Cơ quan thanh tra được trích tối đa 30% tiền thu hồi qua thanh tra sau khi nộp ngân sách

Bảo Thương

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 37/2023/UBTVQH15 quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo đó, Nghị quyết này quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào NSNN; lập, giao dự toán, sử dụng, quyết toán nguồn kinh phí do các cơ quan thanh tra được trích.

Về các khoản được trích, Nghị quyết nêu rõ các khoản thu NSNN bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra được thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào NSNN; Các khoản chi NSNN sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức được thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào NSNN.

Về mức trích, Thanh tra Chính phủ được trích tối đa 30% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp đến 50 tỷ đồng/năm; được trích thêm tối đa 20% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp từ trên 50 tỷ đồng đến 80 tỷ đồng/năm; được trích thêm tối đa 10% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp từ trên 80 tỷ đồng/năm.

Cơ quan thanh tra quy định tại điểm b khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 9 của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 (bao gồm: Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ; Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương; Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; Cơ quan thanh tra trong Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ) thì được trích tối đa 30% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp đến 10 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, được trích thêm tối đa 20% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp từ trên 10 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng/năm; được trích thêm tối đa 10% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp từ trên 20 tỷ đồng/năm.

Đối với các cơ quan thanh tra quy định tại điểm c và điểm d khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 9 của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15, Nghị quyết  số 37/2023/UBTVQH15 quy định được trích tối đa 30% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp đến 02 tỷ đồng/năm; được trích thêm tối đa 20% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp từ trên 02 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng/năm; được trích thêm tối đa 10% tổng số tiền đã nộp vào NSNN đối với số nộp từ trên 03 tỷ đồng/năm.

Về việc sử dụng kinh phí được trích, Nghị quyết nêu rõ chi cho công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan thanh tra. Đồng thời, chi tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm, sửa chữa tài sản, máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện đi lại phục vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, còn chi cho đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn, hội nghị, hội thảo; chi cho các đoàn đi học tập kinh nghiệm trong nước và nước ngoài để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra; Chi khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mức chi khen thưởng, động viên cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan thanh tra không vượt quá 1,0 lần tiền lương ngạch, bậc, chức vụ theo quy định của pháp luật cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Nghị quyết này áp dụng từ năm ngân sách 2024.