Chiều ngày 3/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Việt Hoàng

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 sẽ được Quốc hội bắt đầu từ chiều nay 3/11 đến hết ngày 5/11. Các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp này là: Xây dựng, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra. Chiều nay, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng, liên quan trực tiếp đến trách nhiệm trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 là xây dựng, nội vụ, thông tin và truyền thông, thanh tra.
Các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 là xây dựng, nội vụ, thông tin và truyền thông, thanh tra.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và Nhân dân, bởi lẽ đây là một phần quan trọng nhằm giải đáp thắc mắc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các vấn đề xã hội của Đất nước.

Các vấn đề đặt ra tại phiên chất vấn đều là những vấn đề thiết thực và ảnh hưởng trực tiếp tới mỗi người dân. Điều mong muốn nhất là sau khi chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành điều chỉnh những vấn đề đang tồn tại và được giải quyết như thế nào sau chất vấn.

Đối với lĩnh vực xây dựng, nội dung chất vấn đang được dư luận quan tâm đến hàng loạt vấn đề đang được đặt ra như: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn; Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP. Hà Nội; Công tác quản lý thị trường bất động sản; Việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản...

Đối với lĩnh vực Nội vụ, các đại biểu quan tâm nhiều đến những quyết sách nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về hỗ trợ chính sách tiền lương cho người lao động, công chức, viên chức, đặc biệt là phải có kế hoạch dài hạn để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp đáp ứng được yêu cầu mới của Đất nước, đặc biệt đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra đó là xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia tự cường, độc lập, phát triển vào năm 2045.

Đối với lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số đã được triển khai rất tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều hạn chế như: Nhân lực chuyên trách về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số bị thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi; Một số cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm triển khai; Tình trạng cuộc gọi rác vẫn gây bức xúc trong xã hội… 

Đối với lĩnh vực thanh tra, cử tri cả nước kỳ vọng phiên chất vấn lần này sẽ làm rõ hơn những vấn đề tồn động trong lĩnh vực thanh tra, chỉ rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp cụ thể để hoạt động thanh tra tại các doanh nghiệp đạt hiệu quả thiết thực, tránh làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cần làm rõ sự phối hợp giữa các cá nhân, tổ chức có liên quan; làm rõ sự phân định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, tránh chồng lấn, trùng lặp...

Chiều nay 3/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính đối với lĩnh vực xây dựng. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Ngày mai (4/11), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ trả lời chất vấn; Ngày 5/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.

Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng cũng sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan đến 4 nhóm nội dung Xây dựng, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra.