Đề xuất sửa đổi thủ tục môi trường cho hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển

Nguyễn Tâm

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Đáng chú ý, tại dự thảo Nghị định, Bộ Giao thông vận tải đề xuất một số quy định sửa đổi thủ tục về môi trường cho hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, đường thủy nội địa.

Đối với các dự án nạo vét khẩn cấp, chủ đầu tư hoặc chủ dự án, công trình không phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đối với các dự án nạo vét khẩn cấp, chủ đầu tư hoặc chủ dự án, công trình không phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo Bộ Giao thông vận tải, khoản 1 Điều 7 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP quy định: Các dự án nạo vét cơ bản trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa phải được đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, một số dự án nạo vét thực hiện đổ chất nạo vét ra biển ngoài việc thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường còn phải thực hiện các quy định về lập dự án nhận chìm ở biển, giao khu vực biển theo các quy định tại Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Vì vậy, cần sửa đổi quy định này cho phù hợp thực tế.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Giao thông vận tải đề xuất: Các dự án đầu tư, nâng cấp công trình nạo vét và dự án thu hồi sản phẩm nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa phải thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên môi trường biển và hải đảo và pháp luật về biển Việt Nam.

Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP quy định: "Đối với các dự án, công trình nạo vét duy tu với khối lượng thực hiện hàng năm có tính quy luật, việc đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện theo thời hạn từng năm hoặc theo chu kỳ đến 5 năm". 

Tuy nhiên, việc hàng năm lập hồ sơ và chi phí để thực hiện các thủ tục về báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, dự án nhận chìm ở biển, giao khu vực biển chưa phù hợp với thời gian tổ chức nạo vét duy tu cũng như trữ lượng của bãi chứa (có một số công trình phải triển khai trong hai năm).

Vì vậy, cần sửa đổi chu kỳ thực hiện các thủ tục trên nhằm giảm chi phí cho ngân sách nhà nước, giảm các thủ tục hành chính cho các dự án, công trình nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Giao thông vận tải đề xuất, đối với các dự án nạo vét duy tu thực hiện theo quy định sau: Trường hợp chất nạo vét được đổ trên bờ chỉ thực hiện đăng ký môi trường, trừ đối tượng được miễn đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trường hợp nhận chìm chất nạo vét ngoài biển: Lần đầu thực hiện công tác nạo vét duy tu vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa phải thực hiện các quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập dự án nhận chìm ở biển và giao khu vực biển theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên môi trường biển và hải đảo, pháp luật về biển Việt Nam.

Đối với những lần tiếp theo thực hiện việc nạo vét duy tu vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa nếu khối lượng thực hiện không vượt quá khối lượng đã đánh giá, phương án thi công, phương thức nhận chìm không thay đổi và khu vực nhận chìm đã được cấp phép đủ khả năng tiếp nhận chất nạo vét, chỉ thực hiện công tác giám sát môi trường theo Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy phép nhận chìm ở biển đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp cho công trình, dự án lần đầu.

Đối với các dự án nạo vét khẩn cấp, chủ đầu tư hoặc chủ dự án, công trình không phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký môi trường, giấy phép môi trường, cấp phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển.

Bên cạnh những nội dung trên, dự thảo Nghị định đề xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng và luồng đường thủy nội địa quốc gia quy định tại Nghị định này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng và ban hành các định mức, đơn giá lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án nhận chìm ở biển và giám sát môi trường đối với hoạt động nạo vét luồng hàng hải công cộng và luồng đường thủy nội địa từ ngân sách nhà nước.

Dự thảo Nghị định này được ban hành sẽ thay thế Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ và bãi bỏ Điều 11 Nghị định số 43/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ.