Cần có “cửa” khác cho doanh nghiệp huy động vốn

Tuấn Thủy

Tài sản thế chấp, lãi suất và thủ tục vẫn là rào cản lớn để tiếp cận vốn ngân hàng, do đó doanh nghiệp cần có “cửa” khác để huy động vốn.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại Hội nghị "Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh".
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại Hội nghị "Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh".

Tại Hội nghị "Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh" ngày 28/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, hiện đang là tháng cuối cùng của quý III/2023 và chuẩn bị cho thời điểm 3 tháng cuối cùng của năm 2023, thời điểm mà nhu cầu vốn tín dụng tăng cao để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động của người dân, doanh nghiệp dịp cuối năm…

Tuy nhiên, theo chia sẻ từ các doanh nghiệp, hiệp hội, ngân hàng tại tỉnh Bắc Ninh, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn trong giai đoạn khó khăn do chịu tác động tiêu cực từ các yếu tố đa chiều từ quốc tế tới trong nước. Hiệu quả hoạt động suy giảm do thiếu đơn hàng, thị trường đầu ra, phải cắt giảm lao động, chi phí sản xuất gia tăng khiến lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ, phải thu hẹp lại sản xuất hoặc phải rút lui khỏi thị trường, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm...

Chia sẻ về những khó khăn vướng mắc trong tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Bích Hồng - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Thảo Phát (Hyundai Bắc Ninh) cho biết, kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, tác động đến sản xuất kinh doanh, thu nhập, giá cả nói chung và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói riêng.

Trong khi đó, việc đánh giá yếu tố liên quan đến hồ sơ vay tiền như lịch sử tín dụng, hệ số nợ và khả năng bảo đảm… quá chi tiết. Theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, các chính sách và quy định của Ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp khi vay vốn phải cung cấp báo cáo thuế hoặc báo cáo kiểm toán trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không đáp ứng kịp thời yêu cầu này.

“Tài sản thế chấp, lãi suất vốn và thủ tục vay vốn vẫn là rào cản lớn trong quá trình tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Hồng chia sẻ

Tuy nhiên, bà Hồng cũng thừa nhận, thiếu cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về doanh nghiệp, đặc biệt là các thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dẫn đến thiếu cơ sở cho các tổ chức tín dụng đánh giá, thẩm định trình hồ sơ vay vốn lên các cấp cao hơn.

Theo đó, bà Hồng kiến nghị, cần xây dựng các chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có điều kiện tài chính chưa được tốt để tiếp cận vốn trên thị trường. Khi không thể tiếp cận được vốn ngân hàng, thì vẫn cần có “cửa” khác để huy động được vốn. Bên cạnh đó, giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phù hợp với hoàn cảnh của doanh nghiệp hiện tại...

Ngoài ra, cần đưa các gói hỗ trợ lãi suất đến đúng đối tượng; Cần phải quy định rất rõ trách nhiệm của mỗi bên và có phương án phù hợp; Thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để làm rõ nguyên nhân doanh nghiệp không tiếp cận được vốn tín dụng...

“Doanh nghiệp đang rất cần thêm các chính sách chuyên biệt về cơ chế mang tính đặc thù, chính sách tài chính, nguồn vốn tín dụng ưu đãi... của các hệ thống ngân hàng dành cho các doanh nghiệp. Không chỉ là vốn, lãi suất, mà các chính sách vĩ mô khác, trong đó có thu hút đầu tư, phát triển thị trường vốn, chính sách về thuế, phí... sẽ hỗ trợ rất lớn cho Doanh nghiệp vượt qua giai đoạn sau hậu COVID-19”, bà Hồng nhấn mạnh.