Những điều cần biết về báo cáo phòng, chống rửa tiền

PV. (t/h)

Về những vấn đề liên quan tới báo cáo và thời hạn lưu giữ hồ sơ liên quan đến phòng, chống rửa tiền (PCRT), Tạp chí Tài chính nhận được khá nhiều câu hỏi từ các độc giả quan tâm. Với sự phối hợp, hỗ trợ tư vấn của các chuyên gia pháp luật trong lĩnh vực PCRT, Tòa soạn gửi tới bạn đọc câu trả lời cụ thể đối với từng trường hợp như sau:

Bạn đọc hỏi: Việc báo cáo về phòng, chống rửa tiền được thực hiện bằng những hình thức nào?

Trả lời: Điều 25 của Luật PCRT năm 2012 quy định hình thức báo cáo như sau:

- Đối tượng báo cáo gửi tệp dữ liệu điện tử hoặc báo cáo bằng văn bản khi chưa thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin tương thích phục vụ cho yêu cầu gửi tệp dữ liệu điện tử đối với các báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Trong trường hợp cần thiết, đối tượng báo cáo có thể báo cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử, nhưng phải bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu thông tin báo cáo và phải xác nhận lại bằng một trong hai hình thức quy định tại khoản 1 Điều này.

- Đối với báo cáo giao dịch đáng ngờ, đối tượng báo cáo phải gửi kèm hồ sơ mở tài khoản đối với các giao dịch thực hiện thông qua tài khoản, thông tin nhận biết khách hàng, các chứng từ và tài liệu khác liên quan đến giao dịch đáng ngờ, các biện pháp phòng ngừa đã thực hiện.

Bạn đọc hỏi: Thời hạn báo cáo và thời hạn lưu giữ hồ sơ liên quan đến phòng, chống rửa tiền được quy định như thế nào?

Trả lời: Thời hạn báo cáo được quy định tại Điều 26 Luật PCRT năm 2012 như sau:

- Đối với giao dịch có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điện tử, đối tượng báo cáo phải: Báo cáo hàng ngày đối với hình thức báo cáo gửi tệp dữ liệu điện tử; Báo cáo trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày phát sinh giao dịch đối với hình thức báo cáo bằng văn bản hoặc các hình thức báo cáo khác.

- Đối với báo cáo giao dịch đáng ngờ, đối tượng báo cáo phải báo cáo trong thời gian tối đa là 48 giờ, kể từ thời điểm phát sinh giao dịch; trường hợp phát hiện giao dịch do khách hàng yêu cầu có dấu hiệu liên quan đến tội phạm thì phải báo cáo ngay cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về thời hạn lưu giữ hồ sơ, báo cáo Điều 27 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012 quy định như sau: Đối tượng báo cáo có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ giao dịch của khách hàng ít nhất 5 năm, kể từ ngày phát sinh giao dịch; hồ sơ về nhận biết khách hàng, chứng từ kế toán và các báo cáo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Luật PCRT năm 2012 kèm chứng từ, tài liệu liên quan ít nhất 5 năm, kể từ ngày kết thúc giao dịch hoặc ngày đóng tài khoản hoặc ngày báo cáo.

Bạn đọc hỏi: Trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin được quy định tại Điều 28 của Luật PCRT năm 2012 như sau:

- Đối tượng báo cáo phải cung cấp kịp thời hồ sơ, tài liệu lưu trữ và các thông tin liên quan cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này hoặc khi được yêu cầu.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ báo cáo hoặc cung cấp thông tin theo quy định của Luật này không bị coi là vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm bí mật tiền gửi, tài sản gửi, thông tin về tài khoản, thông tin về giao dịch của khách hàng.