Xu hướng điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng tại các nước trên thế giới

Hồ Ngọc Tú - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính

Thuế giá trị gia tăng (VAT) là sắc thuế áp dụng đối với tiêu dùng hầu hết các hàng hoá, dịch vụ và đóng vai trò quan trọng trong nguồn thu ngân sách tại các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia phát triển trong thời gian qua đưa ra các chính sách nhằm tăng đóng góp nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng trong tổng thu ngân sách nhà nước, trong khi các nước phát triển như Trung Quốc thì giảm dần thuế suất thuế giá trị gia tăng. Kinh nghiệm xây dựng chính sách thuế giá trị gia tăng tại các nước cho thấy, Việt Nam có thể áp dụng quy định một mức thuế giá trị gia tăng phổ thông, đồng thời có một số ưu đãi về thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ các mục tiêu chính sách của Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xu hướng điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng tại các nước trên thế giới

Thuế giá trị gia tăng là sắc thuế không chỉ đánh vào việc bán hàng cho người tiêu dùng cuối cùng mà còn áp dụng cho tất cả các giao dịch trước đó trong chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thuế giá trị gia tăng sử dụng cơ chế khấu trừ, theo đó các doanh nghiệp có quyền khấu trừ thuế giá trị gia tăng đã trả cho đầu vào kinh doanh (thuế giá trị gia tăng đầu vào) đối với thuế giá trị gia tăng thu được trên doanh thu (thuế giá trị gia tăng đầu ra).

Do đó, trên thực tế thuế giá trị gia tăng chỉ đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Việc áp dụng thuế giá trị gia tăng tại các khâu sản xuất tiêu dùng cung ứng sản phẩm tại các nước trên thế giới hiện nay giúp khuyến khích sự tuân thủ tự nguyện thuế vì mỗi doanh nghiệp có động lực nhận hóa đơn từ người bán để họ có thể yêu cầu khấu trừ thuế giá trị gia tăng khi mua hàng của mình và từ đó cũng giảm tỷ lệ trốn thuế.

Thuế giá trị gia tăng là một trong những sắc thuế tiêu dùng và hiện nay trở thành nguồn thu ngân sách nhà nước chính tại hơn 160 quốc gia trên thế giới và ước chiếm khoảng trung bình 30% tổng thu ngân sách các quốc gia trên thế giới. Tính theo GDP, nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế giá trị gia tăng chiếm khoảng 4% GDP tại các nước đang phát triển thu nhập thấp và chiếm khoảng 7% GDP tại các nước đang phát triển. Do thuế giá trị gia tăng là nguồn thu chính nên các chính sách đổi mới về sắc thuế này điều được nghiên cứu, tranh luận nhiều ở các quốc gia về tính công bằng, hợp lý về các cải cách thuế giá trị gia tăng. Xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là tỷ trọng thuế giá trị gia tăng trong tổng thu ngân sách nhà nước ngày càng tăng. Theo nghiên cứu thì trung bình ở các quốc gia trên thế giới khi chính phủ tăng thuế giá trị gia tăng thêm 1% thì thu ngân sách nhà nước sẽ gia tăng tương ứng với mức khoảng 0,4% GDP.

Tại các quốc gia, nền kinh tế phát triển thì xu hướng cải cách thuế giá trị gia tăng là tăng dần thuế suất thuế giá trị gia tăng trong dài hạn nhằm đóng góp cho tăng thu ngân sách và giảm hụt thu ngân sách nhà nước từ các sắc thuế khác. Chẳng hạn, thuế suất thuế giá trị gia tăng phổ thông tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trung bình từ mức 15,6% năm 1975 lên 18,1% năm 2000, 19,2% năm 2015 và 19,3% năm 2020. Đa phần các nước có thuế suất thuế giá trị gia tăng cao trên 20% là các quốc gia ở khu vực châu Âu (Hy Lạp, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Ba Lan, Italia…). Tại các nước phát triển hiện nay, với thuế suất thuế giá trị gia tăng dao động từ 5% ở Canada, 7,7% ở Thụy Sĩ, mức thuế suất trung bình là 10% ở Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc và mức thuế suất cao là 25% ở Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển và 27% ở Hungary.

Việc các nước phát triển có xu hướng tăng thuế giá trị gia tăng là do áp lực về ngân sách nhà nước khi nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng do khủng hoảng kinh tế và tài chính gây ra đặc biệt là sau giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việc tăng thuế suất tiêu chuẩn thuế giá trị gia tăng đã đóng một vai trò quan trọng vì việc tăng nguồn thu bổ sung từ thuế giá trị gia tăng thay vì từ các loại thuế khác (chẳng hạn như thuế đánh vào thu nhập) thường được xem là hiệu quả hơn và ít gây bất lợi cho tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp hơn so với thuế thu nhập (Jens Matthias Arnold, 2011).

Từ tháng 1/2009 đến tháng 12/2014, 23 quốc gia OECD đã tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng phổ thông ít nhất một lần. Những thay đổi này chủ yếu xảy ra ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) (Cộng hòa Séc, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Ý, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh) và ở một số quốc gia không thuộc EU (Israel, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Thụy Sĩ). Hai quốc gia OECD đã tạm thời hạ mức thuế giá trị gia tăng phổ thông và sau đó tăng trở lại trong giai đoạn này là Iceland và Vương quốc Anh. Hiện nay, khoảng 10 quốc gia OECD đã áp dụng thuế suất thuế GTGT phổ thông trên 22% so với chỉ 4 quốc gia trong năm 2009. Tất cả các quốc gia này đều thuộc Liên minh châu Âu, ngoại trừ Iceland và Na Uy.

Tuy nhiên, việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ năm 2015 đến nay đã không còn tiếp tục và các nước phát triển dần ổn định hệ thống thuế giá trị với mức thuế suất thuế giá trị gia tăng ổn định. Chỉ có 4 quốc gia OECD đã tăng thuế suất giá trị gia tăng phổ thông đó là Hy Lạp (từ 23% lên 24%), Nhật Bản (từ 8% lên 10%) và Luxemburg (từ 15% đến 17%). Trong cùng thời gian, 2 nước OECD đã giảm thuế suất giá trị gia tăng phổ thông là Iceland (từ 25,5% xuống 24%) và Israel (từ 18% xuống 17%).

Bảng 1: Thuế suất thuế giá trị gia tăng các lĩnh vực ở Trung Quốc

Lĩnh vực

Thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng

Hàng hóa thiết yếu (nông sản, nước, khí đốt…)

9%

Cung cấp dịch vụ sửa chữa, thay thế và xử lý

13%

Dịch vụ cho thuê bất động sản hữu hình

13%

Dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông cơ bản, dịch vụ xây dựng, dịch vụ cho thuê bất động sản, mua bán bất động sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất

9%

Dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, dịch vụ tài chính, dịch vụ hiện đại (trừ dịch vụ cho thuê), dịch vụ tiêu dùng, mua bán tài sản vô hình (trừ quyền sử dụng đất)

6%

Nguồn: PricewaterhouseCoopers

Bảng 2: Thuế suất thuế giá trị gia tăng của một số quốc gia năm 2022

TT

Quốc gia

Thuế suất phổ thông

Thuế suất khác

1

Hàn Quốc

10%

 

2

Nhật Bản

10%

8%

3

Thái Lan

10%

(hiện đang áp dụng mức 7% đến ngày 30/9/2023)

 

4

Singapore

7% (dự kiến lên 8% trong năm 2023 và 9% năm 2024)

 

5

Indonesia

11% (kể từ ngày 01/4/2022)

 

6

Malaysia

Thuế bán hàng: 10%

Thuế dịch vụ: 6%

 

7

Ấn Độ

18%

5%;28%

8

Australia

10%

 

9

Bỉ

21%

6%; 12%

10

Pháp

20%

2,1%; 5,5%; 10%

11

Đức

19%

7%

Nguồn: https://taxsummaries.pwc.com

 

Đối với các nước đang phát triển như Trung Quốc, chính sách thuế giá trị gia tăng lần đầu tiên được áp dụng và đi vào thực hiện vào năm 1994. Theo đó, Trung Quốc áp dụng thu thuế giá trị gia tăng đối với hầu hết các hàng hoá và dịch vụ. Đồng thời, miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu, các hàng hoá phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục. Ngoài ra, nước này cũng điều chỉnh chính sách thuế giá trị gia tăng theo hướng giảm dần thuế suất thuế giá trị gia tăng phổ thông từ mức 17% trong giai đoạn đầu áp dụng thuế giá trị gia tăng xuống còn 16% trong năm 2018 và 13% từ năm 2019 đến nay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, Trung Quốc áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng phổ thông và thuế suất thuế giá trị gia tăng ở một số lĩnh vực cụ thể khác.

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lan rộng, một số quốc gia đã ưu đãi thuế giá trị gia tăng tạm thời nhằm hỗ trợ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như áp dụng miễn thuế hoặc giảm thuế suất đối với nguồn cung cấp và nhập khẩu thiết bị y tế và sản phẩm vệ sinh (găng tay, khẩu trang, nước rửa tay…) và ưu đãi thuế đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chưa được miễn thuế giá trị gia tăng hoặc được giảm thuế suất theo quy định thông thường. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu đưa ra lệnh giãn thời hạn nộp thuế thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đối với thiết bị bảo hộ, bộ dụng cụ xét nghiệm và thiết bị y tế như máy thở. Một số quốc gia như Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha áp dụng miễn thuế giá trị gia tăng đối với tài trợ một số vật tư và thiết bị y tế cho bệnh viện.

Các quốc gia hiện nay đang phải đối diện với những vấn đề, thách thức về thuế giá trị gia tăng hiện hữu. Chẳng hạn, để giải quyết với thương mại điện tử xuyên biên giới đang diễn ra hiện nay, các hình thức đăng ký thuế giá trị gia tăng đơn giản đã được giới thiệu cho các nhà cung cấp không cư trú. Để đánh thuế việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số, các nền tảng trực tuyến được cơ quan thuế áp dụng đã trở thành công cụ giúp thu thuế thuế giá trị gia tăng. Qua đó, các công nghệ kỹ thuật số mới cũng đã mang lại thuận lợi cho thực thi chính sách thuế giá trị gia tăng. Trong thời gian tới, các công nghệ về blockchain, tiền kỹ thuật số có thể giúp cho cơ quan quản lý thuế thông tin về các giao dịch mua bán của các chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ một cách đầy đủ. Do đó, áp dụng thuế giá trị gia tăng theo nhiều bước có thể không cần thiết nữa mà các giao dịch này có thể được liên kết với thông tin về các cá nhân về tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ và tiến hành thu thuế trực tiếp đối với người tiêu dùng cuối cùng.

Tác động của việc áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng đồng nhất

Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới áp dụng đồng nhất một mức thuế suất thuế giá trị gia tăng phổ thông. Theo số liệu thống kê của IMF, đa số các nước (47,6%) áp dụng thuế giá trị gia tăng có biểu thuế suất gồm một mức thuế suất (không tính mức thuế suất 0% cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu); 31,7% số nước áp dụng biểu thuế suất thuế giá trị gia tăng với hai mức thuế suất và số còn lại là nhiều hơn hai mức. Phần lớn các nước châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN, chỉ áp dụng một mức thuế suất.

Các nước trên thế giới hiện nay hầu hết áp dụng đồng nhất một mức thuế suất giá trị gia tăng phổ thông và có áp dụng nhiều ưu đãi về thuế giá trị gia tăng dưới hình thức giảm và miễn thuế để hỗ trợ các mục tiêu chính sách của Chính phủ như tăng tính công bằng của hệ thống thuế. Các chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng được hướng tới nhằm giảm bớt gánh nặng thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa và dịch vụ cần thiết (thực phẩm, đồ uống), vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi tiêu của các hộ gia đình có thu nhập thấp. Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng giảm hoặc miễn trừ đối với thuốc men, y tế, giáo dục hay kích thích tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ trong đối tượng ưu tiên (du lịch, văn hoá, các hoạt động sử dụng nhiều lao động…). Tuy nhiên, hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng theo nghiên cứu của OECD (2022) vẫn còn thấp do các hộ gia đình thu nhập cao có xu hướng hưởng lợi nhiều hơn từ việc giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng so với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Chẳng hạn, ưu đãi thuế suất thuế giá trị gia tăng để kích thích việc làm (trong lĩnh vực du lịch hoặc khách sạn), hoặc để hỗ trợ các hoạt động văn hóa sẽ mang lại lợi ích cho các hộ gia đình giàu hơn so với các nhóm có thu nhập thấp.

Đối với tác động của thuế giá trị gia tăng đồng nhất đến lạm phát thì theo nghiên cứu cho các nước EU tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng không phản ánh hết vào giá cả. Tức là khi tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng 1% thì chỉ làm giá cả biến động tăng 0,036% đến 0,76% (K. Yasuyuki, 2021). Nguyên nhân việc thay đổi về giá nhỏ hơn so với mức thuế suất thuế giá trị gia tăng thay đổi là do khi thay đổi thuế giá trị gia tăng sẽ ảnh hưởng đến việc những người sản xuất và bán hàng sẽ thay đổi chất lượng và số lượng sản phẩm được cung ứng và từ đó sẽ trung hoà bớt 1 phần tác động của việc thay đổi thuế giá trị gia tăng lên giá bán.

Đối với tăng trưởng kinh tế quốc gia, khi áp dụng thuế giá trị gia tăng đồng nhất và khi Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng sẽ có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia theo nghiên cứu của cho Bungary, Cộng Hoà séc, Ba Lan và Rô ma ni a (M. Siminonescu, L. Liviu, 2016). Khi áp dụng thuế giá trị gia tăng đồng nhất thì khi ưu đãi thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ có tác động lên mặt bằng tất cả các ngành lĩnh vực trong nền kinh tế, từ đó khuyến khích các hoạt động tiêu dùng, đầu tư trong nền kinh tế, cuối cùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, việc áp dụng thuế giá trị gia tăng ở một mức thuế suất đồng nhất sẽ không khuyến khích người tiêu dùng có động cơ để chuyển tiêu dùng sang các hàng hóa và dịch vụ bị đánh thuế thấp hơn hay hàng hoá, dịch vụ cần khuyến khích. Chẳng hạn, một số hộ gia đình nghèo cần chính phủ hỗ trợ thông qua việc áp dụng miễn giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá, dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng đồng nhất cũng gây ra bất công bằng thu nhập trong xã hội khi tỷ lệ số tiền thuế phải nộp trên thu nhập của người nghèo cao hơn so với người có thu nhập cao.

Do đó, một số quốc gia có các chính sách để giảm sự méo mó của hệ thống thuế giá trị gia tăng bằng cách kết hợp các biện pháp ưu đãi thuế hướng tới người nghèo và hỗ trợ bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, một số các quốc gia cũng thường áp dụng nhiều hình thức giảm, miễn trừ thuế thuế giá trị gia tăng theo các chương trình đặc biệt của Chính phủ. Ngoài mục đích hỗ trợ các đối tượng trong nền kinh tế thì còn giúp việc quản lý thuế trở nên đơn giản hơn, như sử dụng ngưỡng đăng ký tối thiểu dựa trên doanh thu để miễn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng hệ thống thuế giá trị gia tăng theo kinh nghiệm ở các quốc gia trên thế giới đó là quy định một mức thuế giá trị gia tăng phổ thông cho hầu hết các loại hàng hoá, dịch vụ trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, có một số ưu đãi về thuế giá trị gia tăng dưới hình thức giảm và miễn thuế để hỗ trợ các mục tiêu chính sách của Chính phủ như tăng tính công bằng của hệ thống thuế giảm bớt gánh nặng thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa và dịch vụ cần thiết (thực phẩm, đồ uống, thuốc men, y tế, giá dục), vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi tiêu của các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Xu hướng các quốc gia phát triển hiện nay trên thế giới thường áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng cao hơn 10% (trừ Nhật Bản, Canada..) và tăng nhẹ dần thuế suất thuế giá trị gia tăng để tăng thu ngân sách nhà nước bù đắp nguồn hụt thu từ các sắc thuế khác do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế tài chính ảnh hưởng. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có thể cân nhắc giữ ổn định thuế suất thuế giá trị gia tăng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng cũng như giảm gánh nặng chi tiêu lên người thu nhập thấp trong xã hội khi nhiều người dân thu nhập thấp có mức tiêu dùng các hàng hoá, dịch vụ cơ bản trên tổng thu nhập vẫn còn cao.

Ưu đãi thuế giá trị gia tăng cần được nghiên cứu, cân nhắc khi áp dụng trên diện rộng các lĩnh vực vì theo nghiên cứu của OECD (2020) hiệu quả của các ưu đãi về thuế giá trị gia tăng chưa cao do những người có thu nhập cao được hưởng lợi nhiều hơn tầng lớp dân cư có thu nhập thấp. Ngoài mục tiêu khuyến khích tiêu dùng thì mục tiêu hạn chế một số các loại hàng hoá tiêu dùng có thể sử dụng các sắc thuế khác thay thế công cụ thuế giá trị gia tăng như thuế thu nhập, thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tài liệu tham khảo:

  1. OECD (2020). Consumption Tax Trends 2020 : VAT/GST and Excise Rates, Trends and Policy Issues;
  2. Xu Yan (2011). Reforming Value Added Tax in Mainland China: A Comparison with the EU. Revenue Law Journal, Vol 20;
  3. Evans, R. Highfield, B. Tran-Nam, M. Walpole (2020). “Diagnosing the VAT Compliance Burden: A Cross-Country Assessment”. International VAT Monitor, Vol. 31/2;
  4. Jens Matthias Arnold, B. (2011). “Tax policy for economic recovery and growth”. The Economic Journal 121.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023