TP. Hồ Chí Minh: Kiểm tra các container có nguy cơ cao

Theo baohaiquan.vn

Với lưu lượng container hàng hóa XNK tại khu vực TP. Hồ Chí Minh rất lớn, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã thành lập đơn vị kiểm soát container cảng biển (PCU-TPHCM) nhằm xác định, lựa chọn và kiểm tra các container có nguy cơ cao.

Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái. Nguồn: PV.
Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái. Nguồn: PV.

Kiểm soát container có nguy cơ cao

Theo Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh, thực hiện chương trình kiểm soát container (CCP) theo Thư thỏa thuận giữa Bộ Tài chính với Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên Hợp quốc (UNODC), Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh đã thành lập đơn vị kiểm soát container cảng biển nhằm xác định, lựa chọn và kiểm tra các container có nguy cơ cao. 

PCU-Tp. Hồ Chí Minh được thành lập theo mô hình của đơn vị làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, áp dụng cùng lúc các biện pháp quản lý rủi ro tiên tiến kết hợp với hoạt động kiểm soát chống buôn lậu nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát container tại các cảng biển thuộc địa bàn quản lý của Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh. 

Nhóm có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý thông tin và triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát cảng nhằm phòng, chống tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa cấm tại khu vực cảng biển thuộc Tp. Hồ Chí Minh. Trọng tâm là các loại hàng hóa ma túy, động vật hoang dã, vũ khí, hàng hóa lưỡng dụng, hàng thuộc danh mục cấm XK, cấm NK… 

Các thành viên của PCU-Tp. Hồ Chí Minh đã được đào tạo cơ bản, nâng cao theo quy trình chung do UNODC và WCO xây dựng và được bố trí nơi làm việc, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ để tác nghiệp. 

CCP bắt đầu thực hiện từ năm 2004 tại 4 cảng thí điểm ở Ecuador, Ghana, Senegal và Pakistan. Đến nay, có 44 quốc gia đã triển khai chương trình này và 10 quốc gia được tài trợ từ UNODC. Ngoài việc tài trợ về tài chính, các quốc gia và cơ quan hải quan được hỗ trợ bằng việc cung cấp các chuyên gia, giảng viên tập huấn cho cán bộ thực thi tại cửa khẩu.

Mục tiêu của CCP là thiết lập đơn vị kiểm soát container (PCUs) để xác định, lựa chọn và kiểm tra các container có nguy cơ cao; thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức của cán bộ thực thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thương mại hợp pháp; tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quốc gia thẩm quyền; hợp tác khu vực, quốc tế giữa các đơn vị kiểm soát container và các cảng không tham gia (các cảng châu Âu, Úc và Canada…)

CCP phân tích thông tin từ dữ liệu của chuỗi cung ứng như: Bản lược khai hàng hóa, vận đơn tàu biển (trước khi tàu đến, trước khi tàu đi); tờ khai hải quan về nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh; hệ thống xác định tự động (CTS); thông tin tình báo và nguồn tin mở…

Tại Việt Nam, CCP thành lập và hoạt động theo Thư thỏa thuận giữa Bộ Tài chính với Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên Hợp quốc (UNODC). Theo đó, các đơn vị hải quan đã thành lập PCU gồm: Cục Hải quan Hải Phòng (2015), Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu (2016); Cục Hải quan TP.HCM và Đà Nẵng (2018).

Mở rộng phạm vi áp dụng

Tại Cục Hải quan TP.HCM, các thành viên PCU được tuyển chọn từ các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục, đã qua các khóa đào tạo kiểm soát container của UNODC, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Ông Huỳnh Nam, Đội trưởng Đội kiểm soát phòng, chống ma túy, thành viên nhóm PCU Tp. Hồ Chí Minh cho biết, do số lượng container vào cảng TP.HCM là rất lớn, để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị PCU-Tp. Hồ Chí Minh trong công tác phân tích, sàng lọc những container có nguy cơ cao, ngày 15/11/2018, UNODC đã phối hợp với Tổng cục Hải quan và PCU Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai cài đặt phần mềm lập hồ sơ rủi ro (Risk Profiler) để phân tích nhanh thông tin rủi ro trước khi hàng đến, hàng đi.

Risk Profiler có thể hỗ trợ giảm đến 90% thời gian phân tích thông tin trên e-Manifest đường biển thông qua các chức năng chính: ghép vận đơn đầu tiên và vận đơn thứ cấp, xử lý thông tin hàng hóa, định danh hàng hóa thường gặp, xác định nước xếp hàng và vị trí địa lý liên quan, liệt kê các đối tượng rủi ro cơ bản, phân tích và phát hiện các container sai số hiệu, truy vết tàu biển và container, lọc thông tin theo từng tiêu chí, thiết lập và phân tích luồng xanh/đỏ…

Tiện lợi của phần mềm Risk Profiler là có dung lượng nhỏ, tốc độ xử lý nhanh và không yêu cầu đầu tư phần cứng máy tính. Đây là sản phẩm chính thức do đơn vị PCU Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu thiết kế và ra mắt vào tháng 5/2017. Đến tháng 10/2017, phần mềm được sử dụng tại Cục Hải quan Hải Phòng, góp phần giảm thiểu khối lượng công việc và thời gian xử lý cho các thành viên PCU hiện đang làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Dự kiến, UNODC và WCO sẽ đưa phần mềm này vào áp dụng cho Hải quan một số nước trên thế giới như: Thái Lan, các nước thuộc châu Phi và một số quốc gia khác.

Trong thời gian tới, khi hệ thống một cửa quốc gia đường hàng không được triển khai hoàn chỉnh, phần mềm Risk Profiler có thể được xây dựng bổ sung thêm các chức năng để có thể hỗ trợ phân tích và chặn bắt đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không.