Đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

ThS. Lê Thị Hồng Thúy

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là vùng kinh tế tiềm năng. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp còn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng. Để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, cần thiết phải có những giải pháp thúc đẩy công nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là trung tâm kinh tế lớn thứ hai cả nước, gồm 7 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, có dân số trên 14 triệu người. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, có tay nghề tốt, được sự quan tâm từ phía Nhà nước và chính quyền các địa phương, được đánh giá là vùng có tiềm năng lớn trong phát triển các khu công nghiệp.

Thực trạng phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Về giá trị và tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp

Giai đoạn 2001 - 2005, sản xuất công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tăng bình quân 16,5%/năm. Đây là mức trưởng cao đáng ghi nhận sau những năm chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997. Nếu năm 2001, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 45.430,6 tỷ đồng thì đến năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 85.112,4 tỷ đồng (giá so sánh 1994).

Giai đoạn 2006 – 2010 công nghiệp trong vùng tiếp tục đạt được tăng trưởng cao với mức tăng bình quân đạt 16,2%/năm, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng đạt 193.862,1 tỷ đồng vào năm 2010. Tính chung giai đoạn 2001 – 2010, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng đạt 16,4% bình quân năm, đứng thứ hai trong số các vùng kinh tế trọng điểm, sau Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung.

Từ năm 2011 đến nay, ngành công nghiệp ở hầu hết các địa phương trong vùng gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp không đồng đều, chưa được như kỳ vọng. Công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chưa có sự đột phá trong tăng trưởng, rất dễ bị tổn thương trước những biến động kinh tế quốc tế.

Về chuyển dịch cơ cấu công nghiệp

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có cơ cấu ngành công nghiệp tương đối phù hợp với tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cao và tiếp tục tăng lên trong những năm gần đây. Trong khi đó, tỷ trọng của công nghiệp khai khoáng giảm dần. Điều này, cho thấy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trong vùng đang theo xu hướng tích cực.

Công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Các tỉnh còn lại chiếm tỷ trọng không đáng kể. Ba tỉnh, thành phố này chiếm tới 79 – 80% GDP ngành công nghiệp của vùng, đóng góp gần 90% ngân sách và thu hút trên 90% vốn đầu tư nước ngoài của toàn Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Công nghiệp nông thôn phát triển mạnh, nhất là các làng nghề truyền thống, hiện nay toàn vùng có trên 500 làng nghề, chiếm gần 1/3 số làng nghề của cả nước, tập trung vào các loại hình sản xuất chế biến nông sản thực phẩm, dệt nhuộm, giày da, tái chế chất thải, sản xuất hàng mây tre đan, sơn mài, đồ gỗ... Trên địa bàn, một số địa phương trong vùng đã hình thành các cụm công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ do ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thành phố thành lập và bước đầu đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã phát triển không ngừng và đạt được những thành công đáng ghi nhận là đã duy trì được quy mô và tốc độ tăng trưởng cao; Chất lượng tăng trưởng công nghiệp trong vùng từng bước được cải thiện. Phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã từng bước đảm bảo được yêu cầu hài hòa với phát triển bền vững về kinh tế, đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động và xóa đói giảm nghèo ở vùng nông thôn trong các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong phát triển công nghiệp của Vùng. Đó là: Tăng trưởng công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chưa tương xứng với vai trò là vùng động lực phát triển của cả nước và dễ bị tổn thương trước những biến động của bên ngoài; Đóng góp trong giá trị xuất khẩu còn nhiều hạn chế, chưa thực sự góp phần làm giảm thâm hụt thương mại trong vùng...

Có nhiều nguyên dẫn đến những hạn chế trên. Trong đó, có thể kể đến việc các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương trong vùng chưa nhận thức được đầy đủ về yêu cầu phát triển bền vững trong hoạch định và thực thi các chính sách phát triển công nghiệp; Các ngành, các địa phương cũng thiếu sự phối hợp trong vùng cho công tác quy hoạch phát triển công nghiệp; Quy hoạch chủ yếu để ý đến mặt lượng trong phát triển theo từng địa phương, chưa chú ý đúng mực về mặt chất...

Các giải pháp đề xuất

Thứ nhất, nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng công nghiệp trong Vùng.

Cần có chính sách tái cơ cấu công nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng công nghiệp trong vùng. Cụ thể: (i) Tiếp tục phát triển mạnh các ngành có lợi thế về lao động để vừa đạt mục tiêu kinh tế vừa tạo việc làm và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội; (ii) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biện nông, lâm, thủy sản; (iii) Chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng, cơ khí sản xuất phụ tùng và sửa chữa thiết bị...

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp trong vùng.

Các địa phương cần hoàn thiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, để sớm triển khai, tiếp tục chú trọng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng số lượng tuyệt đối và tỷ lệ lao động công nghiệp; Xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cùng với các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao...

Thứ ba, phát triển mạnh khoa học và công nghệ.

Cần ưu tiên nhập khẩu công nghệ tiên tiến, nhập khẩu bằng phát minh sáng chế để ứng dụng, tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và phối hợp nghiên cứu triển khai; Phát triển thị trường khoa học công nghệ trong vùng; Xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong công nghiệp.

Thứ tư, đảm bảo sự bền vững về xã hội trong phát triển công nghiệp vùng.

Cần chú trọng cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân như tăng cường công tác thành tra, kiểm tra việc chấp hành quy định vệ sinh môi trường an toàn lao động; Thực hiện nghiêm túc quỹ trợ cấp thất nghiệp để người lao động tìm lại khả năng nghề nghiệp, có điều kiện tự đào tạo lại trình độ bản thân và có khả năng tìm việc làm mới.

Tài liệu tham khảo:

1. Bạch Thị Lan Anh (2010), Phát triển bền vững làng nghề truyền thống vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội;

2. Vũ Thành Hưởng (2010), Phát triển các khu công nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm theo hướng bền vững, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội;

3. Tô Hiến Thà (2013), Phát triển công nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Việt Nam theo hướng bền vững, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Chính trị - Bộ Quốc Phòng, Hà Nội;

4. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2001 – 2013, Nxb Thống kê, Hà Nội.