Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam

PV.

Đào tạo, bồi dưỡng về phòng, chống rửa tiền là một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố bởi suy cho cùng con người là nhân tố quan trọng nhất, quyết định “sự thành bại” của cuộc chiến này. Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để xây dựng được đội ngũ đủ mạnh cả về chất lượng lẫn số lượng trong bối cảnh phòng, chống rửa tiền ngày càng đối mặt với nhiều thách thức trước càng thủ đoạn tinh vi ở quy mô đa quốc gia.

Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 31/2014/TT-NHNN ngày 11/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền, thì hàng năm, tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên trách hoặc bán chuyên trách phòng, chống rửa tiền và cán bộ, nhân viên được giao nhiệm vụ liên quan đến giao dịch tiền, tài sản với khách hàng về nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền.

Đồng thời, phải đào tạo nhân viên mới tuyển dụng dự kiến đảm trách nhiệm vụ phòng chống rửa tiền và các nhiệm vụ khác liên quan đến giao dịch tiền, tài sản với khách hàng kiến thức, nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền trong vòng 6 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền tối thiểu phải bao gồm: Quy định của pháp luật và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền - trách nhiệm pháp lý khi không thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền; Phương thức, thủ đoạn rửa tiền; Rủi ro rửa tiền liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, nhiệm vụ mà cán bộ, nhân viên được giao thực hiện.

Ngay khi Luật Phòng chống rửa tiền và các nghị định, thông tư hướng dẫn được ban hành, thì công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về phòng, chống rửa tiền đã được các đơn vị liên quan quan tâm và chú trọng tổ chức. Trong đó, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

Cụ thể, hàng năm, Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng phối hợp với Cục Phòng chống rửa tiền và các NHNN chi nhánh các tỉnh tổ chức tập huấn về công tác phòng chống rửa tiền cho các cán bộ ngân hàng, qua đó, nâng cao kỹ năng nhận biết khách hàng, phát hiện và báo cáo giao dịch đáng ngờ, xử lý được tình huống phát sinh liên quan đến công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, phòng ngừa rủi ro, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả…

Bên cạnh đó, Cục Chống khủng bố (Bộ Công an) chủ động phối hợp với Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC) tổ chức khóa đào tạo cơ bản về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cho cán bộ chiến sĩ đến từ công an nhiều đơn vị, địa phương của cả nước. Qua đó, giúp mỗi học viên nắm rõ hơn  về mục đích của rửa tiền và khủng bố, từ đó có cách thức thực hiện kỹ thuật điều tra cơ bản đối với loại tội phạm trên, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn chiến đấu, trên từng địa bàn, khu vực cụ thể…

Trong thời gian tới, nhằm xây dựng được đội ngũ đủ mạnh cả về chất lượng lẫn số lượng trong bối cảnh phòng, chống rửa tiền ngày càng đối mặt với nhiều thách thức với thủ đoạn tinh vi và mang tính toàn cầu, cần tiếp tục công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn, nâng cao chất lượng nội dung, đặc biệt chú trọng gắn các thủ đoạn rửa tiền trong sự phát triển của kỹ thuật công nghệ.

Các buổi học có thể gắn kết với những buổi học tập chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế, chẳng hạn như về các mô hình kiểm tra giám sát hiệu quả về phòng chống rửa tiền trên thế giới. Ngoài ra, bên cạnh các nội dung được đề cập tại Thông tư số 31/2014/TT-NHNN, cần mở rộng thêm về các xu hướng, thủ đoạn mới; Kỹ năng nghi ngờ, nhận biết và thẩm định các rủi ro; Kỹ năng khai thác thông tin phục vụ cho việc đánh giá các yếu tố rủi ro; Đưa ra các tình huống, bối cảnh và các ví dụ thực tế…