Cơ chế tài chính thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa

Nga Phạm

Theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg, doanh nghiệp (DN) tham gia Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021–2030 sẽ tiếp tục được hỗ trợ về tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trên cơ sở những kết quả đạt được của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng (NSCL) sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020”, để tiếp tục hỗ trợ DN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Chương trình đề ra nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, trong đó bao gồm cả phần chi ngân sách nhà nước cho hoạt động này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đơn vị chủ trì triển khai chương trình, thời gian qua, việc triển khai các hoạt động quản lý nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia năng suất chất lượng giai đoạn đến năm 2020 vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc, trong đó bao gồm cả cơ chế quản lý tài chính. Các khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến nội dung chi, định mức chi, quy định lập dự toán, thẩm định kinh phí, chấp hành dự toán, chuyển số dư kinh phí cuối năm đến quyết toán kinh phí…

Để khắc phục những vấn đề này, tại Thông tư số 35/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành đã quy định rất cụ thể về cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, Thông tư hướng dẫn nội dung và mức chi để thực hiện công tác thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng; tổ chức các hội nghị, phổ biến chia sẻ kinh nghiệm; đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp… Về kinh phí thực hiện, theo hướng dẫn tại Thông tư, bao gồm ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; nguồn kinh phí của các doanh nghiệp; kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Về mức chi, theo Thông tư số 35/2021/TT-BTC, việc thực hiện các nhiệm vụ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp do doanh nghiệp tự quyết định. Việc hạch toán chi thực hiện các nhiệm vụ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ này, thì doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước được lập kế hoạch chi tiết theo từng loại nguồn vốn; được phân bổ và sử dụng theo tiến độ và cơ cấu nguồn vốn của nhiệm vụ đã được phê duyệt. Việc lập dự toán ngân sách nhà nước phải theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, và Luật Đầu tư công.

Bên cạnh đó, việc phân bổ, giao dự toán, tạm ứng, thanh toán và quyết toán kinh phí cũng phải thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, đối với dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia của Chương trình 1322, dự toán kinh phí giao về Bộ Khoa học và Công nghệ để ký hợp đồng với cơ quan chủ trì thực hiện.  

Chi đào tạo nguồn nhân lực  

Để thực hiện hiệu quả Chương trình 1322, một trong những giải pháp quan trọng nhất đó là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Căn cứ vào quy định này, theo hướng dẫn của Thông tư số 35/2021/TT-BTC, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức các hoạt động đào tạo về năng suất chất lượng.

Theo đó, biên soạn tài liệu phục vụ công tác đào tạo, tập huấn về nâng cao năng suất chất lượng được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Đối với chi tổ chức các khóa đào tạo trong nước cho chuyên gia năng suất chất lượng, giảng viên năng suất chất lượng, cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và người lao động kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng; mở rộng đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Riêng chi tổ chức các khóa đào tạo tại nước ngoài cho các chuyên gia năng suất chất lượng đạt trình độ khu vực và quốc tế thực hiện theo Thông tư số 88/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định cơ chế tài chính thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, ngân sách cũng chi hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; tham gia các chương trình đào tạo của quốc tế; chi tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động nâng cao năng suất chất lượng…