Xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng

Hà Anh

Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 1746/TXHQ-TXNK gửi Công ty TNHH điện tử và máy móc Steel Flower Hải Phòng để hướng dẫn về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ thì hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu nhưng không sử dụng hoặc hàng hóa nhập khẩu đã sử dụng để sản xuất nhưng không xuất khẩu sản phẩm thì không được miễn thuế nhập khẩu.

Theo đó, người nộp thuế phải đăng ký tờ khai hải quan mới và kê khai, nộp thuế với cơ quan hải quan theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới, trừ trường hợp làm quà biếu, quà tặng theo quy định.

Tại khoản 4 Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ thì phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất xuất khẩu khi chuyển tiêu thụ nội địa được miễn thuế nhập khẩu, người nộp thuế không phải làm thủ tục hải quan nhưng phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan thuế theo quy định của pháp luật thuế. 

Theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 11 Điều 17 Thông tư số 38/2015/TT- BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì hàng hóa chưa qua sử dụng tại Việt Nam, có thay đổi mục đích sử dụng so với mục đích đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế (hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng để bán).

Trị giá hải quan là trị giá khai báo được xác định trên cơ sở giá thực tế bán; trường hợp cơ quan hải quan có căn cứ xác định trị giá khai báo không phù hợp thì xác định trị giá hải quan theo phương pháp xác định trị giá quy định tại Thông tư số 60/2019/TT-BTC, phù hợp với thực tế hàng hóa.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra giá tính thuế là giá bán chưa có thuế giá trị giá tăng.

Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa có thuế giá trị giá tăng; đối với hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường là giá bán đã có thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế giá trị gia tăng; đối với hàng hóa vừa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa chịu thuế bảo vệ môi trường là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế giá trị gia tăng.

Căn cứ các quy định trên, trường hợp hàng hóa nhập khẩu sản xuất xuất khẩu là nguyên liệu, vật tư dư thừa trong quá trình sản xuất chuyển tiêu thụ nội địa thì trị giá hải quan là trị giá khai báo được xác định trên cơ sở giá thực tế bán.

Trường hợp cơ quan hải quan có căn cứ xác định trị giá khai báo không phù hợp thì xác định trị giá hải quan theo phương pháp xác định trị giá quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế hàng hóa.

Về việc khai thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa (loại hình A42) được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.

Trường hợp hàng hóa là phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất xuất khẩu chuyển tiêu thụ nội địa thì giá tính thuế được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.