Xác định rõ quyền và nhiệm vụ của DATC

PV.

Nghị định số 129/2020/NĐ-CP của Chính phủ được đánh giá là bước đổi mới tăng thêm quyền, trách nhiệm cơ chế hoạt động cho Công tty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Ngày 04/6/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 42/2021/TT-BTC tiếp tục cụ thể quyền và nghĩa vụ của DATC.

DATC được áp dụng các hình thức huy động vốn để mở rộng kinh doanh theo quy định của pháp luật; được thực hiện mua nợ, bán nợ; mua, bán tài sản theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
DATC được áp dụng các hình thức huy động vốn để mở rộng kinh doanh theo quy định của pháp luật; được thực hiện mua nợ, bán nợ; mua, bán tài sản theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Tại Thông tư số 42/2021/TT-BTC về việc Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC, Bộ Tài chính nêu rõ, DATC thực hiện các quyền của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nghị định số 129/2020/NĐ-CP, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và các quyền như sau:

DATC có tổ chức bộ máy quản lý, kinh doanh phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ Nhà nước giao; Được thành lập Chi nhánh, Trung tâm, Văn phòng đại diện, đơn vị hạch toán độc lập, phụ thuộc của Công ty phù hợp với yêu cầu hoạt động kinh doanh và quy định của pháp luật sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính; Thành lập các Ban chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu hoạt động kinh doanh của Công ty;

Cùng với đó, DATC được quyền tuyển, thuê, bố trí, sử dụng, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật đối với người lao động, lựa chọn các hình thức trả lương, thưởng, quyết định mức lương theo hiệu quả hoạt động và các quyền khác của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Luật lao động và các quy định khác của pháp luật. Đồng thời, được phép cử cán bộ của Công ty ra nước ngoài công tác, học tập, khảo sát theo quy định của pháp luật.

DATC được quyền kinh doanh các lĩnh vực phù hợp với ngành nghề đăng ký doanh nghiệp và nhiệm vụ Nhà nước giao; mở rộng quy mô kinh doanh theo khả năng và nhiệm vụ từng thời kỳ theo chiến lược phát triển kinh doanh được chủ sở hữu phê duyệt phù hợp với quy định của pháp luật. Được sử dụng vốn và các quỹ hợp pháp của Công ty để kinh doanh theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn; sử dụng nguồn vốn của Công ty để mua nợ, tài sản cho mục đích kinh doanh.

DATC được áp dụng các hình thức huy động vốn để mở rộng kinh doanh theo quy định của pháp luật; được thực hiện mua nợ, bán nợ; mua, bán tài sản theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải tổ chức theo dõi riêng để xác định rõ kết quả thực hiện.

Ngoài ra, DATC có quyền sử dụng lợi nhuận để trích lập Quỹ đầu tư phát triển và các quỹ khác theo quy định của pháp luật và Quy chế tài chính của Công ty sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước; Khai thác thông tin, dữ liệu có liên quan để thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng các dữ liệu, thông tin theo quy định của pháp luật;

Mặt khác, DATC có quyền yêu cầu các doanh nghiệp đã sắp xếp, chuyển đổi sở hữu thuộc đối tượng chuyển giao nợ và tài sản loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp thực hiện bàn giao nợ và tài sản kèm theo các tài liệu liên quan khi bàn giao nợ, tài sản; Tham gia với các tổ chức, doanh nghiệp trong việc xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu phục hồi hoạt động cho doanh nghiệp Bên nợ; Sử dụng dịch vụ của bên thứ ba để tham khảo, đánh giá trong hoạt động mua bán, tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản và các hoạt động khác;

Đồng thời, thực hiện nghiên cứu để áp dụng hoặc đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc sửa đổi, ban hành các cơ chế và chính sách liên quan đến mua bán, xử lý nợ và tài sản và các lĩnh vực hoạt động khác liên quan, phù hợp với quy định của pháp luật; Hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế trong lĩnh vực mua bán, xử lý nợ, tài sản và các lĩnh vực khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Cùng với các quyền lợi nêu trên, Bộ Tài chính cũng nêu rõ các nhiệm vụ của DATC trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, DATC phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, DATC phải thực hiện các nhiệm vụ sau: Nhận và sử dụng vốn, đất đai và các nguồn lực khác được nhà nước giao để kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước; Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; Thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và các quy định khác của pháp luật.

Thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán và báo cáo tài chính, báo cáo thống kê, báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu; chịu trách nhiệm về tính xác thực của các báo cáo; Tổ chức quản lý, kiểm soát, điều hành nhằm sử dụng có hiệu quả vốn, các nguồn lực được Nhà nước giao và các nguồn lực khác trong hoạt động của Công ty; Công bố, công khai thông tin tài chính và các thông tin khác về hoạt động của Công ty theo quy định của pháp luật về công bố thông tin của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Đồng thời, DATC phải cung cấp cho khách hàng thông tin có liên quan đến hoạt động mua, bán các khoản nợ, tài sản do Công ty thực hiện theo yêu cầu của khách hàng và phù hợp với quy tắc bí mật kinh doanh của Công ty; Chịu sự giám sát của Nhà nước trong thực hiện các quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương; Quỹ tiền lương, thù lao, Quỹ tiền thưởng; chế độ trả tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và các cán bộ quản lý khác;

DATC chịu sự giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu; tuân thủ các quy định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan tài chính và của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật  và phải thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và được Nhà nước giao.

Bên cạnh đó, DATC phải thực hiện nghĩa vụ đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các pháp luật có liên quan.