Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở tỉnh Thừa Thiên Huế và một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới


Trong những năm qua, kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển khá toàn diện, tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

1- Tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở vùng duyên hải miền Trung với diện tích 4.947,11km2, tính đến năm 2022, dân số 1,16 triệu người, là địa phương được biết đến với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng gần 1.000 di tích lịch sử đặc thù của cả nước; là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng, nằm ngay trung lộ của đất nước, điểm kết nối của 3 thành phố lớn (Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh), nằm trên các trục Hành lang kinh tế Đông - Tây; từng là 1 trong 3 trung tâm chính trị, văn hóa lớn giữ vai trò, vị trí quan trọng hàng đầu của cả nước với nhiều tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh để phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, phải kể đến, như Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á với khoảng 22.000ha; vườn quốc gia Bạch Mã, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô,...

Giai đoạn 2020 - 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 kéo dài đến giữa năm 2022; tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nằm ngoài dự báo,... cùng với các đợt thiên tai bão lụt xảy ra liên tiếp đã có tác động nặng nề và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đặt ra những đòi hỏi cấp thiết và yêu cầu mới từ thực tiễn đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, đó là: “Phải tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế để phù hợp và thích ứng hiệu quả với bối cảnh tình hình mới”. Bên cạnh đó, phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistics, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là bứt phá; kinh tế biển là thiết yếu.

Tỉnh tập trung phát triển công nghiệp bền vững theo hướng phát triển kinh tế xanh dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân lực chất lượng cao và liên kết với các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh cũng như các ngành công nghiệp chủ lực, chi phối tạo sự tăng trưởng mạnh về phát triển công nghiệp và xuất khẩu, tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi công nghiệp của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước; tăng dần các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu cho khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, khu kinh tế cửa khẩu A Đớt để kêu gọi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Hình thành các khu công nghiệp chức năng, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, nghề và sản phẩm chủ yếu vào các khu công nghiệp. Phát triển cụm công nghiệp chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu di dời các cơ sở sản xuất xen lẫn khu vực dân cư và các dự án đầu tư sản xuất các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, ngành, nghề truyền thống và các dự án có quy mô nhỏ gắn với vùng nguyên liệu và nguồn lao động của địa phương.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản; nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Tập trung cơ cấu lại theo hướng ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm là chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, đời sống dân cư nông thôn ngày càng được nâng cao.

Thêm vào đó, các ngành dịch vụ hiện được cơ cấu lại theo hướng đồng bộ, hiệu quả dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại. Do đó, nhiệm vụ đầu tư phát triển nguồn lực cho khoa học - công nghệ được coi trọng; đồng thời, bảo đảm thực hiện tốt chức năng cung cấp luận cứ khoa học của khoa học - công nghệ, đặc biệt là khoa học xã hội và nhân văn, điều tra cơ bản.

Ngoài ra, tỉnh đã tập trung nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, hiện đại; thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp, tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân gắn với phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và những ngành, lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, lợi thế. Mặt khác, tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh trong các ngành, lĩnh vực nhằm phục vụ quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển kinh tế số.

Tính đến nay, tỉnh đã thực hiện xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; 100% thủ tục hành chính trên địa bàn được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và thực hiện một cửa liên thông trên môi trường mạng; khai thác trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) nhằm giám sát, điều hành các hoạt động của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế(1),...

Nhờ vậy, nền kinh tế - xã hội của tỉnh được phục hồi tích cực kể từ sau đại dịch COVID-19 và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên hầu hết ngành, lĩnh vực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Kinh tế giữ được mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2022 đạt 6,46%/năm, ở mức khá so với các tỉnh, thành phố trong vùng duyên hải miền Trung; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 2.429 USD, gấp 1,19 lần so với năm 2019 (2.010 USD). Thu ngân sách ổn định, tăng trưởng bình quân 16%/năm; bảo đảm cân đối được chi thường xuyên. Kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện; hệ thống đô thị phát triển nhanh; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ có nhiều chuyển biến; từng bước phát huy được vị thế của trung tâm văn hóa - du lịch, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo,... quan trọng của cả nước. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch đạt nhiều kết quả; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,56%.

Trong 8 tháng của năm 2023, thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt 6.705,5 tỷ đồng, bằng 67,6% dự toán, bằng 51,6% so với chỉ tiêu phấn đấu; chi ngân sách nhà nước ước đạt 8.086,3 tỷ đồng, đạt 55,7% dự toán... Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 85,7 triệu USD, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 36.462 tỷ đồng, tăng 15,7% so cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 1,74% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp  tháng 8 ước tăng 8,3% so với cùng kỳ, tính chung 8 tháng ước tăng 2,1% so với cùng kỳ. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp mới 12 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 1.795 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 10 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư 1.888 tỷ đồng. Trong lĩnh vực nông nghiệp,  toàn tỉnh đã thu hoạch được 20.251ha/25.294ha lúa hè thu, đạt 80%. Năng suất ước đạt 59 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn một số khó khăn, hạn chế:

Một là, sự phối hợp trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện còn chưa chặt chẽ và thường xuyên, do từng cơ quan hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ triển khai mà chưa có sự gắn kết giữa nhiều lĩnh vực với nhau; mặt khác, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các cơ quan nhà nước chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nên còn lúng túng trong việc hỗ trợ pháp lý khi doanh nghiệp có yêu cầu.

Hai là, hiện nay cơ chế, chính sách có khả năng tạo đột phá trong thu hút đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn có năng lực chưa đa dạng, đồng bộ; thiếu nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di sản văn hoá thế giới, di tích lịch sử cách mạng. Bên cạnh đó, công tác chỉnh trang đô thị, phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn chưa hiệu quả; công tác chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền một số nơi còn yếu, một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu,...

Ba là, công tác công tác giải phóng mặt bằng gặp một số khó khăn, vướng mắc, chậm được giải quyết dứt điểm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu kế hoạch.

2- Trong thời gian tới, với mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên nền tảng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, giữ gìn đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” và Nghị quyết số 83/NQ-CP, ngày 27/5/2020, của Chính phủ, về “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 /12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, do đó yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung ưu tiên triển khai thực hiện 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phát triển chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu.

Một là, tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến sâu từ cát silicat (thạch anh) tại Khu công nghiệp Phong Điền; từng bước hình thành và phát triển công nghiệp sản xuất lắp ráp ô-tô, linh kiện điện tử và ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao, phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện khí, điện gió,...) tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và Khu Công nghiệp Phú Bài.

Hai là, phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm; khai thác lợi thế vùng dược liệu tự nhiên và quy hoạch phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu để phát triển công nghiệp dược liệu và thiết bị y tế; đồng thời, phát triển mô hình kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ phù hợp với xu thế phát triển hiện nay và những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ba là, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ nhằm tăng nhanh giá trị nội địa, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; trong đó, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá; công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistics, nguồn nhân lực chất lượng cao là nòng cốt.

Bốn là, triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tăng năng suất lao động, tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Thực hiện điều chỉnh phân bố không gian các ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng khai thác, tận dụng tiềm năng, thế mạnh khác biệt và lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Năm là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thành lập mới; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp khu vực tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kinh tế tập thể. Xúc tiến các Tập đoàn lớn, có thương hiệu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao để tạo bước đột phá cho nền kinh tế. Khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân, sẵn sàng các điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư mới. Có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nhất là phục vụ sản xuất và chế biến nông sản. Phát triển mạnh các nghề, làng nghề gắn với phát triển du lịch và xuất khẩu.

Thứ hai, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Một là, đối với ngành công nghiệp: Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm, có tác động lan tỏa và trở thành ngành kinh tế quan trọng gắn với phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh và lợi thế so sánh của tỉnh, như công nghiệp thời trang, công nghiệp hỗ trợ dệt may (hướng tới xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm dệt may tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên); phát triển ngành năng lượng sạch; sản xuất, lắp ráp ô tô; công nghiệp chế biến sâu từ nguồn nguyên liệu cát, thạch anh; công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin; công nghiệp dược liệu và thiết bị y tế gắn với trung tâm y tế chuyên sâu của vùng và cả nước. Ưu tiên phát triển một số ngành, như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh, như khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), năng lượng sạch, tái tạo hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh và bền vững. Tăng cường hỗ trợ, giám sát tiến độ triển khai các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp có quy mô đầu tư lớn (Dự án Nhà máy Kanglongda Huế, sản xuất ô tô Đăng Kim Long, KCN Phú Bài IV,...) để sớm đi vào hoạt động góp phần tăng năng lực sản xuất và tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp tỉnh trong thời gian tới. Tiếp tục đẩy nhanh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu kinh tế và các khu công nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư.

Hai là, đối với ngành dịch vụ - du lịch: Tập trung phát triển ngành du lịch xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp; trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản văn hóa thế giới có tầm quốc tế cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; trong đó, tập trung khai thác hiệu quả Quần thể di tích Cố đô Huế, phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám, chữa bệnh, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với khu quần thể sân golf Huế,... Phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng và kết nối giao thông thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ. Mở rộng quy mô bệnh viện Trung ương thêm các khu chức năng phục vụ dịch vụ y tế cao cấp trong chăm sóc sức khỏe.

Ba là, tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao gắn với công nghệ số, kinh tế số, như du lịch, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ vận tải, dịch vụ đô thị thông minh, dịch vụ văn hóa, triển lãm và hội nghị quốc tế,... Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với thành phố Festival, Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài; phát triển dịch vụ logistics gắn với hệ thống Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cảng biển nước sâu Chân Mây trở thành trung tâm logistics xanh của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng, dịch vụ thanh toán điện tử và các hệ thống giao dịch điện tử tự động. Khuyến khích phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm cao cấp, khu dịch vụ đa chức năng; cơ sở thương mại truyền thống theo hướng hiện đại. Tiếp tục thực hiện và các chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học, trao đổi sinh viên và giảng viên với các đại học đối tác nước ngoài.

Bốn là, đối với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản; nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, VietGap. Tập trung công tác dồn điền đổi thửa để hình thành cánh đồng mẫu lớn. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bền vững. Hình thành các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Bio-Floc,... gắn với chế biến, xuất khẩu. Tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC; phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng; trồng rừng ven biển, đầm phá, rừng ngập ngọt; phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP; xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, hướng tới nông thôn mới thông minh, giàu bản sắc văn hóa Huế./.

-----------------------------

(1) Xem: Hoài Thanh: “Thừa Thiên Huế tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp”, Báo Đầu tư online, ngày 14/7/2023, https://baodautu.vn/thua-thien-hue-thao-go-kho-khan-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-d193425.html

Theo tapchicongsan.org.vn