Có thể nâng hạng thị trường chứng khoán bằng sức hấp dẫn của doanh nghiệp niêm yết

Tuấn Thủy

"Bổ sung thêm nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn, có chất lượng để tăng sức hút nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), từ đó họ sẽ tạo áp lực đến các tổ chức xếp hạng để nâng hạng cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam" là nhận định của ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Chuyên gia tài chính.

Phóng viên: Việc nâng hạng TTCK từ cận biên sang mới nổi sẽ mang lại những lợi ích gì doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư, rộng hơn là cả nền kinh tế?

Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh: Lợi ích trước tiên đó là NĐTNN sẽ mua gần như ngay lập tức những cổ phiếu vốn hóa lớn lọt được vào rổ chỉ số thị trường mới nổi. Ước tính sẽ có hàng tỷ USD mua các cổ phiếu này trong thời gian ngắn. Rộng hơn với toàn bộ TTCK, việc nâng hạng sẽ mang đến một cái nhìn hoàn toàn khác từ các NĐTNN, thị trường Việt nam sẽ trở nên ít rủi ro hơn đồng nghĩa định giá tốt hơn và nhiều cơ hội đầu tư hơn. Tác động tức thì với nền kinh tế là dòng ngoại tệ mới. Về lâu dài, các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn nước ngoài dễ hơn với chi phí thấp hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phóng viên: Chúng ta đã chuẩn bị rất dài hơi cho tiến trình nâng hạng này, theo ông, đâu là nút thắt khiến việc nâng hạng vẫn chưa thành công?

Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh: Theo tôi được biết, việc nghiên cứu chuẩn bị cho nâng hạng thị trường đã bắt đầu từ khoảng năm 2016. Đến năm 2019, việc nâng hạng thị trường đã được quan tâm từ mọi cấp. Dẫu vậy những điều kiện về “phần mềm”, tức những tiêu chí định tính của TTCK Việt nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức xếp hạng.  

Một tiêu chí định tính là “hiệu quả của hệ thống vận hành” phải ở mức “tốt và được kiểm chứng” thay vì chỉ ở mức “vừa phải” đối với thị trường cận biên. Việc để xảy ra “nghẽn lệnh” thường xuyên trong thời gian thị trường bùng nổ năm 2021 và 2022 là một nút thắt rất lớn, thậm chí làm thụt lùi quá trình nâng hạng của TTCK Việt nam.

Việc có Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) như theo khuyến nghị của MSCI cũng sẽ giúp việc xem xét nâng hạng được thuận lợi hơn.

Phóng viên: Mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam hướng đến là nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025. Ông có nhận xét gì về khả năng hoàn thành mục tiêu trong thời gian sắp tới?

Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh: Việc đánh giá và xem xét nâng hạng của MSCI được thực hiện định kỳ vào tháng 6 hàng năm, điều đó có nghĩa để nâng hạng trước 2025 thì chúng ta chỉ có chưa đến 9 tháng để chạy đua với hàng loạt tiêu chí. Đây là chưa kể đến việc MSCI sẽ còn tham vấn cộng đồng đầu tư nước ngoài đối với các tiêu chí thuộc phạm trù “khả năng tiếp cận thị trường”. Tôi luôn hy vọng thị trường chúng ta được nâng hạng nhưng từ khi bắt đầu nghiên cứu về việc nâng hạng vào năm 2016, tôi biết đây là một quá trình dài và rất thách thức.

Phóng viên: Vậy ông có đề xuất giải pháp gì giúp TTCK Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu nâng hạng?

Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh: Mục đích sâu xa của nâng hạng là nâng cao chất lượng của TTCK Việt Nam, thể hiện ở quy mô và tính minh bạch của thị trường, hai yếu tố giữ chân NĐTNN lâu dài. Những vấn đề kỹ thuật mà chúng ta đang hướng đến giải quyết như sửa đổi các văn bản liên quan đến ký quỹ, triển khai CCP, nới room nước ngoài cần một lộ trình rõ ràng để sớm hoàn thành.

Có điều tôi xin được lưu ý là một số thị trường được nâng hạng ngay cả khi nhiều tiêu chí định tính chưa được thỏa mãn. Lý do đến từ sức hấp dẫn của các doanh nghiệp ở các thị trường đó. Bổ sung thêm nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn, có chất lượng sẽ làm tăng sức hút với các NĐTNN và họ sẽ tạo áp lực đến chính các tổ chức xếp hạng để nâng hạng cho Việt Nam.

Phóng viên: Việc tháo gỡ rào cản đối với tiến trình nâng hạng TTCK thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nào, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh: Việc tháo gỡ rào cản đối với tiền trình nâng hạng TTCK không chỉ là vấn đề của riêng Bộ Tài chính mà còn phụ thuộc các bộ, ngành khác, nhất là Ngân hàng Nhà nước. Trong các tiêu chí đánh giá nâng hạng có tiêu chí dễ dàng luân chuyển vốn vào và ra, có nghĩa khi NĐTNN rút vốn, chúng ta luôn có đủ ngoại tệ để đáp ứng. Đây là vấn đề khá nhạy cảm bởi ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ.

Tôi không có đủ dữ liệu để đánh giá khả năng đáp ứng ngoại tệ của Việt Nam nhưng nhìn vào áp lực tỷ giá trong quý III/2022 thì thấy rằng, sức chịu đựng của chúng ta chưa cao. Tôi xin nhấn mạnh lại là dù có tiêu chí chưa thực sự thỏa mãn nhưng MSCI vẫn có thể xem xét nâng hạng. Thực tế thì ngoài thời gian khủng hoảng tài chính hơn 10 năm trước, việc luân chuyển vốn vào ra của các NĐTNN trong những năm gần đây không có trở ngại nào đáng kể.

Phóng viên: Câu chuyện đưa hệ thống KRX vào vận hành đang “làm nóng” thị trường, được coi là mấu chốt trong tiến trình nâng hạng thị trường. Ông có kỳ vọng gì về hệ thống KRX nếu hệ thống này được vận hành cuối năm nay theo đúng lộ trình?

Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh: Hệ thống KRX không chỉ xử lý điểm nghẽn về số lượng lệnh mà còn cho phép giao dịch T+, một tiêu chí đánh giá nâng hạng của MSCI. Nếu KRX được vận hành đúng hạn và thực tế chứng minh hệ thống này hoạt động như kỳ vọng thì chắc chắn đây sẽ là một điểm cộng trong quá trình xem xét nâng hạng vào đầu năm 2024.

Dẫu vậy, nhiều vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng mà chúng ta vẫn phải tiếp tục xử lý để đáp ứng đúng bản chất của tiêu chí “khả năng tiếp cận đối với NĐTNN” như: (i) thông tin phải bằng tiếng anh, (ii) sử dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS (thay vì chuẩn mực kế toán Việt nam VAS), (iii) cho phép ứng tiền mua cho NĐTNN (hiện tại không cho phép)…

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!