Giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng

Lê Thị Thu - Trường Đại học Hà Tĩnh

Tài chính - Ngân hàng được xem là 1 trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số, do đây là ngành có thể thay đổi nhận thức nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí, mang đến những trải nghiệm linh hoạt cho khách hàng, thúc đẩy hiệu quả xã hội. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã xác định chuyển đổi số là mục tiêu trọng tâm và đã đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, chuyển đổi số ngành Ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện. Bài viết phân tích, đánh giá về chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số cho lĩnh vực này trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 15/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 cho các tổ chức tín dụng như sau: Tối thiểu 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; Tối thiểu 80% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; ít nhất 80% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; Tối thiểu 80% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; Tối thiểu 70% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động; Tối thiểu 90% hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Thực hiện kế hoạch trên, trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã không ngừng đẩy nhanh tiến độ ngân hàng số, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ số tiên tiến, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể như sau:

- Hoàn thiện cơ sở pháp lý: NHNN đã rà soát, nắm bắt những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng như: tính an toàn, bảo mật thông tin, các vấn đề nảy sinh trong quá trình ứng dụng công nghệ mới… nhằm hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ. NHNN cũng ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022 đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng và yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung triển khai có hiệu quả; ban hành và tổ chức triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, NHNN đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

- Hệ thống ngân hàng thường xuyên được nâng cấp, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh chóng: Mạng lưới ATM, POS của hệ thống ngân hàng được phủ sóng đến tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Đến cuối năm 2023, cả nước có 21.014 máy ATM và 513.550 máy POS (tăng tương ứng 0,6% và 26,89% so với cùng kỳ năm 2022).

Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ so với các năm trước. Theo thống kê của NHNN, tính đến hết năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng trên 11 tỷ giao dịch, với giá trị đạt hơn 200 triệu tỷ đồng, so với năm 2022 tăng gần 50% về số lượng; Qua kênh internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng, tăng hơn 56% về số lượng và 5,80% về giá trị; qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng, tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị. Thanh toán qua phương thức QR Code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng, tăng tới gần 172 % về số lượng và hơn 74% về giá trị.

- Công nghệ ngân hàng ngày càng hiện đại: Kể từ đại dịch COVID-19, các ngân hàng đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ nhằm duy trì và thu hút khách hàng. Những ứng dụng công nghệ số nổi bật trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng hiện nay có thể kể đến như: Dữ liệu lớn (big data), Sinh trắc học (Biometric), Trí tuệ nhân tạo (AI), Ngân hàng mở (Open Banking) và API Banking, Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Vay ngang hàng (P2P Lending), mở tài khoản mới bằng phương thức điện tử (eKYC), Chatbot… Sự hỗ trợ của các công nghệ này giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, xử lý thông tin nhanh hơn và phục vụ tốt hơn cho các khách hàng. Nhiều công việc, đặc biệt là các quy trình xử lý tại bàn đã được thay thế bằng auto robot giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Điển hình tại TPBank, 90% hồ sơ tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường số, 90% hồ sơ giấy được cắt giảm và hơn 500 quy trình nghiệp vụ được tự động hóa và hơn 450 robot đang được vận hành trong ngân hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định như sau:

Một là, quy định pháp lý về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử chưa rõ ràng, chưa có hành lang pháp lý cho nhiều sản phẩm mới.

Công nghệ thông tin phát triển và thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi các quy định pháp lý phải rõ ràng, đồng bộ, bắt kịp với những tình huống phát sinh trong công nghệ hiện đại của ngân hàng. Những năm qua, mặc dù Chính phủ, NHNN đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản luật có liên quan, tuy nhiên, một số quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng như quy định về chữ ký điện tử, việc xác thực danh tính của khách hàng thông qua nền tảng số còn chưa cụ thể, chưa có cơ sở bảo đảm trong việc xác thực danh tính... Chính vì vậy, ngân hàng chưa thể thực hiện nhiều tiện ích bằng hình thức 100% online.

Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng chưa được ban hành, bên cạnh đó chưa có hành lang pháp lý cho nhiều sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới như: cho vay ngang hàng (P2P lending), Metaverse… khiến ngân hàng chưa có cơ sở để đầu tư các sản phẩm mới, chủ yếu vẫn vận hành theo các phương pháp truyền thống.

Hai là, chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin. Chia sẻ dữ liệu là cơ sở và nền tảng để thực hiện chuyển đổi số. Ngân hàng cần khai thác thông tin khách hàng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, khiến các ngân hàng chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu cập nhật, chuẩn hóa và số hóa.

Bên cạnh đó, hiệu quả bảo mật thông tin khách hàng chưa cao. Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia ghi nhận hơn 1.000 lượt phản ánh về các vụ lừa đảo liên quan đến ngân hàng trên không gian mạng trong nửa năm qua. Gần đây, nhiều phản ánh cho thấy khách hàng bị lộ thông tin cá nhân như số điện thoại, căn cước công dân… Điều này đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng, gây cản trở đến sự phát triển của giao dịch điện tử.

Ba là, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, áp lực xã hội từ cắt giảm nhân sự. Hạn chế từ yếu tố con người cũng là rào cản trong chuyển đổi số ngân hàng. Nhân viên ngân hàng am hiểu về công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình chuyển đổi số. Nhiều ngân hàng đang đối mặt với tình trạng thừa nhân viên nhưng lại thiếu những nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Ngân hàng, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ sau:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có vai trò rất quan trọng đối với quá trình thực hiện chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số ngành Ngân hàng nói riêng, đặc biệt là trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, giám sát việc thực thi pháp luật. Vì vậy cần quan tâm đến các nội sung sau:

- Hoàn thiện hành lang pháp lý, khẩn trương triển khai và cập nhật Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử. Sớm nghiên cứu ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử và xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trên môi trường mạng.

- Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng cơ sở pháp lý về việc cho phép ngành Ngân hàng được kết nối và khai thác, chia sẻ thông tin trực tuyến từ cơ sở dữ liệu này để phục vụ việc đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử nhằm đem đến trải nghiệm thuận tiện và an toàn nhất cho người dân khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

- Tăng cường hệ thống kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế các rủi ro trong quá trình thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Đồng thời, áp dụng các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm an toàn, bảo mật.

Đối với các ngân hàng

Thứ nhất, nâng cao năng lực số cho nguồn nhân lực ngân hàng. Ngân hàng cần tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức chuyển đổi số cho đội ngũ nhân viên đặc biệt là các kiến thức về sản phẩm số, ứng dụng số mới thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng là một quá trình lâu dài, do đó, việc đào tạo cũng cần có lộ trình và chương trình đào tạo cụ thể phù hợp với từng vị trí việc làm.

Thứ hai, đầu tư nâng cấp công nghệ. Ngân hàng cần ưu tiên nguồn lực cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ. Cần thận trọng khi lựa chọn đối tác cung cấp công nghệ ban đầu, cần đánh giá kỹ uy tín đối tác và phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, các ngân hàng cần chỉnh sửa các quy trình nghiệp vụ trước khi xây dựng kế hoạch mua sắm trang bị kỹ thuật.

Thứ ba, làm giàu cơ sở dữ liệu. Các ngân hàng cần nâng cao năng lực thu thập, làm giàu, sàng lọc, phân tích và quản lý dữ liệu lớn và ứng dụng AI để nắm bắt, dự báo tốt hơn nhu cầu của khách hàng và đưa ra các sản phẩm, dịch vụ, trải nghiệm tương ứng. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở Big Data, thiết lập hệ thống kho dữ liệu chuyên biệt (điện toán đám mây). Về quản trị dữ liệu, cần gia tăng tính bảo mật, an toàn thông tin cho hệ thống ngân hàng, các ngân hàng thương mại cần quan tâm xây dựng tổ chức - bộ máy; lựa chọn và bố trí hợp lý các chuyên gia về công nghệ thông tin, phân tích và quản lý dữ liệu; ban hành chính sách, quy trình quản lý và khai thác dữ liệu.

Thứ tư, tăng cường hợp tác với các tập đoàn công nghệ thông tin. Việc hợp tác với các tập đoàn công nghệ thông tin lớn trong và ngoài nước sẽ giúp ngân hàng học tập kinh nghiệm, trao đổi thông tin về công nghệ, cập nhật các xu thế phát triển công nghệ thông tin phù hợp cho ngành Ngân hàng. Đặc biệt, các ngân hàng cần tăng cường hợp tác với các công ty Fintech. Đây là các công ty có lợi thế về công nghệ, ý tưởng sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác định điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030;
  2. Ngân hàng Nhà nước (2021), Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 về Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
  3. Vương Minh Giang, Lê Thị Như Quỳnh (2021), Tác động của Fintech đến hệ thống ngân hàng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Mối quan hệ tương tác giữa hệ thống ngân hàng và các công ty Fintech trong thị trường dịch vụ tài chính - Kinh nghiệm các nước và gợi ý chính sách cho Việt Nam, tr. 57-67, Hà Nội.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 2/2024