Chính phủ đã linh hoạt, chủ động điều hành giữ vững ổn định vĩ mô

Trần Huyền

Thảo luận tại Tổ 8 sáng nay 24/10/2023, các đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Định đều đánh giá cao Chính phủ đã linh hoạt, chủ động, sáng tạo, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo ổn định vĩ mô.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 8.
Các đại biểu thảo luận tại Tổ 8.

Tiếp tục chương trình nghị sự, sáng 24/10/2023, Quốc hội thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước.

Thảo luận tại Tổ 8, các đại biểu đều cho rằng, trong bối cảnh đầy khó khăn thách thức của năm 2023 nói riêng và nửa nhiệm kỳ nói chung, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, phối hợp hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, ứng phó hiệu quả, linh hoạt với những khó khăn, diễn biến phức tạp.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, Chính phủ đã rất linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong ứng phó với diễn biến tình hình và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là những giải pháp giữ vững sự ổn định vĩ mô, điều hành lạm phát theo mục tiêu. Đặc biệt, đã thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó duy trì được phục hồi và tăng trên các ngành, lĩnh vực, nhất là trong năm 2023.

Cũng đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho biết, giải ngân đầu tư công đã có nhiều nỗ lực. Trong đó, đã thi công các công trình trọng điểm, nhất là việc hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều công trình cao tốc đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi tại Tổ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi tại Tổ.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục chủ động kịch bản ứng phó trên tinh thần giữ vững nền tảng vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu; điều hành linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ; khắc phục triệt những khó khăn vướng mắc trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp, bảo đảm tính dụng cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực phát triển mới...

Trước ý kiến các đại biểu nêu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay phải đối mặt với một số vấn đề đó là sụt lún, sạt lở, hạn hán, ngập mặn.Vừa qua, Chính phủ đã quyết định chi 4.000 tỷ đồng cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục trước mắt những vấn đề trên. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, về lâu dài, cần có những dự án lớn tại các tỉnh nhất là Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau... để khắc phục thiên tai, sụt lún, sạt lở, hạn hán, ngập mặn.

Theo Thủ tướng, để triển khai các dự án lớn cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực. Với những dự án vay vốn quốc tế cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. "Nếu đã đi vay thì phải làm các dự án lớn, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái chứ không làm vụn vặt, manh mún, dàn trải..." - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng lưu ý các vấn đề lớn khác, như ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông. Trong đó, để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, việc của Trung ương là kết nối vùng, kết nối tỉnh nhưng các địa phương cũng phải nỗ lực, dành nguồn lực để kết nối trong tỉnh, huyện.