Doanh nghiệp ngành gạo chờ đón triển vọng tươi sáng trong năm 2024


Trong bức tranh kinh doanh năm 2023 của các doanh nghiệp ngành gạo, bên cạnh những doanh nghiệp lợi nhuận tăng trưởng cao, nhiều doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận và vẫn có doanh nghiệp thua lỗ.

Trong bức tranh kinh doanh năm 2023 của các doanh nghiệp ngành gạo, bên cạnh những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, nhiều donh nghiệp sụt giảm lợi nhuận và vẫn có doanh nghiệp thua lỗ.
Trong bức tranh kinh doanh năm 2023 của các doanh nghiệp ngành gạo, bên cạnh những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, nhiều donh nghiệp sụt giảm lợi nhuận và vẫn có doanh nghiệp thua lỗ.

Kết quả kinh doanh phân hóa

Đứng đầu nhóm các doanh nghiệp có kết quả tăng trưởng mạnh là Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang (UpCOM: KGM), với doanh thu tăng trưởng mạnh 71% so với năm trước, lên hơn 7.282 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất của doanh nghiệp này kể từ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh 120% so với năm trước lên hơn 12,5 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết, trong năm 2023 tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty tiếp tục ổn định, công ty tiếp tục tăng cường công tác quản lý, theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời nắm bắt cơ hội, có định hướng kinh doanh phù hợp, triển khai thực hiện tốt công tác thu mua, kiểm soát và quản lý tốt các khoản chi phí và hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, nên đã mang lại lợi nhuận sau thuế tăng mạnh so với cùng kỳ.

Tương tự, Tổng Công ty Lương thực miền Nam – CTCP (UpCOM: VSF) mang về gần 23.031 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 33% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 62,7 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 195% so với năm trước. Riêng trong quý IV/2023, mặc dù doanh thu sụt giảm hơn 32,5% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh lên hơn 31 tỷ đồng, tương đương với mức tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Nguyên nhân của sự tăng trưởng trên được lãnh đạo VSF cho rằng, cùng kỳ năm 2023, Tổng công ty đã tăng cường quản lý tốt và kiên quyết tiết giảm các khoản chi phí; theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời nắm bắt cơ hội, có định hướng kinh doanh phù hợp và hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh.

Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2023 tăng trưởng mạnh, nhưng tính đến cuối năm 2023, doanh nghiệp này vẫn đang lỗ lũy kế 2.778 tỷ đồng. Đây là hệ quả của quá trình thua lỗ 10 năm liên tiếp, từ năm 2012-2022, trong đó, lỗ nặng nhất là gần 1.500 tỷ đồng vào năm 2018.

Kết thúc năm 2023, Công ty CP Tập đoàn PAN (HNX: PAN) mặc dù tổng doanh thu giảm 3% so với năm trước, về mức 13.205 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng cả năm 2023 tăng trưởng 9% so với năm trước, lên 408 tỷ đồng. Nếu xét về giá trị lợi nhuận, thì lợi nhuận của PAN đứng đầu trong nhóm các doanh nghiệp ngành gạo. Riêng trong quý IV/2023, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 55% so với cùng kỳ, lên 363 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh là do các mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp như giống cây trồng, gạo đóng gói, khử trùng và nông dược, tôm xuất khẩu, bánh kẹo, hạt đóng gói… đều có sự tăng trưởng cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Bân cạnh đó, Tập đoàn cũng tập trung quản lý rủi ro thị trường, tối ưu chi phí, tập trung nguồn lực cho các mảng kinh doanh hiệu quả để đạt mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.

Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UpCOM: LTG) mặc dù tổng doanh thu cả năm 2023 tăng mạnh hơn 37,4% so với năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh xuống còn hơn 265 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 35,5% so với năm trước, do các chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Biến động lớn nhất là khoản lãi/lỗ từ công ty liên doanh liên kết ghi nhận gần 316 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận khoản này.

Nếu tính riêng trong quý IV/2023, cả doanh thu và lợi nhuận của LTG đểu ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, với mức tăng trưởng hơn 90% và hơn 19,2% so với cùng kỳ, lên gần 5.820 tỷ đồng doanh thu và gần 248 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Không được may mắn như các doanh nghiệp trên, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2023, mặc dù doanh thu vẫn tăng trưởng. Theo đó, doanh thu năm 2023 của TAR đạt gần 4.485 tỷ đồng, tăng gần 18,4% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 75 tỷ đồng. Riêng trong quý IV, doanh nghiệp này lỗ gần 32 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 18 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân thua lỗ là do chi phí sản xuất cao hơn so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong Báo tài chính bán niên năm 2023 đã kiểm toán mới công bố hồi cuối tháng 2/2024 vừa qua, đơn vị kiểm toán đã không đưa ra kết luận nào về các báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của công ty, do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra kết luận về báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ.

Nhiều tín hiệu lạc quan

Trong năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo với tổng giá trị đạt 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022.

Về thị trường, khu vực châu Á tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt hơn 6 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu và tăng 22,8% so với năm 2022. Tiếp đến là thị trường châu Phi với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,34 triệu tấn, tăng gần 7,2% so với cùng kỳ và chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường châu Âu đạt 132,6 nghìn tấn, chiếm khoảng 1,6%.

Bước sang năm 2024, mặc dù theo dự báo, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/2, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 663.209 tấn, trị giá 466,6 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 703,5 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đã tăng 14,4% (tăng hơn 83.000 tấn). Trong khi đó, trị giá xuất khẩu tăng tới 53%, tương đương với tăng gần 161 triệu USD.

Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng. Cụ thể, thương mại gạo toàn cầu tiếp tục chịu tác động từ việc Ấn Độ thực hiện chính sách tạm ngừng xuất khẩu gạo.

Ngoài ra, nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính là An Độ, chiếm tới 40% sản lượng gạo toàn câu sẽ giảm khoảng 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn. Các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia,... cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

Theo Chứng khoán ABS, Chính phủ Indonesia vừa mới quyết định tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024. Theo đó, sản lượng gạo nhập khẩu dự kiến sẽ tăng thêm là 1,6 triệu tấn.

ABS cho rằng, Indonesia quyết định tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu là do sản xuất gạo trong nước bị thiếu hụt xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023. Với lượng gạo nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn, tổng lượng gạo hạn ngạch Chính phủ quyết định nhập khẩu trong năm 2024 sẽ là 3,6 triệu tấn.

Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia dự báo, Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1 vừa qua. Được biết, Indonesia hiện là khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt Nam với 16% thị phần xuất khẩu gạo.

Theo Đình Đại/Diendandoanhnghiep.vn