Trung Quốc cho phép xử lý các khoản nợ bằng tiền điện tử


Bất chấp lệnh cấm toàn diện của Trung Quốc đối với tài sản kỹ thuật số, quy định về lĩnh vực tiền điện tử của nước này đã tiếp tục phát triển với nhiều điểm mới.

Trung Quốc có động thái thay đổi lập trường đối với tài sản kỹ thuật số.
Trung Quốc có động thái thay đổi lập trường đối với tài sản kỹ thuật số.

Cụ thể, trong một bản báo cáo của Wu Blockchain vào ngày 7/5 cho biết, Tòa án tối cao của Trung Quốc gần đây đã đưa ra hướng dẫn về các tranh chấp liên quan đến tiền điện tử, đồng thời nói rằng việc giải quyết một khoản nợ bằng một lượng nhỏ tài sản kỹ thuật số sẽ được coi là hợp pháp nếu cả hai bên đồng ý. Mặc dù tiền điện tử có các thuộc tính ảo của mạng, nhưng cách tiếp cận này sẽ được phép nếu không có lý do hợp lệ nào khác chống lại nó.

Tòa án tối cao cũng làm rõ: “Nếu một bên đồng ý chuyển tiền điện tử sang bên khác, nhưng bên nhận không thể hoàn thành thỏa thuận do hạn chế chính sách, tòa án sẽ xác định khoản bồi thường dựa trên giá trị thực của tài sản được chấp nhận khi hai bên ký kết hợp đồng”.

Diễn biến mới nhất này cho thấy lập trường thay đổi của Trung Quốc đối với tài sản kỹ thuật số và có thể có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà đầu tư tiền điện tử.

Từ lâu, Trung Quốc luôn được biết đến là quốc gia có chính sách kiểm soát chặt với tiền điện tử, nhưng sự quan tâm của các nhà đầu tư vẫn tăng lên đáng kể trong những tháng gần đây. Sự quan tâm được nhấn mạnh trong một báo cáo vào cuối năm 2022 với ghi nhận, Trung Quốc được xếp hạng trong số 10 quốc gia hàng đầu về chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu.

Điều đó thể hiện, Trung Quốc đang thừa nhận sự quan tâm ngày càng tăng đối với tài sản kỹ thuật số. Theo một báo cáo trước đây của Finbold, quốc gia này đã thực hiện tính thuế thu nhập cá nhân 20% đối với lợi nhuận đầu tư từ tiền điện tử và với những người khai thác Bitcoin (BTC).

Mặc dù quan điểm trấn áp hay nới lỏng tiền điện tử tại Trung Quốc đại lục còn chưa thực sự rõ ràng, thì Hồng Kông được đánh giá là khu vực đang dần tiến bộ trong việc chấp nhận lĩnh vực này. Một số ngân hàng trực thuộc nhà nước Trung Quốc ngày càng mở nhiều tài khoản để phục vụ khách hàng tiền điện tử ở Hồng Kông hơn. Đơn cử như CPIC Investment Management - một công ty do Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn - đã ra mắt hai quỹ tiền điện tử vào tháng 4 tại đây.

Giám đốc điều hành Global Shipping Business Network Hồng Kông - Bertrand Chen - cũng chia sẻ, Hồng Kông đã thiết lập một truyền thống mới, theo đó mỗi tháng 4 sẽ được gọi là “Tháng Web3”, với lịch sự kiện dày đặc về Web3 trong tháng 4 vừa qua. Mọi người đều nói Hồng Kông phải nỗ lực hơn nữa trong việc cạnh tranh với Singapore trong việc thân thiện với tiền điện tử hơn, nhưng rõ ràng hai khu vực này đang đi theo những con đường khác nhau.

Cụ thể, Singapore đã đặt cược vào việc trở thành một trung tâm số hóa thương mại toàn cầu. Vào năm 2021, đây là một trong những quốc gia đầu tiên cập nhật luật cho phép chứng từ thương mại điện tử. Hay có một số sáng kiến như TradeTrust, SGTraDex và Sáng kiến tiêu chuẩn kỹ thuật số ICC, nhằm mục đích đảm bảo Singapore sẽ tiếp tục phát triển trong một thế giới thương mại số hóa.

Trong khi đó, Hồng Kông dốc toàn lực vào Web3 với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý tài chính, Cơ quan tiền tệ và Ủy ban chứng khoán & Hợp đồng tương lai.  “Thành phố tràn ngập những cuộc nói chuyện về mã thông báo tài sản thực, tài sản ảo và mã thông báo không thể thay thế (NFT). Ngược lại, Singapore thì đang xem xét lại các kế hoạch tài sản kỹ thuật số của mình sau một năm đầy khó khăn đối với tiền điện tử, mà đỉnh điểm là sự sụp đổ của FTX xảy ra.

Ngày nay, Dubai và Hồng Kông đang nhanh chóng nổi lên như hai trung tâm Web3 toàn cầu duy nhất tăng tốc phát triển. Tăng gấp đôi lượng truy cập vào Web3 có thể là cú hích mà Hồng Kông cần để duy trì mức độ phù hợp toàn cầu của mình trong nhiều thập kỷ tới”, Bertrand Chen - vị CEO bày tỏ sự lạc quan.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Cointelegraph vào ngày 5/5, CEO CPIC Investment Management - Chenggang Zhou - cho rằng, suốt thời gian vừa qua, Chính phủ Hồng Kông đã rất cố gắng để quảng bá Web3 và tiền điện tử, nhưng điều đó không ngụ ý bất kỳ thay đổi nào trong các quy định quản lý của đại lục hoặc thái độ của chính phủ Trung Quốc đối với lĩnh vực này.

Thực tế, Chính phủ Trung Quốc vẫn đang có những biện pháp cứng rắn đối với lĩnh vực tài chính của họ, nên việc nới lỏng quyền kiểm soát cho việc sử dụng tiền điện tử ở Trung Quốc là không dễ dàng.

Theo Diễm Ngọc/Diendandoanhnghiep.vn