ.

Nông nghiệp của tỉnh Bình Dương chủ yếu sản xuất tập trung theo các hợp tác xã, trang trại… sức cung ứng cho thị trường rất lớn. Ảnh: TP
Nông nghiệp của tỉnh Bình Dương chủ yếu sản xuất tập trung theo các hợp tác xã, trang trại… sức cung ứng cho thị trường rất lớn. Ảnh: TP

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Trước ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh COVID-19, chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi giảm giá, tồn hàng cục bộ. Giá thịt gia cầm hơi và heo hơi vẫn ở mức thấp, các công ty, cơ sở chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn. Giá cả một số mặt hàng nông sản như rau các loại, trái cây có múi bị tồn ứ và giá bán giảm từ 30 - 40%.

Tập đoàn Emivest với hai nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (TX.Tân Uyên và Khu công nghiệp Bàu Bàng) được thiết kế và sử dụng những kỹ thuật tiên tiến từ Thụy Sĩ cho tổng công suất lên đến 720 tấn/ năm. Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam, cho biết công ty hiện có nhà máy sản xuất cám, thuốc thú y, giống nuôi gà, heo với năng lực cung cấp cho thị trường khá lớn.

“Nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp nông nghiệp bị lỗ chủ yếu là do lưu thông hàng hóa bị đứt gãy, thị trường tiêu thụ hẹp lại nhưng không đáng kể. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành lập Tổ công tác 970 để kết nối cung cầu là hết sức ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Nhiều đối tác mới đã biết nhau qua diễn đàn, qua đó tạo ra một cơ hội hợp tác giữa hai bên”, ông Phương cho biết.

Ông Đoàn Minh Chiến - chủ trang trại Chiến Thắng (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên), chia sẻ do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 nên bưởi, măng cụt từ trang trại gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, giá thành giảm mạnh, có lúc giảm tới 50 - 60%.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT, Tổ công tác 970 và ngành nông nghiệp Bình Dương đã hỗtrợsản xuất, kết nối cung cầu vàtiêu thụnông sản của tỉnh triển khai bán hàng tại 20 điểm. Lượng hàng cung ứng hàng ngày khoảng 6 tấn rau củ quả, 300 - 350kg thịt, 27.000 trứng/điểm; đồng thời tổ chức các chuyến xe bán hàng lưu động tại các huyện, thị, thành phố.

Ngoài ra, Tổ công tác 970 và ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại triển khai kênh bán lẻ online trên Facebook/Zalo, giao hàng trực tiếp đến các đầu mối; hỗ trợ tiêu thụ nông sản tồn cục bộ với 150 tấn chuối, 250 tấn dưa lưới, 250 tấn bưởi, 50 tấn rau, 90 tấn nấm bào ngư.

Tiềm năng cần khai thác

Hiện toàn tỉnh Bình Dương có tổng đàn heo hơn 880.000 con, tổng đàn gà gần 8,4 triệu con và hơn 10.000 ha cây ăn trái. Xác định nông nghiệp công nghệ cao là lợi thế cạnh tranh, toàn tỉnh có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 96% đàn gia cầm, 65% đàn gia súc và 4.500 ha diện tích trồng trọt. Nông nghiệp của tỉnh chủ yếu sản xuất theo các hợp tác xã, trang trại… sức cung ứng cho thị trường là rất lớn.

Tỉnh đang có số lượng lớn trái cây gồm bưởi, cam, quýt, dưa lưới, ổi, nhãn và nhiều mặt hàng sản phẩm nông sản chế biến, thịt gia súc, gia cầm, trứng... cần kết nối tiêu thụ. Riêng ở Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên) mỗi năm cung cấp khoảng 1.000 tấn bưởi da xanh và bưởi đường lá cam, 150 tấn dưa lưới…

Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương , cho rằng hướng trang trại tới nông nghiệp hữu cơ là một cách làm mới. Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch, dự kiến trình lên UBND tỉnh vào tháng 11- 2021. Ngoài ra, Sở NN&PTNT đã phối hợp xây dựng bản đồ vùng trồng, gắn với các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Ngành nông nghiệp Bình Dương cam kết phối hợp chặt chẽ với đầu mối thông tin, khảo sát các cơ sở hợp tác xã đủ điều kiện xuất khẩu trên địa bàn, phối hợp xúc tiến thương mại với Sở Công thương.

Bà Ngô Tường Vy - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Chánh Thu, cho biết khoảng hơn 1 năm trước, công ty đã về làm việc với Bình Dương để nghiên cứu đưa trái bưởi xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Theo bà Vy, vùng nguyên liệu bưởi của Bình Dương khá tập trung nên có thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu, có thể cạnh tranh tốt. “Sau dịch, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Sở NN&PTNT để liên kết tiêu thụ bưởi da xanh, bưởi đường lá cam. Đây là những sản phẩm thị trường châu Âu, Mỹ rất ưa chuộng”, bà Ngô Tường Vy chia sẻ thêm.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, tiềm năng nông sản tỉnh Bình Dương có nhiều lợi thế phát triển, chưa kể đến tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Ông Trần Thanh Nam hy vọng Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai cấp mã số vùng trồng, đáp ứng được các tiêu chuẩn GAP, phấn đấu đến năm 2025 trở thành điểm đến tin tưởng của các doanh nghiệp bán lẻ, xuất khẩu, các đối tác ký kết bao tiêu sản phẩm. Ông Trần Thanh Nam cũng gợi ý về việc kết nối các sản phẩm nông sản tiêu thụ tại các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương.

 Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương: Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh đã phối hợp tổ chức diễn đàn trực tuyến “Kết nối tiêu thụ nông sản Bình Dương” có ý nghĩa rất quan trọng, là nơi để người sản xuất giới thiệu những sản phẩm ưu tú, chất lượng. Đồng thời, người sản xuất lắng nghe yêu cầu của thị trường để điều chỉnh quá trình sản xuất, tiếp tục cải tiến, để cung ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng hơn, tính cạnh tranh cao hơn. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý chuyên ngành của tỉnh trực tiếp trao đổi hướng dẫn hỗ trợ cả bên sản xuất lẫn bên thu mua, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.