Triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cần thiết

Minh Hà

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2023 theo sát dự toán được giao, triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cần thiết.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để bảo đảm thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt dự toán Quốc hội giao.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để bảo đảm thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt dự toán Quốc hội giao.

Đây là nội dung chỉ đạo của Chính phủ nêu tại Nghị quyết số 164/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 vừa được ban hành.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để bảo đảm thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt dự toán Quốc hội giao.

Thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số… và chống thất thu thuế, đặc biệt đối với dịch vụ ăn uống, hoạt động kinh tế ban đêm. Điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2023 theo sát dự toán được giao, triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cần thiết.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành. Đối với các chính sách có hiệu lực hết năm 2023, Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu, rà soát, xem xét, kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền gia hạn trong trường hợp cần thiết để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 trong năm 2024, trình Chính phủ trong tháng 10/2023.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp gần nhất...

Ngoài các nội dung trên, Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính chủ trì thống nhất với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương liên quan về số chi từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 bố trí cho 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc theo chỉ đạo của Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp vào báo cáo đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 để trình Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2023.

Trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương về các chính sách phí, lệ phí khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến (như: thu phí, lệ phí 0 đồng hoặc giảm 50% phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thời gian áp dụng đến hết năm 2025), Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.