Để doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành "lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước" 

Lê Anh

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, việc nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp đến năm 2025.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp đến năm 2025.

Dự kiến nộp ngân sách gần 129 nghìn tỷ đồng trong năm 2023

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện cả nước có gần 680 DNNN. Trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%.

Khu vực DNNN, đặc biệt là các DNNN quy mô lớn đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế như: cung cấp khoảng 87% sản lượng điện cho xã hội; đóng góp khoảng hơn 84% thị phần bán lẻ trong lĩnh vực xăng dầu, cung cấp 100% thị phần khí khô và 70% thị phần LNG toàn quốc; đáp ứng khoảng 70-75% nhu cầu phân đạm cho sản xuất nông nghiệp; chiếm hơn 90% thị phần về thuê bao di động và băng rộng di động…

Theo ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Tổng lãi phát sinh trước thuế của khu vực DNNN năm 2023 ước đạt hơn 117,3 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách nhà nước của DNNN cả năm 2023 ước đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.

Như vậy, có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp còn khó khăn, các DNNN cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. 

Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN còn một số hạn chế, cụ thể: các DNNN chậm chuyển mình trong xu hướng mới, thời đại mới; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét... Nhìn chung, DNNN có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; chất lượng, hiệu quả của DNNN chủ yếu xuất phát từ những DNNN quy mô lớn...

Nêu quan điểm về nguyên nhân của những hạn chế, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, khu vực DNNN có hiệu quả hoạt động chưa cao còn xuất phát từ một nguyên nhân là tại DNNN đang có sự xung đột lợi ích giữa pháp nhân doanh nghiệp và người đứng đầu, giữa lợi ích của doanh nghiệp (đạt được thông qua cạnh tranh) với lợi ích quốc gia, dân tộc (ví dụ Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa phải kinh doanh kiếm lợi nhuận, vừa có trách nhiệm xã hội là cung cấp điện năng cho các thành phần kinh tế, kể cả miền núi, biên giới, hải đảo…).

Tái cơ cấu DNNN sát tình hình thực tế

 

Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

Để DNNN thực sự trở thành "lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước", dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, vừa qua, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với DNNN trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng  Phạm Minh Chính đề nghị tập trung đánh giá tình hình, những thành tựu, đóng góp của DNNN, những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Đồng thời, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này, những khó khăn nào xuất phát từ thể chế chính sách, những khó khăn nào xuất phát từ khâu triển khai thực hiện để kịp thời đề xuất rõ cấp nào, bộ nào cần xử lý các vướng mắc đó, từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tại các DNNN. 

 

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu, ThS. Bùi Thị Quỳnh Trang – Đại học Thương mại cho rằng, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập...

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tái cơ cấu DNNN sát tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái có cấu vốn, mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Các DNNN phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; các chương trình, dự án lớn đang triển khai như hệ thống cao tốc, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số; các DNNN cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm, cạnh tranh lành mạnh, đúng luật pháp...

Đối với các cơ quan nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh chính yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, đặt mình vào địa vị doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức, thực sự chia sẻ, khích lệ, khuyến khích những người làm đúng, làm tốt và cương quyết xử lý những người vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến tháng 9/2023, đã có 45 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gồm 06 doanh nghiệp thuộc Trung ương là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam Nam thuộc Ủy ban Quản lý vốn, Công ty Mua bán nợ Việt Nam thuộc Bộ Tài chính, Tổng công ty Cơ khí xây dựng, Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà và đô thị thuộc Bộ Xây dựng và 39 doanh nghiệp thuộc các địa phương. Các đơn vị còn lại đang triển khai xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét.