Gợi mở giải pháp phòng, chống rửa tiền trong kỷ nguyên số

PV.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các giao dịch tài chính quốc tế ngày càng đa dạng, cùng với sự phát triển của công nghệ mới, đột phá đã đặt ra nhiều thách thức cho các tổ chức tín dụng Việt Nam trong việc đảm bảo tuân thủ các yêu cầu pháp luật về phòng, chống rửa tiền (PCRT) hiện tại và trong tương lai.

Nhằm gợi mở các xu hướng PCRT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Công ty PwC Việt Nam - Công ty tư vấn, cung cấp dịch vụ quản trị rủi ro, nhất là rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng tổ chức Tọa đàm “Phòng, chống rửa tiền (PCRT) thời đại công nghệ số” tại Hà Nội. Mục đích nhằm cập nhật các quy định PCRT hiện hành từ đại diện NHNN Việt Nam và chia sẻ chuyên sâu từ góc nhìn quốc tế và khu vực của các chuyên gia PwC về PCRT trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Thông tin tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục PCRT thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết: Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về PCRT và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 – 2020 (ban hành kèm Quyết định số 2112/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ), NHNN (Cục PCRT) đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện hàng loạt hành động, đạt được những chuyển đổi đáng ghi nhận về khung Pháp lý PCRT, hướng dẫn các đối tượng có liên quan triển khai các quy định về PCRT tiệm cận với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả của công tác PCRT, rất cần đến sự chủ động và tích cực tham gia của các NHTM trong toàn hệ thống.

Chung quann điểm “PCRT là một lĩnh vực cần đến sự phối hợp chặt chẽ trong hệ thống ngân hàng”, ông Richard Major, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Tội phạm Tài chính khu vực Đông Nam Á của Công ty PwC Việt Nam khẳng định, các hoạt động rửa tiền thường rất phức tạp. Mỗi ngân hàng riêng lẻ sẽ chỉ nhìn được một phần của bức tranh tổng thể mà thôi. Phải thông qua hợp tác với cơ quan quản lý và các ngân hàng khác thì bức tranh toàn cảnh mới được hé mở và công tác PCRT mới có thể nâng cao được hiệu quả.

Không chỉ dừng lại ở mức độ tuân thủ để đảm bảo uy tín của ngân hàng” mà theo ông Grant Dennis, Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam thì việc tăng cường năng lực PCRT sẽ giúp các ngân hàng nâng cao chất lượng hoạt động và giảm thiểu rủi ro khi tham gia vào các giao dịch thanh toán toàn cầu. Do vậy, các NHTM Việt Nam cần tăng cường các chương trình nhận thức về PCRT và có các chế tài thực sự nghiêm khắc đối với các vi phạm về rửa tiền.

Nhận diện những thách thức mà công tác PCRT của Việt Nam sẽ phải đối diện trong kỷ nguyên số, các chuyên gia của Công ty PwC Việt Nam cũng đã đưa ra các xu hướng PCRT và trọng tâm hướng đến của các cơ quan quản lý trên toàn cầu; Kết quả khảo sát về gian lận và tội phạm kinh tế trên toàn cầu năm 2018 của Công ty PwC Việt Nam và các bài học liên quan…

Cùng với đó, các chuyên gia còn cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn góp phần giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác PCRT và tài trợ khủng bố tại các tổ chức tín dụng Việt Nam; Đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện khung pháp lý về PCRT và tài trợ khủng bố; Thảo luận về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại công nghệ số để công tác này được thuận lợi, tiết kiệm, chính xác và hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục PCRT thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết: Trên cơ sở các tồn tại, hạn chế mà Việt Nam đã và đang gặp phải, NHNN đã chỉ ra các nguyên tắc và định hướng chỉnh sửa Luật PCRT trong giai đoạn tới như sau: Chỉnh sửa phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, đồng bộ với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam; Xóa bỏ những quy định không cần thiết, không phù hợp với thực tế; Xác định rõ cơ quan PCRT của NHNN theo quy định của Luật là cơ quan nào để đảm bảo thống nhất trong quá trình tổ chức triển khai các quy định về PCRT cũng như thẩm quyền ký kết quy chế trao đổi thông tin với các cơ quan PCRT trong nước và nước ngoài…