Giải pháp bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái biển

Minh Anh

Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc công bố (tháng 5/2022) chỉ rõ, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong nền kinh tế biển xanh, lĩnh vực môi trường, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái biển.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tạo ra áp lực đối với môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tạo ra áp lực đối với môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển

Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” đánh giá, môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển (bao gồm cả các dịch vụ của hệ sinh thái biển) có những kiểu tương tác chính như:

Một là, môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển tạo ra các lợi ích cho các hoạt động kinh tế trên đất liền (lọc dầu, thương mại, kết nối giao thông trên đất liền). Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế trên đất liền lại chứa đựng những rủi ro đối với môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển rất lớn do chất thải từ các hoạt động kinh tế trên đất liền thải vào sông đổ ra biển; do hoạt động kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển.

Hai là, tương tác từ các hoạt động kinh tế trên biển đối với môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển theo cả 2 chiều thuận và nghịch. Theo chiều thuận, môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển là cơ sở tiền cơ bản đề để duy trì các hoạt động kinh tế biển. Theo chiều nghịch, các hoạt động kinh tế trên biển sẽ có tác động tiêu cực theo từng mức độ khác nhau đến môi trường.

Ba là, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tạo ra áp lực đối với môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển. Do môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển là 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững nên việc thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường (BVMT), bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng khôn khéo các hệ sinh thái biển cho phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng mang lại những lợi ích kép và góp phần thực hiện thành công 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG, Liên Hợp Quốc) đến năm 2030.

Trên cơ sở đó, để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong nền kinh tế biển xanh, lĩnh vực môi trường, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái biển, Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” cho rằng, Việt Nam cần phải thúc đẩy cơ chế chính sách như sau:

- BVMT, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành để thực hiện thành công mục tiêu SDGs 2030, thực hiện chủ trương phát triển nhanh và bền vững đất nước.

- BVMT, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái biển liên hệ mật thiết với các hoạt động kinh tế - xã hội và môi trường ở trên đất liền. Do đó không thể tách rời giữa mục tiêu BVMT biển với các mục tiêu BVMT trên đất liền.

- BVMT, đa dạng sinh học và sử dụng khôn khéo các hệ sinh thái biển để đưa các giá trị của môi trường, đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái biển thành động lực và yếu tố đầu vào của hệ thống kinh tế, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế biển bền vững.

- Vận dụng các công cụ dựa vào thị trường phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết để hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về BVMT, đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển dịch vụ hệ sinh thái biển nhằm điều chỉnh hành vi của các chủ thể kinh tế trên biển thân thiện với môi trường biển, hướng đến phát triển bền vững.

- Chú trọng việc bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển.

Trong những năm sắp tới, để bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học biển phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế biển xanh, cần thiết phải thực hiện một số giải pháp sau.

Thứ nhất, tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế, cơ chế dựa vào thị trường (MBA) trong quản lý, khai thác, sử dụng môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển.

Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” cho rằng, Việt Nam cần sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn về thi hành các quy định về công cụ kinh tế và nguồn lực cho BVMT trong Luật BVMT năm 2020 được Quốc hội thông qua (đã bao hàm cả vấn đề môi trường, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái biển).

Trong đó, cần xây dựng 01 chương trình thử nghiệm về áp dụng, hoàn thiện các quy định “chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển”; Xây dựng bộ tiêu chí riêng cho các dự án đầu tư kinh doanh trên biển, ven biển đáp ứng yêu cầu về sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn vốn tự nhiên, BVMT và đa dạng sinh học biển để làm căn cứ thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong pháp luật BVMT; Hoàn thiện quy định về bồi thường thiệt hại về môi trường áp dụng đối với các hoạt động kinh tế biển; bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển…

Thứ hai, phát triển các mô hình kinh tế biển bền vững.

Theo Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển”, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá và lựa chọn các mô hình kinh tế biển bền vững phù hợp với mục tiêu vừa phát triển kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường vừa góp phần BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; Thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm chất ô nhiễm từ các hoạt động kinh tế trên đất liền; Tăng cường kiểm soát và sẵn sàng ứng cứu các sự cố và thảm họa môi trường biển, các vụ tràn dầu không rõ nguồn gốc; Khai thác các giá trị của khu bảo tồn, cảnh quan thiên nhiên, kết hợp bảo tồn với phát triển du lịch sinh thái;

Thứ ba, tổ chức bộ máy quản lý, nguồn lực BVMT biển.

Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành với địa phương để hình thành nên một bộ máy tổ chức đủ mạnh để điều phối tổng thể các hoạt động trên biển; Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành có liên quan đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, ứng phó các sự cố môi trường biển, quản lý rác thải nhựa trên biển... để ngăn chặn, giảm đến mức thấp nhất các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các sinh vật biển; Đầu tư từ ngân sách nhà nước, ưu tiên vay vốn hỗ trợ phát triển (ODA) thực hiện các chương trình, nghiên cứu, dự án trong và ngoài nước đặc biệt là các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường biển…