Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam:

Xử lý nghiêm đối với nhân viên vi phạm đạo đức hành nghề đại lý bảo hiểm

Văn Trường (thực hiện)

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Tài chính, ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, một trong những hạn chế, vướng mắc chính của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) là việc kiểm tra, giám sát chất lượng hoạt động tư vấn sản phẩm bảo hiểm. Để giải quyết vấn đề này, cần có quy đinh về chế tài xử lý nghiêm đối với các nhân viên vi phạm đạo đức hành nghề đại lý bảo hiểm.

Phóng viên: Xin ông cho biết bancassurance đã tạo ra “mảnh ghép” quan trọng cho thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay thế nào?

Ông Ngô Trung Dũng: Kênh phân phối bancassurance bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2001, đến nay đã trở thành kênh phân phối lớn thứ hai sau kênh đại lý truyền thống, với sự tham gia của hầu hết các ngân hàng lớn tại Việt Nam.

Năm 2016, tỷ trọng của doanh thu bảo hiểm nhân thọ qua kênh bancassurance là 5%, đến năm 2019 là gần 17% và hiện nay đã đóng góp trên 20%.

Mô hình hợp tác kinh doanh này giúp các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ tiếp cận được tới nguồn khách hàng lớn của ngân hàng mà không phải xây dựng mạng lưới riêng, các ngân hàng cũng đa dạng hơn “rổ” sản phẩm của mình dành cho khách hàng. Đồng thời, phía khách hàng cũng thuận tiện hơn trong tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm khi đến liên hệ làm việc tại ngân hàng.

Phóng viên: Trong quá trình phát triển của thị trường bancassurance đã phát sinh những vấn đề khó khăn, vướng mắc nào cần các bên chung tay gỡ “nút thắt”, thưa ông?

Ông Ngô Trung Dũng: Mặc dù, đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao trong những năm gần đây, sự non trẻ về kinh nghiệm của ngành Bảo hiểm đã dẫn đến những hạn chế nhất định.

Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

Tôi cho rằng, một trong những hạn chế, vướng mắc chính trong hợp tác giữa DNBH và ngân hàng là việc kiểm tra, giám sát chất lượng hoạt động tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên ngân hàng.

Tuy nhân viên ngân hàng tư vấn bán bảo hiểm đều được đào tạo, có chứng chỉ nghề đại lý bảo hiểm, nhưng như phản ánh của báo chí trong thời gian qua cho thấy, khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm đã bộc lộ rõ một số vấn đề. Chính vì vậy, các bên ngân hàng và DNBH nhân thọ cần chung tay để giải quyết vấn đề này.

Bên cạnh đó, hợp đồng hợp tác giữa hai bên cần có những quy định cho phép DNBH được kiểm tra, giám sát chất lượng tư vấn bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng; cần có quy định về chế tài xử lý nghiêm đối với các nhân viên vi phạm quy định về đạo đức hành nghề đại lý bảo hiểm.

Hợp đồng hợp tác giữa ngân hàng và DNBH cũng cần có những quy định ràng buộc về tiêu chí tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ 2 và coi đây là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá chất lượng hoạt động bancassurance của ngân hàng.

Nếu tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance của một ngân hàng cao hơn nhiều so với mức trung bình của thị trường, thì cần đánh giá lại hoạt động tư vấn bảo hiểm của ngân hàng đó, có các biện pháp giám sát, có chế tài xử lý phù hợp với thực tiễn.

Phóng viên: Có một số ý kiến cho rằng, việc tuyển dụng và đào tạo cấp tốc khiến năng lực của đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm không đảm bảo chất lượng. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Ông Ngô Trung Dũng: Tôi không cho rằng, hiện tại, các DN đang tuyển dụng và đào tạo một cách “cấp tốc”.

Tất cả các DNBH đều tuân thủ đúng quy trình tuyển dụng và đào tạo của Bộ Tài chính về nội dung đào tạo, thời lượng đào tạo; quy trình thi và cấp chứng chỉ đào tạo đều có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của Bộ Tài chính.

Sau khi được cấp chứng chỉ đại lý, các DN vẫn liên tục tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng bán hàng, cập nhật kiến thức mới về sản phẩm, quy định pháp luật, quy định của DN.

Thậm chí, nhiều DN còn quy định chặt chẽ đến mức nếu đại lý không tham gia đủ số buổi đào tạo, tập huấn theo quy định thì sẽ là một trong những yếu tố để DN xem xét không tiếp tục duy trì hợp đồng đại lý.

Phóng viên: Dường như vấn đề truyền thông để giúp người dân hiểu hơn về bảo hiểm và nguyên tắc hoạt động của bancassurance đạt kết quả chưa như kỳ vọng. Để nâng cao nhận thức người tham gia bảo hiểm, giảm thiểu tối đa xung đột giữa khách hàng với DNBH, cần triển khai các giải pháp gì, thưa ông?

Ông Ngô Trung Dũng: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các DNBH tiếp thu ý kiến này. Trong thời gian tới, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông; xây dựng các chương trình truyền thông phù hợp với tình hình thực tiễn để góp phần nâng cao kiến thức cho người dân về bảo hiểm nhân thọ.

Bên cạnh với các giải pháp trên, chúng tôi sẽ thực hiện đa dạng hóa các hình thức truyền thông; phổ biến kiến thức cơ bản về bảo hiểm nhân thọ theo hướng sinh động, dễ hiểu để người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích và nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!