Cảnh báo gia tăng hành vi phạm tội mới trên môi trường số

Mai Hoài

Tại Việt Nam hiện nay, cùng với Cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường tài chính trong nước đã xuất hiện nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới như tiền ảo, tiền điện tử, mô hình cho vay ngang hàng (P2P)… Sự nở rộ của các phương thức thanh toán điện tử mặc dù mang lại nhiều tiện ích cho xã hội, nhưng lại khó kiểm soát và dễ bị biến tướng, ẩn chứa nguy cơ trở thành mảnh đất màu mỡ để tội phạm ngắm tới.

Tiền ảo là sự thể hiện giá trị dưới dạng điện tử mà giá trị này có thể giao dịch, mua bán, trao đổi bằng phương thức điện tử và có chức năng trung gian trao đổi, thước đo giá trị và tích luỹ giá trị nhưng không được công nhận là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp tại bất kỳ quốc gia nào. Tiền ảo không được phát hành và đảm bảo bởi bất kỳ quốc gia nào và thực hiện các chức năng trên chỉ bằng thoả thuận trong nhóm cộng đồng người sử dụng tiền ảo.

Lừa đảo tiền ảo tại Việt Nam thường gắn với mô hình đa cấp biến tướng, dùng tiền của người tham gia sau trả lãi cho người tham gia trước. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng thường rất tinh vi: Trước tiên, đồng tiền ảo do chúng tự phát hành và tự định giá.

Hiện nay, trên thị trường thế giới hiện tồn tại khoảng 3.000 loại tiền ảo. Chỉ một vài trong số đó đủ phổ biến như Bitcoin (nổi tiếng nhất), Ethereum, Litecoin, Monero, Dogecoin, Ripple... Trong đó, Liberty Reserve là một trong các loại tiền ảo thuộc loại 3, đã gây rung động thế giới trong thời gian qua với tội danh rửa tiền lớn nhất của nước Mỹ từ trước đến nay. Liberty Reserve thực chất là công cụ rửa tiền cho thế giới ngầm, trang web này hiện nay đã bị đánh sập. Ở Việt Nam thì có Bảo Kim, Ngân Lượng, Gamebank... từng bị lợi dụng là những công cụ trong giao dịch chuyển tiền để thực hiện các hành vi đánh bạc qua mạng (liên quan đến các vụ án đánh bạc và cá độ online). Ngoài ra, còn có hàng loạt đồng tiền ảo đã du nhập vào Việt Nam như Bitcoin, Onecoin, ILCOIN, Gemcoin, Octa… Sự xuất hiện các loại tài sản mã hóa, các phương tiện thanh toán mới… kèm theo là sự gia tăng của các dạng vi phạm và tội phạm mới trên môi trường số.

Lừa đảo tiền ảo tại Việt Nam thường gắn với mô hình đa cấp biến tướng, dùng tiền của người tham gia sau trả lãi cho người tham gia trước. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng thường rất tinh vi: Trước tiên, đồng tiền ảo do chúng tự phát hành và tự định giá. Để che giấu hành vi huy động tài chính trái phép, chúng yêu cầu người chơi dùng tiền mặt mua một loại đồng tiền kỹ thuật số có giá trị như đồng Bitcoin, rồi đổi tiếp sang đồng tiền ảo trên sàn giao dịch của chúng. Ngoài ra, việc giao dịch từ tiền mặt sang tiền ảo chủ yếu bằng hình thức trao tay tại các quán cà phê, không hề có giấy tờ biên nhận. Sau khi chuyển tiền mặt thì nhà đầu tư nhận lại bằng ví tiền điện tử…

Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới các loại tiền ảo cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…) vì tiền ảo có tính ẩn danh, hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.

Nghị định số 80/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11//2012 về thanh toán không sử dụng tiền mặt, đã quy định tiền ảo là phương tiện thanh toán không hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, sử dụng tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán sẽ bị xử lý theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/10/2014 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Ngoài ra, theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, từ ngày 01/01/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 21/7/2017, Ngân hàng Nhà nước có Công văn 5747/NHNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ thông báo về việc không công nhận đồng Bitcoin cũng như đồng tiền ảo khác là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời cơ quan này có văn bản cấm các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán; các tổ chức tín dụng không được sử dụng Bitcoin và các loại tiền tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Mặc dù vậy, đến nay ở nước ta vẫn chưa có một khung pháp lý nào hoàn chỉnh chính thức quy định hay điều chỉnh về vấn đề tiền ảo, vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để khai thác những lợi ích và ứng phó những mặt trái mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại là một yêu cầu tất yếu. Khung pháp lý liên quan đến tiền ảo khi được hoàn thiện sẽ hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan, phòng ngừa hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực này.