Vinachem đã trả hết khoản vay 250 triệu USD cho dự án điện đạm Ninh Bình

Gia Hân

Theo ông Nguyễn Hữu Tú - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), trong tháng 8/2023, Vinachem đã hoàn thành việc trả toàn bộ số nợ vay cho Bộ Tài chính khi thực hiện dự án điện đạm Ninh Bình (trước đó Bộ Tài chính vay từ ngân hàng của Trung Quốc) với tổng số tiền là 340 triệu USD (bao gồm cả 250 triệu USD nợ gốc).

Năm 2022, Vinachem đã đạt lợi nhuận ở mức cao nhất kể từ khi thành lập tập đoàn đến nay với mức lợi nhuận 6.200 tỷ đồng.
Năm 2022, Vinachem đã đạt lợi nhuận ở mức cao nhất kể từ khi thành lập tập đoàn đến nay với mức lợi nhuận 6.200 tỷ đồng.

Tại Tọa đàm "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và Hướng tới”, ngày  26/9, ông Nguyễn Hữu Tú cho biết:  Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình (Dự án Đạm Ninh Bình) do Vinachem làm chủ đầu tư, khởi công tháng 5/2008, có tổng mức đầu tư 667 triệu USD từ nhiều nguồn (vốn tự có, vốn vay, vốn hỗ trợ của địa phương…), trong đó riêng khoản vay từ ngân hàng China Eximbank của có trị giá 250 triệu USD với thời hạn vay 15 năm (2008-2023).

Phó tổng giám đốc Vinachem cho hay, từ khi đi vào hoạt động năm 2012, Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ (lỗ hơn 7.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng). Tính đến ngày 31/12/2021, Nhà máy điện đạm Ninh Bình còn nợ 12.000 tỷ đồng, trong đó 80% là nợ gốc (khoảng 9.600 tỷ đồng), 20% là nợ lãi (khoảng 2.400 tỷ đồng). Năm 2021 và nửa đầu năm 2022, Nhà máy điện đạm Ninh Bình đã hoạt động có lãi trở lại, nhưng do lỗ lớn từ những năm trước, nên nhà máy vẫn chìm trong nợ.

Tuy nhiên, theo đại diện Vinachem, 2022 là năm mà đơn vị này “ăn nên làm ra” nhờ điều kiện thuận lợi từ thị trường bên ngoài. Năm 2022, Vinachem đã đạt doanh thu và lợi nhuận ở mức cao nhất kể từ khi thành lập tập đoàn đến nay với mức doanh thu đạt 62.023 tỷ đồng, lợi nhuận 6.200 tỷ đồng, xuất khẩu trên 500 triệu USD (tăng 17% so với 2021).

Ngoài ra, tại Toạ đàm, ông Nguyễn Hữu Tú còn cho biết, để có được kết quả này, Vinachem đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ban ngành. Đặc biệt là vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng tác động rất lớn tới thành công của tập đoàn. Khi đối mặt với những khó khăn, cụ thể là lúc chuỗi cung ứng phân bón bị đứt gãy, ban lãnh đạo đã họp với Ủy ban để tìm phương hướng giải quyết.

Ngoài sự chỉ đạo đến từ Ủy ban, tập đoàn còn chủ động liên hệ với ngân hàng để tháo gỡ tài chính; kết nối với địa phương để nhận được sự hỗ trợ trong việc khai thác, sản xuất; hợp tác với các doanh nghiệp khác thuộc Ủy ban để bảo đảm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Xét về yếu tố nội tại của doanh nghiệp, Phó tổng giám đốc Nguyễn Hữu Tú nhấn mạnh, tập đoàn cũng đã rà soát các khâu trong quá trình sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh… Không chỉ vậy, doanh nghiệp cũng đã cố gắng hoàn thành đề án tái cơ cấu và xử lý các khoản nợ.

Đồng thời, không thể phủ nhận rằng tập đoàn đã được hưởng nhiều thuận lợi từ yếu tố khách quan thị trường. Việc dịch COVID-19 kết thúc và nền kinh tế hồi phục đã giúp ngành nông nghiệp có những bước tiến đáng kể. Gần đây, thị trường cũng đang có những chuyển biến tích cực khi “được mùa, được giá”. Trước bối cảnh trên, tập đoàn đã xây dựng các kịch bản để tận dụng cơ hội phát triển.

 

Theo đại diện Vinachem, kết thúc năm 2022, Nhà máy điện đạm Ninh Bình cũng ghi nhận mức lãi gần 800 tỷ đồng.